Chân dung "Mark Zuckerberg của nước Nga" Pavel Durov

21:36 19/10/2021

Pavel Durov được biết đến như "Mark Zuckerberg của nước Nga" nhờ việc sáng lập ra mạng xã hội Vkontakte hồi mới 20 tuổi. Khi đó, chàng trai trẻ đang làm việc điên cuồng trong phòng ngủ của căn hộ ở St. Peterburg để chạy đua với các nhà lập trình khác xây dựng ý tưởng cho mạng xã hội đầu tiên của xứ sở bạch dương sau cơn sốt Facebook. Anh đặt tên cho nó là Vkontakte (nghĩa là "liên lạc" trong tiếng Nga) với giao diện trông giống sản phẩm của Mark Zuckerberg.

 

Pavel Durov. Nguồn: Internet
Pavel Durov. Nguồn: Internet.

Durov sinh ngày 10/10/1984 tại Saint Petersburg. Anh sống sung túc từ nhỏ cùng gia đình ở Turin. Cha ông, Valery, là một giảng viên ngành ngữ văn nhưng yêu công nghệ. Khi còn đi học, Durov từng tấn công mạng máy tính của trường và bị nhà trường cắt quyền truy cập Internet. Chàng thanh niên trẻ cũng từng tuyên bố là muốn trở thành "biểu tượng Internet" sau này.

Năm 2006, Durov tốt nghiệp chuyên ngành ngữ văn tại Đại học bang Saint Petersburg. Cùng năm, VKontakte được đổi thành VK.

Với sự giúp đỡ của anh trai Nikolai, Durov đã phát triển VK thành công ty trị giá 3 tỷ USD và hiện vẫn là mạng xã hội lớn nhất châu Âu. Hẳn vì thế, người ta ví anh như "Zuckerberg của nước Nga"..

VK được khởi chạy như một trang web miễn phí hướng đến người dùng, với một công cụ tìm kiếm khá đơn giản và không chứa quảng cáo. Số lượng người dùng tăng rất nhanh nhờ vào các công cụ quảng cáo khác nhau mà chủ sở hữu trang web đã sử dụng. Chỉ trong vòng vài tuần, các lập trình viên của VKontakte đã phải thay đổi dung lượng máy chủ trang web.

Ba tháng sau, VKontakte lọt vào danh sách 50 trang web hứa hẹn nhất trên mạng xã hội nước Nga. Theo thời gian, trang web bắt đầu giới thiệu các phương pháp kiếm lợi nhuận khác nhau cho người dùng. Ban đầu, có dịch vụ SMS trả phí kèm theo sự trợ giúp mà bất kỳ người dùng VK nào cũng có để tăng xếp hạng cá nhân của họ trên trang web.

Từ một website nhỏ ban đầu, VK nhanh chóng phát triển. Với sự giúp đỡ của anh trai Nikolai, vào năm 2014, website này đã có hơn 20 triệu người dùng, được định giá 3 tỷ USD và hiện vẫn là mạng xã hội lớn nhất châu Âu. Vài năm sau, mạng xã hội này nhanh chóng phổ biến với 350 triệu người dùng, giúp Pavel có cơ hội trở thành triệu phú.

Nhưng khác với Zuck, Durov luôn tỏ thái độ nổi loạn. Tháng 12/2011, anh tỉnh dậy khi xung quanh toàn người của an ninh đến yêu cầu khóa tài khoản của một nhân vật bất đồng chính kiến. Chàng trai trẻ từ chối thẳng thừng, thậm chí đăng tin trực tiếp lên mạng xã hội cho cả nước Nga biết.

Chân dung
Chân dung "Mark Zuckerberg của nước Nga" Pavel Durov. Nguồn: Internet.

Năm 2012, Durov cùng một số nhân viên dùng gần 2.000 USD tiền mặt để gấp thành máy bay giấy và phóng qua cửa sổ. "Tôi nhớ một kỹ sư phần mềm khi đó đã tính rằng số tiền bị ném ra ngoài cửa sổ còn lớn hơn tiền lương hàng tháng của anh ấy", Rozenberg nhớ lại.

Tuy nhiên, việc VK phát triển khiến chính phủ Nga không hài lòng. Giới chức Nga muốn sử dụng nền tảng này "bịt miệng" các chính trị gia đối lập và muốn xóa các nội dung liên quan đến người biểu tình. Durov từ chối. Thậm chí, ông còn đăng hình ảnh một con chó đang thè lưỡi lên trang cá nhân để thách thức.

Tháng 12/2013, dưới nhiều áp lực, Durov buộc phải bán số cổ phần còn lại trong VK cho tỷ phú Alisher Usmanov (ông nắm giữ cổ phần tại Mail.ru và hiện sở hữu 100% VK). Tới ngày 21/4/2014, anh bị sa thải rồi sau đó phải rời Nga trong im lặng.

"Thật đau đớn", Durov ngồi trong một khách sạn ở London và hồi tưởng. "Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi không cảm thấy hối tiếc điều gì cả".

Với khoảng 300 triệu USD tiền mặt trong ngân hàng ở Đan Mạch, Durov cùng anh trai Nikolai đã bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp. Họ mua hộ chiếu công dân đảo St. Kitts ở Caribbean (với việc đóng góp 250.000 USD cho Quỹ đa dạng hóa ngành công nghiệp đường Quốc gia, một cá nhân có thể có hộ chiếu cho phép du lịch toàn châu Âu). Sau đó, cả hai dốc sức cho công ty mới mang tên Telegram.

Dự án lấy ý tưởng từ hệ thống bảo mật mã hóa tin nhắn mà Durov và anh trai dùng để liên lạc tránh bị theo dõi. Bằng cách đóng gói mọi thứ thành một ứng dụng, Durov đã mang tới cho thế giới phương thức nhắn tin bảo mật hàng đầu. Telegram được phát hành tháng 8/2013 mà không có thông báo chính thức.

Pavel cho biết lý do hàng đầu giúp Telegram thành công như ngày hôm nay chính là nhờ vào việc xây dựng một cách thức giao tiếp có tính bảo mật cao. Hệ thống của Telegram bảo mật cao đến mức ngay cả các công ty an ninh của chính phủ cũng không thể tiếp cận được. Do đó, người dùng có thể nhắn tin, tương tác với bạn bè mà không phải lo lắng bị các cơ quan an ninh hay hacker đánh cắp thông tin. Chức năng này của Telegram còn được gọi là “Secret Chat”.

Những tháng gần đây, Telegram - ứng dụng nhắn tin được mã hóa của Durov - đã quá phổ biến. Mọi người đổ xô đăng ký thành viên với mong muốn trao đổi nội dung một cách an toàn mà không bị thu thập dữ liệu hay quảng cáo hướng mục tiêu.

Telegram ngày càng được chú ý hơn sau khi WhatsApp, ứng dụng nhắn tin do Facebook đứng sau, muốn liên thông dữ liệu người dùng các nền tảng mà họ quản lý với nhau, gồm Facebook, Instagram và Messenger. Một cuộc "di cư" lớn từ WhatsApp sang Telegram đã diễn ra, giúp ứng dụng của Durov vượt qua cột mốc 500 triệu người hoạt động hàng tháng trong năm 2020. Theo Sensor Tower, tính đến tháng 1, Telegram đã được tải xuống 51,7 triệu lần, tăng 215% so với cách đây một năm.

My An (tổng hợp)