CEO, sáng lập Coolmate Phạm Chí Nhu: Đừng nên đặt niềm tin vào những thứ mình không kiểm soát được

14:32 09/08/2021

Trước khi nhận vốn triệu đô, CEO Coolmate từng bị co-founder lừa sạch tiền..

Phạm Chí Nhu sinh năm 1991, tốt nghiệp loại giỏi Đại học Ngoại Thương Hà Nội, chuyên ngành Thuế và Hải Quan thuộc khoa Tài Chính Ngân hàng. Theo thông tin trên tài khoản LinkedIn của Chí Nhu, trong thời gian học tập tại Đại học Ngoại Thương, anh có khoảng thời gian 1 năm nhận huấn luyện thực địa ngành vận hành bán lẻ tại Singapore cho Adidas. 

Phạm Chí Nhu, người sáng lập và CEO Coolmate, trên sân khấu Shark Tank Việt Nam. Nguồn ảnh: Shark Tank
Phạm Chí Nhu, người sáng lập và CEO Coolmate, trên sân khấu Shark Tank Việt Nam. Nguồn ảnh: Shark Tank.

Bên cạnh đó, Phạm Chí Nhu cũng có 4 tháng làm việc dưới vai trò trợ lý kiểm toán của công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam. Sau khi ra trường, Phạm Chí Nhu làm việc cho một công ty tư vấn kinh doanh. Đến tháng 6/2015, anh "bén duyên" với mảng bán lẻ mỹ phẩm khi đầu quân cho Milensea.

Trước khi khởi nghiệp với Coolmate, ông từng tham gia lĩnh vực sản xuất đồ da và đạt hiệu quả khá tốt. Để tiến hành mở rộng sản xuất, ông Nhu kết hợp với một chủ xưởng đồ da tại TP.HCM thông qua sự giới thiệu của người bạn, cùng nhau góp rất nhiều tiền để thu mua da cá sấu, đưa sang Thái Lan thuộc da sau đó mang trở lại Việt Nam để bán cho các xưởng thuộc da. Sau 6-7 tháng kết hợp làm việc, ông Nhu cùng chủ xưởng đồ da bắt đầu góp tiền thành lập công ty.

Tuy nhiên, do làm việc và sinh sống tại Hà Nội nên ông Nhu không có thời gian, điều kiện quản lý trực tiếp xưởng đồ da tại TP.HCM, mọi việc đều giao cho người đồng sáng lập điều hành. Đây cũng là lý do mà chỉ sau một thời gian ngắn, người đồng sáng lập cùng toàn bộ số tiền vốn, lãi “bốc hơi”.

“Tôi điện thoại, họ không nghe máy, đến nhà cũng không tìm được và biết rằng họ đã vỡ nợ. Thực ra số tiền chỉ tầm 600-700 triệu nhưng đối với tôi lúc đó, đây là số tiền khá lớn và vợ chồng tôi sắp sinh con, nên đó là giai đoạn rất khó khăn”, ông Nhu kể và tự rút ra bài học: Đừng nên đặt niềm tin vào những thứ mình không kiểm soát được.

Sau nhiều lần kinh doanh, ông Nhu thử sức với Coolmate trong lĩnh vực thời trang nam với mô hình trực tiếp sản xuất và bán lẻ trên nền tảng website thương mại điện tử tự phát triển. Chỉ sau 1 năm thành lập (từ năm 2019 – 2020), doanh số bán hàng Coolmate đã tăng 6 lần. 

CEO, sáng lập Coolmate Phạm Chí Nhu: Đừng nên đặt niềm tin vào những thứ mình không kiểm soát được. Nguồn: Internet
CEO, sáng lập Coolmate Phạm Chí Nhu: Đừng nên đặt niềm tin vào những thứ mình không kiểm soát được. Nguồn: Internet.

"Thị trường thương mại điện t thời gian gần đây tăng trưởng rất nhanh tại Việt Nam. Xu hướng chung là online đi lên và offline đi xuống. Nhưng thị trường thương mại điện t cũng có vấn đề của riêng nó. Đó là chi phí marketing của thương mại điện t rất cao, các sàn luôn phải bỏ chi phí để tìm kiếm người dùng mới", nhà đồng sáng lập Coolmate nhận định.

Ngay từ đầu, Nhu Phạm cùng đội ngũ sáng lập đã xác định Coolmate sẽ hướng tới mô hình kinh doanh sinh lời, thay vì quảng cáo "đốt tiền". Chi phí lớn nhất của Coolmate sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như trải nghiệm mua hàng.

Do đó, Coolmate xây dựng mô hình mua sắm theo tủ đồ tuỳ chọn cho nam giới, với mức giá hợp lý, số lượng đồ đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Danh mục tủ đồ Coolmate bao gồm hơn 20 sản phẩm: áo thun, quần short, quần lót, tất nam...

"So với việc mua hàng truyền thống, với 500.000 đồng và 3-4 tiếng cả di chuyển và chọn đồ, bạn có thể đem về được bao nhiêu món? Sự thật là chỉ 2 chiếc áo phông hàng Việt Nam hoặc một chiếc áo hàng ngoại.

Nếu chọn Coolmate - mô hình hoạt động chủ yếu trên nền tảng thương mại điện tử, chỉ cần 2 phút dạo xem và lựa chọn tại coolmate.me, tiến hành thanh toán trong 30 giây, bạn sẽ đem về được 11 món đồ", nhà sáng lập Coolmate khẳng định.

Chính nhờ sự tiện lợi này, trong tuần đầu ra mắt, hơn 1.000 tủ đồ đã được đặt, dù startup chưa chạy bất kỳ chiến dịch marketing nào. Đáng chú ý, tỉ lệ khách hàng quay lại Coolmate lên tới 25%, trung bình chi tiêu 3 tháng một lần, tỉ lệ đổi trả dưới 2%.

Trong đó, các sản phẩm của Coolmate từ khâu dệt, nhuộm vải, cắt may, hoàn thiện đều được thực hiện trong những nhà máy đạt tiêu chuẩn tại Việt Nam. Nhờ chất liệu vải luôn hướng đến sự năng động và thích hợp với đa dạng phong cách, Coolmate đã nhanh chóng thuyết phục được nam giới Việt.

Nhà sáng lập này cho biết, hiện hơn 80% đơn hàng của Coolmate đến từ website. Đằng sau sự thành công đó là một đội ngũ kĩ sư công nghệ phát triển và tối ưu trang thương mại điện tử từ những ngày đầu.

"Chúng tôi luôn nói với nhau, Coolmate không phải là sự đột phá, mà đơn giản là chúng tôi đang hoàn thiện những mặt còn hạn chế của mô hình thương mại điện tử. Đơn thuần là Coolmate bán đúng đối tượng, đúng thời điểm và đúng ngách thị trường", CEO Nhu Phạm khẳng định.

Phạm Chí Nhu đã từng đến Shark Tank Việt Nam mùa 4 và sau màn thương thảo qua lại nhiều căng thẳng với Shark Bình, cuối cùng founder Phạm Chí Nhu đã "chốt deal" thành công và gọi được số vốn 500.000 USD đổi lấy 10% cổ phần + 2,5% advisory shares.

Trước khi tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 4, Coolmate vốn đã làm một gương mặt khá quen thuộc trong các cuộc thi dành cho startup tại Việt Nam. Điển hình, công ty này từng lọt vào top 10 của Startup Wheel 2020. Đầu năm 2020, Coolmate đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ Quỹ 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Silicon Valley. Bên cạnh đó, đại diện Coolmate cho biết vòng gọi vốn gần đây nhất với nhà đầu tư Hàn Quốc được định giá 4,5 triệu USD pre-money, đã bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái và sẽ kết thúc trong tháng này.

Gia Bảo (tổng hợp)