CEO Đoàn Văn Hiểu Em và lời hứa đưa An Khang lên tầm cao mới

17:10 29/04/2022

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đối với chuỗi An Khang sau nhiều năm không tập trung, năm nay với sự lèo lái của ông Đoàn Văn Hiểu Em, sẽ đưa An Khang lên tầm cao mới. Hiện ông Đoàn Văn Hiểu Em đang đảm nhiệm vị trí CEO của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chuỗi nhà thuốc An Khang, tiền thân là chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang được MWG rót vốn đầu tư vào năm 2018 với tỷ lệ sở hữu là 49% vốn điều lệ, tương đương hơn 634.000 cổ phần. Giá trị chuyển nhượng được ghi nhận thời điểm đó là 62 tỷ đồng. Trước đó, MWG cũng từng lên kế hoạch mua lại 100% cổ phần tại chuỗi bán lẻ thuốc này, thay vì mất 2-3 năm để tự tìm hiểu, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm.

“Sau khi tiếp nhận, điều chỉnh về mặt cửa hàng cũng như định hướng kinh doanh. Trong thời gian tới, An Khang tăng tốc như vũ bão trong năm nay và đến cuối năm có thể đứng vị trí top 3 của ngành dược cả về doanh thu cũng như số lượng chuỗi cửa hàng”, ông Đoàn Văn Hiểu Em - người được giao trọng trách phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang chia sẻ tại ĐHĐCĐ.

Tại thời điểm này vấn đề mà An Khang chú trọng là gia tăng thị phần và số lượng cửa hàng thay vì lợi nhuận. Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em  khi đạt được những mục tiêu này thì việc chuyển hóa từ doanh thu sang lợi nhuận sẽ đến sớm thôi. 

Tại thời điểm cuối năm 2021, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng An Khang khoảng 340 – 350 triệu đồng. Đến quý 1/2022, doanh số trung bình một cửa hàng trong tháng 3 tăng gần gấp đôi khoảng 650 triệu đồng/cửa hàng.

Để đạt được con số doanh thu ấn tượng này, An Khang có rất nhiều thay đổi về mặt chiến lược cũng như định hình lại mô hình kinh doanh, thiết kế lại layout cửa hàng, cơ cấu danh mục sản phẩm, xây dựng website mới… Dĩ nhiên, dự kiến doanh thu của chuỗi này vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Đối với An Khang, hiện MWG đang định vị lại gần 200 cửa hàng An Khang trước đó với nhận diện, logo mới và dự kiến hoàn thành trong tháng 5. Kế hoạch ngắn hạn đến cuối tháng 6, An Khang sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng sẽ từ 178 nhà thuốc lên gần 400 nhà thuốc với diện mạo hoàn toàn khác và tiếp tục nhân rộng số lượng cửa hàng trong những tháng cuối năm 2022.

an-khang-1-1651201108.PNG

Tính đến cuối năm 2021, An Khang đã có 178 nhà thuốc

Ở thị trường điện máy, dưới bối cảnh tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ điện thoại, điện máy trong nước ngày càng chậm trong khi thị phần điện thoại, điện máy của MWG đã ở mức cao, việc giữ vững tốc độ tăng trưởng 2 con số hàng năm của công ty là một “thử thách” khá lớn.

Tại ĐHĐCĐ mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng cho biết theo nhận định của cá nhân ông, thị trường điện thoại, điện máy trong năm 2022 dự kiến chỉ tăng 8-10%. Nếu MWG muốn tiếp tục tăng trưởng thị phần thì chỉ có cách lấy thị phần của người khác.

Trong năm nay MWG có kế hoạch mở các trung tâm điện máy với diện tích từ 3.000 – 5.000m2 để đánh vào phân khúc cao cấp và sẽ mang mô hình Điện Máy Xanh đã thành công đi sang nước ngoài nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, công ty cũng đang đẩy mạnh mở rộng sang các ngành hàng còn nhiều tiềm năng để gia tăng thị phần và trong đó có ngành dược phẩm.

Theo ước tính của BMI (công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International), thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 10% so với năm 2020 và đạt hơn 5 tỷ USD. Giá trị thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2025. Với mức thu nhập ngày càng cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe không chỉ dừng lại ở thuốc điều trị mà còn tập trung ở các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe khác như thực phẩm chức năng hoặc các thiết bị điện tử theo dõi sức khỏe.

Trong khi đó, thị trường nhà thuốc Việt Nam vẫn đang còn rất phân mảnh với mạng lưới hơn 60.000 điểm bán, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể. Vì thế, các chuỗi bán lẻ hiện đại với lợi thế về quy mô, chất lượng dịch vụ ổn định và sản phẩm đa dạng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng thị phần trong các năm tới.

Tại ĐHĐCĐ, ông Hiểu Em cũng nhận định rằng "thị trường ngành dược quy mô khoảng 7-8 tỷ USD trong khi hiện có đến 60.000 nhà thuốc truyền thống. Trong khi các nhà thuốc hiện đại như An Khang, Pharmacity, Long Châu chiếm khoảng 3 – 5% trong 60.000 nhà thuốc này. Đây là những con số chứng tỏ cơ hội ngành dược rất lớn".

“Mục tiêu đặt ra là có thể đứng vị trí top 3 nhưng khoảng cách rất gần so với vị trí thứ 1 và thứ 2 bây giờ. Trong tương lai không xa, một vài năm tiếp theo An Khang phải đứng nhất trong ngành dược này”, người chịu trách nhiệm dẫn dắt chuỗi An Khang - ông Hiểu Em cho biết.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Tài chính – Marketing TP. HCM chuyên ngành Tài chính – Kế Toán. Gia nhập MWG từ tháng 3/2007, ông Hiểu Em đã trải qua những vị trí khác nhau, bắt đầu từ phòng tài chính kế toán, trưởng ngành hàng, Giám đốc ngành hàng điện thoại và sau đó là Giám đốc ngành hàng Điện tử – Viễn thông.

Tháng 9/2018, ông Hiểu Em được bổ nhiệm vào vị trí CEO của công ty con của MWG là Công ty cổ phần Thế Giới Di Động. Từ tháng 4/2019 đến nay, ông được bổ nhiệm là thành viên HĐQT của MWG.

Nền tảng kiến thức được đào tạo trong lĩnh vực tài chính cộng với sự am hiểu các ngành hàng kinh doanh lớn và khả năng hợp tác, phối hợp nhịp nhàng với khối siêu thị đã giúp cho ông Hiểu Em được HĐQT trị tin cậy và giao trọng trách lớn này.

Thế Giới Di Động dưới sự điều hành của CEO Đoàn Văn Hiểu Em đã vượt qua những giới hạn và khuôn khổ trước đây. Thậm chí, CEO trẻ này còn có thể gia tăng số lượng cửa hàng lên gấp đôi, từ hơn 1.000 cửa hàng lên trên 2.300 cửa hàng chỉ sau 2 năm, trong khi các nhà bán lẻ khác chật vật sống sót hoặc co cụm lại. Cùng với đó, Công ty tập trung nâng cấp về chất cho các cửa hàng hiện hữu, cụ thể là thay đổi toàn bộ layout, quầy kệ theo mô hình nhà kho để gia tăng số lượng hàng hóa trưng bày gấp đôi, gấp ba, từ đó gia tăng sự lựa chọn dành cho khách hàng.

Thời điểm giữa và cuối năm 2020 các doanh nghiệp bán lẻ đều lao đao do dịch COVID-19 nhưng Thế giới di động, Điện máy xanh và Bách Hóa Xanh vẫn thành công cán mốc tăng trưởng cả về doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế.

Bằng sự lãnh đạo kịp thời và thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng mùa dịch của vị CEO 8x, hoạt động kinh doanh online của cả 3 chuỗi đã thu về hơn 7.000 tỷ đồng chiếm 9% doanh thu tổng.

 Hải Anh (tổng hợp)