CEO Đoàn Thư: Thành công sẽ đến khi bạn dành hết tình yêu, đam mê, thời gian và cuộc sống cho nó bất chấp mọi khó khăn

09:17 02/09/2021

Sự khôn ngoan và thực tế của CEO Vua Cua thể hiện rõ trong việc xây dựng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau cho thương hiệu Vua Cua cũng như quyết định lựa chọn Vua Cua Bike thay vì Vua Cua Express hay Vua Cua Restaurant để nhượng quyền...

Nữ doanh nhân 8X Đoàn Thị Anh Thư. Nguồn: Internet
Nữ doanh nhân 8X Đoàn Thị Anh Thư. Nguồn: Internet.

Để có bước đi của ngày hôm nay, CEO Đoàn Thư từng chật vật với ba lần khởi nghiệp thất bại. Thời chưa hai mươi, chị nuôi mộng ngành y và đậu vào khoa điều dưỡng. Một lần nhập viện cấp cứu khiến Thư nhận ra có một thứ trên đời mà mình không thể chịu nổi là máu. Chị quyết định học quản trị kinh doanh sau khi tình cờ đọc một mẩu quảng cáo trên đường ghi “Bạn có muốn trở thành giám đốc trong tương lai không?”.

Học phí của một trường quốc tế vào thời điểm 2005 là 3.200 USD, số tiền quá lớn với xuất phát điểm khiêm tốn từ một gia đình không mấy khá giả. Ông nội ở Mỹ dù không dư dả cũng cố gắng gửi tiền cho chị theo đuổi giấc mơ và mỗi tháng chu cấp một đến hai trăm USD. Sau nửa năm, một hiểu lầm đã dẫn đến việc cắt đứt liên lạc giữa Thư và gia đình. Chị buộc phải đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Thư bắt đầu làm nghiên cứu thị trường, cầm những tờ giấy đi gõ cửa từng nhà, có lúc bị chó rượt chạy khắp nơi. Cứ vài tháng chị lại đổi một công việc, từ bán bảo hiểm đến các sản phẩm khác. Năm 2008, chị ra trường và gia nhập một công ty sự kiện, chỉ trong ba tháng đầu đã kiếm được doanh thu 50 triệu. Mối duyên đưa Thư đến quyết định mở công ty tổ chức sự kiện. Trong năm đầu, chị liên tục tìm được hợp đồng, mỗi tháng bỏ túi 100 triệu đồng lợi nhuận. “Tiền nhiều đến mức chuẩn bị mua nhà và xe hơi”, chị nhớ lại.

Trong một lần hợp tác, Thư bị lừa và mất trắng số tiền kiếm được trước đó, ngoài ra còn phải dính nợ gần 500 triệu. Có lúc cô phải quăng sim và trở lại làm thuê để kiếm tiền trả nợ. “Tôi còn quá trẻ, hiếu thắng, cứ nghĩ làm được là do mình giỏi nên lúc nào cũng tự tin, đến khi thất bại thì không đủ bản lĩnh để đối diện”, chị kể về quá khứ màu xám.

Trong thời gian này, Thư cũng cố gắng tìm cách tiếp tục khởi nghiệp nhưng thành công vẫn chưa gọi tên. Quán sinh tố khiến cô lỗ mất 100 triệu, một dự án thương mại điện tử ngốn 700 triệu nhưng không có khả năng sinh lời. Giai đoạn đó, điều Thư nghĩ đến chỉ là làm sao kiếm ra tiền. Chị nói sau tất cả đã lĩnh hội được bài học là khi kinh doanh không bao giờ để mình cạn kiệt vốn. “Làm ăn phải có lợi nhuận mới sinh tồn. Đừng mãi suy nghĩ là có lỗ thì mới lên được mà phải có kế hoạch, nếu chắc chắn lời tính trên những con số cụ thể thì mới làm. Đừng bao giờ ảo tưởng ra đường mặc chiếc áo vest là trở thành doanh nhân, mà phải lao động và làm việc cật lực”.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet.

Một buổi trưa mùa hè năm 2015, trong căn phòng trọ 9m2, Thư một mình “chiến đấu” với mấy ký cua trước mắt. Lần lượt sơ chế rồi cho cua vào chảo, cô nêm nếm gia vị trước khi giao hàng cho khách. Lúc trở về, căn phòng toàn dầu là dầu văng khắp nơi: dưới sàn nhà, trên vách tường, đệm ngủ. Đưa tay lên trán lau vội mồ hôi, Thư ngả lưng chợp mắt với giấc mơ một ngày mở nhà hàng cua.

Một năm sau, thương hiệu Vua Cua chính thức có tên trên bản đồ ẩm thực Sài Gòn. Vua Cua không phải là lần khởi nghiệp đầu tiên của chị Đoàn Thị Anh Thư nhưng có lẽ là lần thành công nhất tính cho đến thời điểm bây giờ. Hơn nữa, lý do chị tạo ra Vua Cua khá đơn giản: đầu tiên là để thỏa mãn mong ước được ăn cua ngon với giá cả phải chăng của bản thân. Trước năm 2016, chị luôn cảm thấy khó khăn để tìm một quán ăn thỏa mãn tất cả mong ước của bản thân lúc lên cơn thèm cua. 

Ghiền cua có thể không dữ dội như ghiền sầu riêng, nhưng từ trải nghiệm của bản thân, chị biết rằng ‘cơn thèm cua’ nếu không được thỏa mãn cũng sẽ khiến người ta vô cùng thất vọng. Đó là nguyên do, kể từ khi bắt đầu cho đến thời điểm bây giờ, sau 5 năm, chị vẫn giữ nguyên tắc nhất quán cho bản thân và đội ngũ là ‘không bao giờ từ chối bất cứ khách hàng nào’.

"Ở khối nhà hàng, các nhân viên của tôi luôn tự biết rằng, nếu hôm đó họ để ‘rơi’ hoặc ‘từ chối’ bất cứ khách hàng nào đã lặn lội đường xa đến với Vua Cua, với bất cứ lý gì, thì nên đích thân viết bản kiểm điểm, chứ không cần đợi người khác phải nhắc nhở. Bởi, nếu tìm cách ‘trốn tội’ hoặc để người khác nhắc nhở và đến tai tôi, mọi người có khi phải nghe mắng đến nửa đêm", chị Đoàn Thị Anh Thư kể.

Tuy nhiên, chị Anh Thư không phải là theo trường phái kỹ trị. Chị quản trị nhân sự bằng cách tác động lên cả đời sống tinh thần lẫn vật chất của nhân viên.

Cho tới bây giờ, chị vẫn là người trực tiếp đi training cho các nhân sự mới về thương hiệu, sứ mệnh và mục tiêu của Vua Cua. Mục đích là để truyền lửa đam mê trong ngành F&B và khiến các bạn nhân viên yêu quý thương hiệu như thể nó là của mình.

Chị tự tin rằng, mức lương mình đang trả cho nhân viên bằng với mức khá của thị trường: trung bình từ 7 đến 8 triệu/người.

"Tôi vẫn luôn tin vào câu, vật chất quyết định ý thức, nên trong quá trình khởi nghiệp, tôi luôn cố gắng đối đãi với các nhân sự của mình tốt nhất có thể - về mặt lương bổng", founder Vua Cua tâm tình.

Nhà hàng Vua Cua: là nơi để khách hàng đến trải nghiệm sản phẩm và có thể thưởng thức tất cả những món ăn tinh túy nhất của thương hiệu này. Tuy nhiên, dù đây là niềm tự hào lớn nhất của chị Anh Thư, song xây dựng và điều hành một nhà hàng không phải là điều dễ dàng. Sau 5 năm mà Vua Cua mới chỉ có 5 cửa hàng, đủ biết mô hình này gặp nhiều khó khăn như thế nào. Chỉ năm ngoái, họ mới chuẩn hóa được quy trình sản phẩm – dịch vụ. 

Thương vụ thành công với việc CEO Đoàn Thu kêu được 3,5 tỷ tiền vốn đầu tư vào Vua Cua. Nguồn: Internet
Thương vụ thành công với việc CEO Đoàn Thu kêu được 3,5 tỷ tiền vốn đầu tư vào Vua Cua. Nguồn: Internet.

Vua Cua Express: vì mô hình nhà hàng rất khó nhân rộng, nhưng Vua Cua lại muốn phục vụ tất cả khách hàng yêu mến món cua, vậy là họ nghĩ ra mô hình Vua Cua Express. Đây sẽ là những kioks đặt gần nhà hàng và có hầu hết những món nhà hàng Vua Cua có, song chỉ phục vụ cho việc mang đi. Nếu xem Vua Cua Express phát triển theo mô hình bếp trung tâm – cloud kitchen cũng chẳng sai.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì Vua Cua Express vẫn không thích hợp để nhân rộng một cách tiện lợi và nhanh chóng, nhằm phục vụ khách hàng toàn quốc. Đầu tiên là vì nó có quá nhiều món, mặt bằng cố định và đầu tư nhiều tiền; vậy là Vua Cua nghĩ ra thêm mô hình Vua Cua Bike.

"Vua Cua Bike chỉ bán vài món cua ngon thích hợp để mang đi. Phí nhượng quyền sẽ không rẻ, nhưng với thương hiệu đã có sẵn, cộng với nguồn cua chất lượng và 13 loại nước sốt độc quyền, tôi tin rằng mức giá đó đáng", chị Anh Thư khẳng định.

Mặc dù Vua Cua không có vùng nguyên liệu riêng của bản thân, song mạng lưới thu mua của họ trải rộng khắp tỉnh Cà Mau và có team giàu kinh nghiệm trong mảng này. Do cua khó nuôi và lâu lớn, tại Cà Mau, nông dân hay nuôi xen canh cua vào ao tôm. Mỗi 6 tháng, nông dân Cà Mau sẽ thu hoạch khoảng vài kg cua và đến đầu nậu con để bán, sau đó đầu nậu con sẽ bán cho đầu nậu cái.

Mới đây, đến với chương trình Shark Tank 2021 với màn gọi vốn trị giá 3,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần, startup Vua Cua thể hiện rõ sức mạnh, đường lối cũng như khát vọng muốn đi nhanh hơn và đi xa hơn.

Với sức ảnh hưởng khủng khiếp của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng kinh doanh thực phẩm ăn uống (F&B) đã phải đóng cửa, cắt giảm nhân viên hoặc đóng dần một số chi nhánh và chịu vô số tổn thất. Chưa kể, thị trường kinh doanh ăn uống ở Việt Nam vốn đã rất khốc liệt với sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Để tổn tại, nhiều thương hiệu buộc phải thu nhỏ mô hình kinh doanh để tập trung vào chất lượng sản phẩm và giảm giá thành nhằm thu hút khách. Thế nhưng, với nhà hàng hải sản Vua Cua, dường như là đi ngược lại với xu hướng khi trở thành một trong những F&B có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường trong vòng 1-2 năm gần đây.

Có thể thấy, hướng đi mới với hình thức Vua Cua Bike không chỉ giúp nhà hàng Vua Cua giải quyết được bài toán nan giải trước mắt trong thời kỳ đại dịch mà còn giúp mở rộng thị trường ăn uống đến ngóc ngách hẹp hơn, tiếp cận được nhiều người hơn, đặc biệt là những thực khách bình dân.

Mô hình Vua Cua Bike có thể xem là lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, ra đời để phục vụ cho những ai thích mua cua về ăn tại nhà - một tệp khách hàng mới chưa được nhiều thuơng hiệu hải sản khai phá.

Không chỉ vậy, bước ra từ chương trình Thương vụ bạc tỷ, với sự giúp đỡ về cả cả tài chính lẫn kinh nghiệm, hệ sinh thái lớn mạnh từ Shark Liên trong các lĩnh vực xã hội, lãnh đạo Vua Cua không giấu được giấc mơ to lớn hơn của mình là mang cua Cà Mau đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời biến cua Cà Mau thành đặc sản mà bất cứ người ngoại quốc nào đến Việt Nam cũng phải thử một lần.

Lúc đó, Vua Cua sẽ là một nơi đầu tiên mà họ phải nghĩ đến khi muốn thưởng thức cua Cà Mau chính hiệu với mức giá phải năng.

Chuỗi nhà hàng bán cua Cà Mau giá bình dân đã và đang đi những bước đi chắc chắn và đúng đắn với mô hình Vua Cua Bike và sắp đến là những dự định xa hơn là đại diện Việt Nam mang cua ra thế giới, và nhằm khẳng định Việt Nam không hề thua kém các quốc gia khác về mặt hàng hải sản này.

Với lời khẳng định của vị founder trẻ rằng "Vua Cua luôn nói thật làm thật", ta có thể tin tưởng ở một tương lai rộng mở hơn với ẩm thực Việt Nam. Bởi như theo lời CEO Đoàn Thư từng nói rằng thành công sẽ đến khi bạn dành hết tình yêu, đam mê, thời gian và cuộc sống cho nó bất chấp mọi khó khăn.

Hương Ly (tổng hợp)