CEO Công ty cổ phần Phúc Sinh - Phan Minh Thông: "Tạm ứng niềm tin" để phát triển nhân sự

11:15 14/04/2022

Những chia sẻ tâm huyết của Phan Minh Thông - CEO của Công ty cổ phần Phúc Sinh - một DN đã liên tục đứng đầu thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Gian nan ngày đầu khởi nghiệp

18 năm trước, Phan Minh Thông chủ động nghỉ việc tại một công ty quốc doanh khi những ngày làm việc liên tục từ sáng sớm đến 10 giờ đêm không mang lại cho anh cơ hội thăng tiến. 

Phan Minh Thông mở công ty buôn nông sản nhờ hai tài sản đắt giá: 60 triệu đồng tiết kiệm và những mối làm ăn trước đó. Trụ sở đầu tiên là một căn phòng 25 mét vuông, không quá chật chội nhưng cũng chẳng thừa tiện nghi cho bốn người làm việc.

"26 tuổi, tôi không còn sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài làm ăn riêng. Tôi làm việc điên cuồng, 20 tiếng một ngày là bình thường nên chẳng có thời gian nghĩ đến áp lực, được mất hay kế hoạch ngắn dài thế nào. Tôi chưa bao giờ tắt điện thoại qua đêm, tin nhắn đến lúc một giờ sáng vẫn bật dậy trả lời. Mục tiêu duy nhất lúc ấy là phải cho công ty tồn tại", Phan Minh Thông bộc bạch.

Phan Minh Thông tận dụng lợi thế tiếng Anh để làm việc với nhiều khách hàng nước ngoài. Anh thương thuyết giảm giá bán để khách "cấp tín dụng" bằng việc ứng trước phân nửa, thậm chí toàn bộ tiền hàng. Anh trả phí cao hơn cho hãng tàu để lùi thêm vài tuần thanh toán hoá đơn.

Phan Minh Thông nhận một đơn hàng hơn 50.000 USD không lâu sau khi lập nghiệp. Anh xoay tiền chỗ này trả chỗ khác để gom hàng, nhưng vẫn thiếu. Giá tiêu nhích lên mỗi giờ, nếu không kịp mua và giao hàng thì chẳng mấy chốc lỗ nặng. Trong thế "nghìn cân treo sợi tóc", Phan Minh Thông tìm thông tin của đại diện ngân hàng nhà nước tại TP. HCM. Thuyết phục vay vốn qua điện thoại bất thành, anh xộc thẳng vào văn phòng vị này để trình bày tường tận.

"Tìm kiếm tín dụng không khác gì lao vào đá rồi nảy ra. Tôi may mắn 'không biết xấu hổ', đã muốn là nhất định làm bất chấp người ta từ chối hay nặng lời. Các khâu trong nghề xuất nhập khẩu móc nối nhau như một hơi thở, không tìm được hàng thì kết thúc", anh kể lại gian nan trong những năm đầu kinh doanh.

Biệt danh "vua hồ tiêu"

Thẳng thắn và gan lỳ, theo Phan Minh Thông, là những tố chất anh được thừa hưởng khi sinh ra và lớn lên trên đất Cảng. Hơn 20 năm lên thủ đô học rồi vào Sài Gòn lập nghiệp, Thông luôn nhắc đến quê hương và gia đình trong những cuộc hàn huyên với bạn bè. Phòng họp lớn nhất trong trụ sở hiện tại của Phúc Sinh cũng được anh đặt tên "Hai Phong".

"Người Hải Phòng phóng khoáng, trọng chữ tín, chí thú làm ăn nhưng về quê lại bí bách. Nếu vào miền Nam hay xuất ngoại thì chúng tôi như cá gặp nước, bởi người dân những nơi này ưa hiện đại và dễ chấp nhận cái mới", Phan Minh Thông nói.

Giao thương nhộn nhịp ở Hải Phòng sau thời kỳ đất nước mở cửa là ngôi trường dạy Phan Minh Thông những bài học vỡ lòng trong làm ăn. Phụ mẹ bán hàng từ năm 10 tuổi cũng tôi luyện cho anh sự nhạy cảm của người làm kinh doanh. Bây giờ sau vài câu chào xã giao với một người lạ qua điện thoại, anh có thể khẳng định họ đang thăm dò hay thực sự muốn mua hàng.

Đúng lúc sự nghiệp phất lên thì năm 2004, mỗi ngày Phan Minh Thông nhận và chật vật giải quyết hàng chục khiếu nại về chất lượng. Phúc Sinh khi đó chưa phải lựa chọn hàng đầu, nếu không có Thông thì vẫn còn hàng dài doanh nghiệp chờ họ hợp tác. Từ một người buôn, Thông đổ tiền lời kiếm được trong ba năm để xây nhà máy chế biến tiêu. Phan Minh Thông giao anh trai quản lý, còn mình tìm nguồn nguyên liệu đầu vào và mang hàng đến triển lãm quốc tế để kiếm thêm đầu ra.

Tình huống tương tự xảy ra với cà phê sau đó vài năm, khi khách liên tục phàn nàn về chất lượng hàng của Phúc Sinh. Phan Minh Thông rót vốn xây thêm một nhà máy mà không đắn đo nhiều như lần đầu tiên. Anh cũng đăng ký các chứng nhận an toàn thực phẩm để chiều theo ý khách hàng quốc tế khi thị trường trong nước chưa quan tâm. Nhiều người trong nghề khi đó gọi anh là kẻ điên, thích chơi trội. Anh đáp lại rằng khí chất "dân đất Cảng", độc lập và không sợ phán xét, thôi thúc anh làm điều đó.

Cuối năm 2010, phòng kế toán báo chốt sổ với doanh số 130 triệu USD. Quy mô hoạt động của một doanh nghiệp vừa thương mại, vừa sản xuất bành trướng nhanh vượt sức tưởng tượng của chàng trai mới lập nghiệp chín năm.

Vượt qua đối trọng lớn nhất là những công ty đa quốc gia đặt văn phòng tại Việt Nam, Phúc Sinh leo lên vị trí số một về xuất khẩu tiêu trong nhiều năm. Phan Minh Thông, từ một kẻ điên vô danh, nay được nhắc đến với biệt danh "Vua hồ tiêu". Thừa nhận công ty của mình đóng góp không nhỏ để nông sản Việt Nam, nhất là hạt tiêu, có chỗ đứng trên thị trường thế giới nhưng anh nói rằng sau rất nhiều năm thì vẫn còn nguyên cảm giác ngượng ngùng khi được gọi như thế.

Và câu chuyện quản trị

Trả lời câu hỏi về việc Phúc Sinh sẽ làm gì tiếp theo khi sản phẩm luôn bị bắt chước sau 1-2 năm ra mắt, Phan Minh Thông khẳng định mình luôn có những kế hoạch bất ngờ. Phan Minh Thông làm mọi thứ trước đây bằng bản năng sinh tồn. Sự chuẩn bị mới chỉ đến từ lúc anh cảm nhận mình lớn dần và hơi nóng phả vào gáy từ những doanh nghiệp phía sau.

"Ngành này biến động không ngừng, ngày mai là một phiên bản khác hoàn toàn so với hôm nay. Tôi phải dặn mình như thế để bản thân không ngủ quên với men say chiến thắng", anh chia sẻ.

Hạnh phúc vì thấy mình may mắn không nhận mình là một người thành công, mà là "Tôi nghĩ mình đã viết được câu chuyện đẹp. Việc một người bình thường như tôi vẫn có thể đi ra thế giới, buôn bán khắp nơi chắc chắn đã lan tỏa cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp khác. Trong nội bộ Phúc Sinh, nhiều người trẻ đã vươn lên, đi khắp năm châu bốn biển để kinh doanh. 20 năm qua chúng tôi đều có lời, kể cả những năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành dữ dội nhất. Giữa lúc khó khăn, chúng tôi vẫn nộp thuế và tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động, thu mua hàng hóa cho hàng nghìn hộ nông dân".

Một bài học trong kinh doanh của anh đó là chuyện tin người rồi bị chính người đó gây thiệt hại 40-50 tỷ. Họ làm giả sổ sách, báo lãi để chia thưởng và nộp thuế trong khi công ty thua lỗ.

"Bạn ấy làm với tôi 16 năm. Anh em đi với nhau từ lúc mới khởi nghiệp. Tôi cũng rất tin tưởng, quý mến họ. Những sự kiện trọng đại trong cuộc đời bạn ấy: lấy vợ, mua nhà, tậu xe… tôi đều có mặt. Họ đã từng làm rất tốt nhưng khi thế giới biến động, bạn ấy gặp khó khăn. Quan trọng bạn đã quen với thành công và quá khó để chấp nhận thất bại. Nhưng sau cùng, tôi vẫn chỉ trách mình chưa hiểu vấn đề" - anh cho biết.

"Và dù có những chuyện như vậy tôi vẫn rất tin người, bởi vì người khác cũng dễ tin tôi mà. Nếu không có lòng tin đó tôi đã không có hôm nay. Tôi nghĩ khi đứng ở vị trí quản lý, mình phải có trách nhiệm tạm ứng niềm tin để phát triển nhân sự"- Phạm Minh Thông khẳng định.

Hải Anh (t/h)