CEO Homefarm và câu chuyện gọi vốn thành công trong mùa dịch

10:06 13/09/2021

Homefarm bắt đầu chỉ bằng một cửa hàng nhỏ cung cấp thực phẩm sạch. Bằng quyết tâm và sự trăn trở không ngừng với sứ mệnh đặt ra cho thương hiệu, anh Trần Văn Trường CEO Homefarm đã bước đầu thành công khi đã có 110 cửa hàng – là thương hiệu thực phẩm nhập khẩu có quy mô lớn nhất nước và được Quỹ đầu tư startup của Alibaba tiếp tục rót vốn triệu đô...

Doanh nhân Trần Văn Trường. Nguồn: Internet
Doanh nhân Trần Văn Trường. Nguồn: Internet.

Cách đây khoảng hơn 5 năm, những người làm trong ngành F&B, nhất là thế hệ trẻ, ai cũng muốn mang tới cho người Việt những thực phẩm tươi ngon, an toàn với giá cả phải chăng. Nhưng, với nền kinh tế tương đối lạc hậu và phương thức sản xuất còn manh mún, thô sơ, nguồn hàng để thỏa mãn 3 điều kiện đó trong nước khá hạn chế.

Để giải quyết vấn đề, có doanh nhân trẻ chọn dấn thân vào canh tác theo phương thức GlobalGAP hay Organic, có người đứng ra liên kết và khuyến khích, còn anh Trần Văn Trường – Co-founder kiêm CEO Homefarm chọn đường vòng: trong giai đoạn đầu tập trung vào hàng nhập khẩu để ngay lập tức có nguồn thực phẩm chất lượng cao phục vụ khách hàng, rồi mới từ từ quay trở lại "săn" hàng chuẩn ở thị trường quốc nội, khi nguồn cung bắt đầu đủ lớn như hiện tại.

Năm 2014, anh Trần Văn Trường mở một cửa hàng nhỏ chuyên cung cấp thực phẩm sạch, lấy tên là Homefarm, tại địa chỉ số 2 - Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai, Hà Nội).

Những ngày đầu, ngoài khó khăn về nguồn vốn và nhân lực, thách thức lớn nhất đối với anh Trường là hàng hóa được chứng nhận chất lượng và ổn định về nguồn cung. Để chinh phục, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, Trường xác định, Homefarm cần tạo được sự khác biệt về tiêu chuẩn chất lượng cao của sản phẩm.

“May mắn là chúng tôi đã có lựa chọn đúng đắn về chiến lược và vượt qua được những thách thức ban đầu”, anh Trường chia sẻ.

Thực ra, điều may mắn mà anh Trường đề cập không đến một cách tình cờ. Homefarm đã thấu hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay không chỉ đơn giản là “ăn no, mặc ấm”, mà là “ăn ngon, mặc đẹp”, dịch vụ chu đáo, tiện lợi. Từ đó, việc kinh doanh thực phẩm nhập khẩu tại Homefarm đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng tiêu dùng, thông qua việc mở rộng hệ thống điểm bán, kết hợp với các kênh mua sắm hiện đại, bán hàng online cùng các ứng dụng giao hàng tận nhà.

“Chúng tôi nhận thấy, bán lẻ thực phẩm tiêu chuẩn cao có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Homefarm phát triển thành chuỗi cửa hàng bán thực phẩm nhập khẩu an toàn và trở thành công ty đi tiên phong trong lĩnh vực này”, Trường nói.

Để sinh tồn trong thị trường thực phẩm cạnh tranh mạnh mẽ, Trường và đội ngũ Homefarm luôn xác định, ngoài việc sản phẩm phải đạt chất lượng tiêu chuẩn cao, chuỗi cửa hàng phải tạo được sự khác biệt. Theo đó, Homefarm phục vụ khách hàng tối đa, sơ chế thực phẩm tại cửa hàng, chứ không đơn thuần bày bán như các siêu thị. Homefarm mong muốn mang đến một giải pháp về bữa ăn trong các dịp đặc biệt cho những gia đình trẻ, không có nhiều thời gian chuẩn bị thông qua việc cung cấp các combo kèm theo hướng dẫn; cung cấp các sản phẩm đã chế biến sẵn, sản phẩm ăn liền…

Theo anh Trường, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Homefarm, có lẽ thời điểm khó khăn nhất mà doanh nghiệp phải đương đầu là đợt đại dịch Covid lần này và Homefarm cũng chịu những tác động nhất định. 

Chuỗi cung ứng thị trường rơi vào tình trạng bất ổn, dẫn đến tỷ lệ đáp ứng hàng hóa ở điểm bán khá bấp bênh. Homefarm đã phải cố gắng rất nhiều từ các cấp lãnh đạo cho đến từng CBNV để đảm bảo sự vận hành xuyên suốt của hệ thống. Sự đồng lòng này đã đem lại động lực lớn lao và nghị lực vượt khó của cả doanh nghiệp. Cụ thể: cuộc khủng hoảng về cước vận tải, dịch bệnh Covid làm ảnh hưởng khá nhiều tới Homefarm, nhưng Homefarm đã quán triệt tới anh chị em là cố gắng bằng mọi cách để bình ổn giá trong thời điểm này. 

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet.

Ngoài ra cũng phải kể đến những chiến lược phát triển kinh doanh mới, chuyển đổi số và sự phản ứng nhanh chóng của Homefarm đối với biến động của thị trường - khách hàng. Chúng tôi luôn chuẩn bị những phương án đối phó với các kịch bản khác nhau, từ đó dần đem Homefarm về vị thế chủ động, giảm các tác động tiêu cực của bệnh dịch.

Cơ duyên với quỹ Alibaba

Vừa qua, trên các trang thông tin kinh doanh quốc tế đã rầm rộ thông tin: Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP của Alibaba đã đầu tư vào chuỗi cửa hàng thực phẩm Việt Nam là Homefarm. Dù không công bố số tiền đầu tư cụ thể nhưng CEO Homefarm Trần Văn Trường tiết lộ khoản đầu tư này có "bảy chữ số". Hiện Homefarm có khoảng 150 cửa hàng trên toàn quốc.

Khoản đầu tư mới nhất là thông qua Quỹ ReDefine Capital, một tổ chức đầu tư đăng ký kinh doanh tại Singapore do eWTP kiểm soát. Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP của Alibaba là quỹ trị giá 600 triệu USD được thành lập vào năm 2018. Alibaba và Ant Group của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma là những nhà đầu tư ban đầu vào quỹ này.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, CEO Homefarm cho biết:  Với định hướng rõ ràng và tầm nhìn chiến lược trong 5 năm tăng độ phủ lên 1.000 cửa hàng, Homefarm luôn tìm kiếm và mở rộng cánh cửa đối với những người đồng hành và các quỹ đầu tư để hiện thực hóa mong muốn của mình.

Bên cạnh đó, Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP cũng có tham vọng mở rộng hơn nữa vào thị trường Việt Nam, đồng thời tìm kiếm những nhà sáng lập khởi nghiệp có tinh thần quyết liệt với mục tiêu rõ ràng. Hai điều này đã khiến cho cả Homefarm và Quỹ tìm thấy điểm chung và hợp tác với nhau.

Quá trình đàm phán 1 deal thường sẽ diễn ra khoảng 4-6 tháng, chúng tôi đã hoàn tất thương vụ này từ tháng 6/2021 rồi, nên thực tế 2 bên đã có cơ hội gặp nhau trực tiếp.

Các quỹ đầu tư đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Với sự hậu thuẫn vững chắc của Quỹ, Homefarm tin tưởng rằng sẽ đạt được mục tiêu 5 năm đã đề ra và tiến tới tầm nhìn 10 năm của doanh nghiệp.

Việc phát triển này không chỉ giới hạn ở độ phủ, giá trị thương hiệu mà còn cả chinh phục niềm tin và sự đồng hành của hàng triệu khách hàng.

Nói về yếu tố quan trọng nhất giúp Homefarm lọt vào "mắt xanh" của Quỹ eWTP, theo anh Trường, qua 7 năm gia nhập thị trường, Homefarm đã chứng minh được phần nào mô hình kinh doanh hiệu quả của mình qua sự phát triển từng ngày, cũng như khả năng lãnh đạo của đội ngũ sáng lập qua việc thu hút nhân lực tài năng và đạt được những thành thành tựu nhất định, chiếm lĩnh thị trường và chinh phục khách hàng.

Thực tế, các Quỹ đầu tư cũng chú trọng xem xét khả năng nhạy bén thị trường của doanh nghiệp cũng như những điểm nổi bật của mô hình kinh doanh để có thể đưa đến thành công. Anh cho rằng đây cũng là 1 trong các yếu tố quyết định để Quỹ có thể đồng hành với Homefarm hiện tại và trong tương lai.

Hương Trà (tổng hợp)