Chân dung CEO Vũ Minh Trí - Người có bảo chứng xây dựng đội ngũ, đưa nhiều công ty vượt qua khủng hoảng

15:53 27/10/2021

Ông Vũ Minh Trí là CEO nổi bật trong làng công nghệ, từng đưa Sony Ericsson Việt Nam, Yahoo Việt Nam, Qualcomm Đông Dương và Thái Lan…vượt qua những cơn khủng hoảng, doanh thu tăng trưởng đáng kể. 5 năm tại Microsoft Việt Nam, ông đã tạo cuộc bứt phá ngoạn mục, trở thành công ty tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu của Microsoft... Ông Vũ Minh Trí hiện đang là CEO Asim Telecom.

CEO Vũ Minh Trí. Nguồn: Internet
CEO Vũ Minh Trí. Nguồn: Internet.

Ông Vũ Minh Trí sinh năm 1973. Ông sinh ra và lớn lên tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ông chọn Đại học Bách khoa TP.HCM theo quan niệm thời đó “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”, chứ chưa hiểu về nghề nghiệp rõ ràng.

Hai năm cuối thấy dầu khí phát triển, ông lại chọn ngành hóa dầu. Ra trường, ông mới cảm nhận rõ ngành dầu khí Việt Nam chẳng có gì, chỉ khai thác bán dầu thô cho nước ngoài. Thế là vỡ mộng. Hằng ngày, cách học duy nhất với ông là đọc sách. Cuốn sách đã làm thay đổi hẳn cuộc đời ông là Career Anchors (Cái neo nghề nghiệp) của Edgar Schein.

“Tôi thấy tố chất con người mình hoàn toàn trái ngược với những gì mình học, mọi thứ rối bời… Cuốn sách đưa ra những trắc nghiệm cho tôi hiểu rằng nếu con thuyền đi càng xa cái neo thì con người mình càng tức tối. Tôi đã quyết định bỏ ngành dầu khí, tìm nghề phù hợp hơn. Thời điểm 1995, tôi hiểu cái neo của mình chính là quản lý, và xây dựng đích đến rất rõ ràng cho 12 năm tiếp theo qua các vị trí sale, marketing ở những tập đoàn nước ngoài… để tích lũy kinh nghiệm sẵn sàng cho vị trí CEO”, ông Trí cho biết.

Bắt đầu làm về nhãn hiệu cho P&G 2 năm, ông đã học được tất cả công cụ marketing, môi trường làm việc ở đây gần như một trường đại học, rất bài bản. Nhưng thay vì chuyên sâu vào marketing, ông lại tìm kiếm lĩnh vực khác.

Ông Trí nhớ lại: “Lúc ấy nhiều công ty bia giang tay đón về, thăng tiến nhiều, nhưng tôi lại chọn BP để học về phát triển kinh doanh. Môi trường ở đây cho tôi thoát khỏi “cơm áo gạo tiền”, có tầm nhìn xa hơn để nhìn thấy tương lai, phát triển thị trường trong 20 năm. Có những hợp đồng tôi ký từ thời đó thực hiện đến giờ này. Sau đó tôi lại chuyển sang một công ty hàng tiêu dùng nhanh để có cơ hội học về nhân sự…

Nhảy việc liên tục, bắt đầu lại từ đầu trong vòng 12 năm các ngành khác nhau… năm 2006 là lúc tôi bỏ hết mọi thứ vào nhau.

Chọn vị trí CEO Sony Ericsson, lúc ấy thương hiệu đang còn khó khăn chật vật lắm. Vì họ quá khó khăn nên mới chọn một người mới trong ngành hàng tiêu dùng như mình để đem lại sự thay đổi.

Lúc ấy một công ty khác sướng hơn nhiều cũng mời gọi tôi, nhưng ở đó mình không học được nhiều. Ở Sony Ericsson tôi có cơ hội thử hết mọi thứ mình đã học, lựa chọn đối tác phân phối, lựa chọn khuyến mãi. Thời điểm 2006-2008, tôi đã đưa doanh số lên hàng trăm triệu USD/năm, phát triển đội ngũ nhân viên lên 7-8 lần. Qua thành công đó tôi tự tin hơn có thể làm một CEO giỏi”.

Những ngày đầu đến Microsoft với ông là khoảng cách rất lớn giữa mong ước với hiện thực. Trong ấn tượng của nhiều người, Microsoft một thời chỉ là đi thu bản quyền, bán phần mềm. Làm thế nào để thay đổi hình ảnh ấy, đem công nghệ tới cho doanh nghiệp và toàn xã hội, giúp cho mọi người tận dụng công nghệ, phát huy tối đa công nghệ, đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống là chiến lược mới của tập đoàn. Trọng trách lớn nhất thuộc về Vũ Minh Trí.

CEO Vũ Minh Trí. Nguồn: Internet
CEO Vũ Minh Trí. Nguồn: Internet.

Khó nhất với ông là thay đổi nhận thức của toàn đội ngũ, chuyển từ tư duy bằng mọi cách để bán được hàng sang vai trò nhà tư vấn cho doanh nghiệp.

Thời điểm năm 2013, Việt Nam đang thực hiện rất nhiều đàm phán thương mại quốc tế. Hàng Thái, hàng Nhật giá rẻ tràn vào Việt Nam, giúp cho khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Bài toán gia tăng hiệu suất, tìm kiếm thị trường, đối tác, marketing… được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết với từng doanh nghiệp.

Mỗi nhân viên của Microsoft phải được trang bị đầy đủ kỹ năng để có thể ngồi xuống với khách hàng, giải quyết khó khăn của khách hàng bằng các giải pháp công nghệ. Về phía doanh nghiệp, để hiểu về công nghệ, hiểu khách hàng, nói bằng ngôn ngữ của khách hàng, đòi hỏi từng nhân viên phải có kỹ năng mới. Nhưng phần lớn nhân viên cũ chưa từng làm phần mềm, chưa từng làm sale, cũng chưa từng ngồi xuống để giải quyết những khó khăn của khách hàng.

Tinh thần mà ông muốn truyền đến toàn đội ngũ để trở thành “nhà tư vấn số 1” là không thể tập trung kết quả, mà phải tập trung vào con đường.

Dựa trên mối quan hệ thôi sẽ mất hết tầm quan trọng của công nghệ. Phải giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp, họ sẽ trở thành khách hàng trung thành, mình sẽ bán được hàng.

Một mặt tổ chức các khóa đào tạo, giúp nhân viên giải quyết trôi chảy những vấn đề của khách hàng bằng cách kết nối với các chuyên gia tư vấn các nước, đặt ra những trường hợp cần tư vấn.

Một số người làm quen cách cũ thấy bắt bị làm, sau thời gian văng ra, còn người ham học trụ lại. Theo cách đó Microsoft lấy rất nhiều nhân tài từ bên ngoài, chính điều này làm thay đổi văn hóa công ty rất nhiều.

Một mặt chấp nhận thương thảo với tập đoàn tại khu vực về chỉ tiêu đặt ra hiện nay không thực tế, cần thời gian cho ông em tại thị trường Việt Nam được học, lấy được sự tự tin để vươn lên.

Bỏ bao công sức bay qua Mỹ, Singapore trình bày lãnh đạo, ông như bị dội gáo nước lạnh: “Chúng tôi nghe bao nhiêu năm nay thị trường Việt Nam rất tiềm năng, nhưng điều đó chưa bao giờ thành hiện thực”.

Có quá nhiều vấn đề để một tập đoàn lớn như Microsoft chịu đầu tư lớn ở thị trường Việt Nam. Họ không bao giờ đặt trứng vào một giỏ. Cách tốt nhất để kiện toàn đội ngũ là đem mấy vị lãnh đạo từ toàn cầu và khu vực ấy đến đây để cùng nếm mật nằm gai với ông em, hiểu về thị trường. Ông phải tìm kiếm lãnh đạo từ những nước không dựa trên mối quan hệ, chỉ dựa vào tư vấn khách hàng để lôi về thị trường Việt Nam.

Cho họ thấy toàn bộ sự thật, nhìn thấy khát vọng của nhân viên muốn đạt được nhiều hơn, tính trung thực của nhân viên bằng cách làm việc minh bạch, rõ ràng và nói chuyện với bên ngoài, với khách hàng sẵn sàng sử dụng công nghệ.

Sau bốn lần qua Việt Nam, bốn vị lãnh đạo cao cấp nhất của Microsoft đã thấy có thể đầu tư vào Việt Nam. Mọi thứ trở nên khác hẳn, có chuyên gia, có đội ngũ làm về công nghệ, sau bước ngoặt đó guồng máy như bánh đà đã có trớn, phát triển năm sau luôn cao hơn năm trước.

Niềm tin là quan trọng nhất. Chính điều đó đã giúp Microsoft mỗi năm tăng trưởng 2 con số, thôi thúc mọi người làm việc hăng say hơn, không phải cho riêng Microsoft, mà cho cả Việt Nam.

Gần 5 năm làm cho Microsoft, đứng về phía bên trong, Microsoft Việt Nam là công ty tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu, chứng tỏ thị trường tiếp cận công nghệ rất nhanh, bên cạnh đó, làm sao người dân và chính quyền hiểu được tính năng của công nghệ trong ứng dụng hàng ngày là điều ông luôn theo đuổi.

Ông chia sẻ: “Ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm đến Microsoft chia sẻ khó khăn về chuỗi bán lẻ, chuỗi phân phối, mua  bán, sáp nhập, chuẩn hóa bên trong để tăng tính minh bạch, làm sao đưa công nghệ vào cuộc sống… khiến tôi rất vui".

"Gia nhập công ty công nghệ hàng đầu với tôi chính là để phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng hạ tầng thông tin. Microsoft Việt Nam đang là một trong số ít công ty được lựa chọn xây dựng công nghệ thành phố thông minh ở khắp các tỉnh thành Việt Nam ”, ông nói thêm.

Nếu tiếp tục ở lại Microsoft, nhiệm vụ của ông trong 5 năm nữa là phải chuyển đổi Microsoft thành công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, giúp doanh nghiệp và nhà nước chuyển đổi số thành công. Nhưng ông lại quyết định rẽ sang giáo dục, một đam mê nữa của mình.

Vào tháng 7/2012, ông Vũ Minh Trí đã khiến cả giới doanh nhân và công nghệ Việt Nam cảm thấy tự hào khi được chọn vào vị trí Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Thời ấy, rất hiếm người Việt được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chọn làm đại diện cho họ tại thị trường Việt Nam. Thậm chí, sau khi ông Vũ Minh Trí từ nhiệm vào năm 2017, Microsoft đã chọn ông Aung San Maung – người Hàn Quốc, thay thế. Hiện người giữ vị trí lớn nhất tại Microsoft Việt Nam là ông Phạm Thế Trường.

Sau khi rời Microsoft, ông Vũ Minh Trí không phục vụ cho các FDI nữa, mà chỉ gia nhập doanh nghiệp trong nước.

Đầu tiên, ông đầu quân cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng – một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam, giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc - phụ trách khối Đại học và Sau đại học. Tuy nhiên, mối duyên của ông Trí và Nguyễn Hoàng khá ngắn ngủi, khi chỉ chưa đầy 1 năm sau, ông đã rời Nguyễn Hoàng và gia nhập VNG.

Sau 1 năm phiêu lưu – thử sức ở lĩnh vực giáo dục, cuối cùng ông đã quyết định quay trở lại lĩnh vực mình am hiểu nhất – công nghệ, khi được VNG bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ đám mây.

Tại thời điểm đó, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh chia sẻ rằng: 4 mảng trọng tâm của VNG hiện tại và tới đây là nội dung số, Zalo Group, thanh toán và dịch vụ đám mây. Trong đó, thanh toán và cloud services đều là các xu hướng đang "hot" của khu vực và thế giới. VNG có lẽ đã kỳ vọng rất nhiều vào ông Vũ Minh Trí, có thể khiến dịch vụ đám mây của họ kiếm được nhiều tiền như Amazon.

Tuy nhiên xuất hiện tại một sự kiện mới đây, ông Vũ Minh Trí được giới thiệu với một chức vụ mới, không còn là "người của VNG", ông Vũ Minh Trí được giới thiệu là CEO CTCP Viễn Thông ASIM.

Được mệnh danh là “Người có bảo chứng xây dựng đội ngũ, đưa công ty vượt qua khủng hoảng” như với Microsoft, Sony Ericsson, Yahoo, nhưng ông cũng nếm trải không ít cay đắng khi bước vào ngành công nghệ, bởi sự thử thách dữ dội của thị trường, nếu không thay đổi liên tục sẽ chết ngay.

“Thế giới thay đổi rất nhanh, rất nhiều quy luật trước đây không còn đúng nữa. Những tên tuổi lẫy lừng như Kodak, Motorola không ai tin chỉ sau một vài năm biến mất!

Theo ông, hai câu hỏi luôn đặt ra cho một CEO: “Khi nào thay đổi bên trong công ty chậm hơn bên ngoài thì công ty sắp đóng cửa? Mình đang thành công trong môi trường ngày hôm nay hay hôm qua?”.

My An (tổng hợp)