Câu chuyện kinh doanh của đại gia ở ẩn trên núi Lê Phước Vũ

11:13 08/03/2021

Ông Lê Phước Vũ được biết đến là một phật tử và đã chính thức đi tu, đem đời mình nương nhờ cửa Phật hồi tháng 7/2020 sau một thời gian dài ẩn mình. Tuy nhiên, đại gia này vẫn quyết định những công việc quan trọng tại Tập đoàn Hoa Sen...

Doanh nhân Lê Phước Vũ
Doanh nhân Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Từ hành trình khởi nghiệp gian nan...

Tên tuổi của tập đoàn Hoa Sen gắn liền với cuộc đời của vị doanh nhân gốc Bình Định Lê Phước Vũ. Ông học từng học Trung cấp Giao thông vận tải tại trường Trung cấp Giao thông Phú Tài, Bình Định. Sau khi tốt nghiệp, ông đã cùng gia đình khăn gói vào miền Nam để tìm kế mưu sinh với hy vọng đổi đời. Thưở mới lập nghiệp, ông Vũ lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề như lái xe con, làm tại đội xe khoán,... rồi đến những tháng ngày "quăng" mình tìm kiếm cơ hội tại mảnh đất Tây Ninh, Sài Gòn, Buôn Mê Thuột...

Năm 1983, ông về làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh. Công việc luôn phải xa nhà và chạy những tuyến đường nguy hiểm mà cuộc sống của gia đình ông vẫn không cải thiện, vì thế gia đình ông lại tiếp tục khăn gói lên Buôn Mê Thuột lập nghiệp với mong ước cuộc sống sẽ tốt hơn. Nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi sau 2 tháng thay đổi, vợ chồng ông lại dắt díu nhau quay trở lại Sài Gòn lần hai, thất bại không làm Lê Phước Vũ nản lòng.

Con đường kinh doanh đến với Lê Phước Vũ hoàn toàn tình cờ. Ban đầu, ông được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành hiện nay đang có vốn hóa 650 tỷ đồng, đang niêm yết tại HoSE với mã GDT). Trong thời gian này, ông tình cờ gặp gỡ Giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Quý mến sự thật thà, tư chất thông minh và đặc biệt ý chí vươn lên mạnh mẽ của chàng trai Việt vị Tổng Giám đốc nọ gợi ý cho Lê Phước Vũ thử tự kinh doanh.

Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng trong tay – số tiền gia đình ông tích lũy sau nhiều năm bôn ba, Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn tại ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM. Ông kể lại vẫn nhớ như in vào ngày 18/5/1994, vợ chồng ông nghẹn ngào, mừng tủi nắm trong tay số tiền lãi 650.000 đồng – số tiền lớn nhất vợ chồng có được tính đến thời điểm đó qua 10 năm vất vả, bôn ba.

Sau 3 năm kinh doanh, ông Vũ nhận thấy rằng cửa hàng hoạt động không còn hiệu quả, đánh liều ông vay mượn khắp nơi mở một xưởng cán tôn. Thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn vì phải chạy vạy lo tiền thanh toán trả góp máy móc thiết bị, lương nhân viên, áp lực cạnh tranh

Năm 1997, ông Vũ lại lần nữa phải cắn răng tính toán đầu tư máy cán tôn, trong bối cảnh tôn cắt sẵn không còn làm ăn được nữa. Thời điểm đó, máy móc công nghiệp thường phải nhập từ Đài Loan, và chiếc máy ông nhắm đến có giá đến 120.000 USD – con số quá lớn so với khả năng của ông. Bằng sự mày mò và quyết tâm, ông đã sử dụng một số phụ tùng ở Đài Loan, tham khảo tìm tòi các bản vẽ thiết kế, còn lại thuê gia công, cóp nhặt linh kiện trong nước, lắp ráp cải tiến hiệu chỉnh dần. Đến nay chiếc máy cán tôn tự chế này vẫn đang hoạt động tốt.

Nhiều lúc tưởng chừng như xưởng của ông ngấp nghé bên bờ vực phá sản nhưng chữ “nhẫn” mà ông học được từ triết lý phật giáo đã giúp ông bình tĩnh giải quyết mọi việc một cách hợp lý nhất, cũng từ đó công việc làm ăn của ông ngày càng thuận lợi hơn. Khi có một lượng khách hàng ổn định, ông Vũ quyết tâm mở rộng thêm nhiều xưởng tôn khác, vừa làm, vừa học để tích lũy kinh nghiệm về công nghệ sản xuất mới cũng như cách thức quản trị kinh doanh.

Vì vậy, sau một thời gian, ông chuyển lên xây dựng xưởng cán tôn, rồi chuyển lên sản xuất lớn đòi hỏi đầu tư hiện đại, cho ra sản phẩm tốt cao… Tiếp đến, Tôn Hoa Sen xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hiệu quả… để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký là những tập đoàn lớn của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Và ông đã gặt hái được rất nhiều thành công sau những cố gắng không ngừng nghỉ của mình.

Ai cũng có thể biện cho mình một lý do kinh doanh nhưng riêng ông có một quan điểm kinh doanh rất đáng trân trọng: “Khi kinh doanh tôi tuyệt đối không dùng kỹ xảo, thủ đoạn, bởi tôi tin khởi nghiệp xuất phát từ tinh thần đúng sẽ tạo nên phong cách chuẩn mực, tạo được niềm tin nơi người khác”, ông chia sẻ.

Đến quá trình phát triển và đưa Hoa Sen “vượt bão” thành công

Ngày 08/08/2001, với số vốn tích góp trong suốt 7 năm lăn lộn, ông thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm và các loại vật liệu xây dựng khác. …

Với phương châm làm ăn “mua tận gốc, bán tận ngọn” ông Vũ đã cất công xây dựng một hệ thống phân phối để bán trực tiếp tới người dùng, điều được thị trường ghi nhận như một “độc chiêu” đúng đắn giúp công ty non trẻ của ông đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với nhiều “tiền bối” trong lĩnh vực này. Doanh thu cuối năm đạt được 3,2 tỷ đồng, tuy chưa có lợi nhuận nhưng bước đầu tạo được thị phần cơ bản trên thương trường.

Tháng 12/2007, CTCP Hoa Sen đổi tên chính thức thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen như hiện nay và tiến hành sáp nhập 3 công ty gồm: CTCP Tôn Hoa Sen, CTCP Vật liệu Hoa Sen, CTCP Cơ khí và Xây dựng Hoa Sen.

Ngày 05/12/2008, cổ phiếu tập đoàn Hoa Sen được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp HCM với mã chứng khoán HSG.

Ông Vũ nổi tiếng trên thương trường nhờ những quyết định táo bạo, vào năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Hoa Sen đứng trước nguy cơ bị phá sản khi giá thép bất ngờ giảm xuống 2/3 (chỉ trong 6 tháng), giá thép cán nóng sụt khủng khiếp từ gần 1.100 USD/tấn xuống dưới 500 USD/tấn mà chi phí đầu tư sản xuất lại rất lớn. Ông Vũ như ngồi trên đống lửa vì mỗi ngày qua đi thì giá càng giảm sâu. Lúc đó, ông đã ra một quyết định táo bạo là bán tháo tất cả hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua tới đó.

Nhờ quyết định nhanh chóng và kịp thời đó năm 2008 công ty đã vượt qua khủng hoảng, thậm chí có lãi trên 1.000 tỷ đồng, chính chiến lược này đã giúp Hoa Sen không gục ngã như nhiều “ông lớn” khác trong ngành tôn thép.

Theo ông Vũ yếu tố quan trọng giúp công ty ông vượt qua mọi khó khăn là phải có một tầm nhìn tốt, chiến lược đúng, phát triển bền vững và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Trong hoạt động kinh doanh Hoa Sen luôn chú trọng xây dựng hệ thống phân phối riêng, từ 3 chi nhánh vào năm 2001, hiện tại năm 2021 Tập đoàn Hoa Sen đã xuất khẩu đến hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 55 chi nhánh và 471 cửa hàng bán lẻ trực thuộc trải dài khắp cả nước. Đây được xem là hệ thống bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng có quy mô và hiệu quả nhất hiện nay trong ngành Tôn – Thép Việt Nam.

Chính nhờ đó, sau cơn suy thoái, khi nhiều doanh nghiệp còn gượng gạo đứng dậy thì ông đã đủ điều kiện đầu tư dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ với công suất lớn gấp 3 lần tổng công suất hiện có của Hoa Sen vào thời điểm đó là dây chuyền sản xuất tôn dày công nghệ NOF với công suất 450.000 tấn/năm và dây chuyền phủ màu công suất 180.000 tấn/năm.

Dự án được xây dựng nhanh kỷ lục chỉ trong 10 tháng, từ tháng 5/2009 đến tháng 3/2010, đã hoàn thành dây chuyền đầu tiên để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, tạo doanh thu, góp phần giúp Tập đoàn vượt qua khủng hoảng và đón đầu khi nền kinh tế phục hồi.

Cũng ngay trong giai đoạn khó khăn đó, thị trường vật liệu xây dựng trong nước bị ảnh hưởng bởi sự đóng băng của thị trường bất động sản, ông Vũ đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ra nhiều quốc gia. Bước đi đó đã giúp Hoa Sen đã duy trì tốt tốc độ tăng trưởng doanh thu, và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu tôn – thép hàng đầu Đông Nam Á với doanh thu xấp xỉ 300 triệu USD trong năm 2014.

Với sự nhạy bén và tinh thần dám nghĩ dám làm, các quyết định đầu tư và kinh doanh của ông Vũ đều đem lại hiệu quả cao. Chính điều này đã giúp Tập đoàn Hoa Sen thu hút được các nhà đầu tư tài chính quốc tế như Red River Holding, Deutsch Bank, STIC Investments, Dragon Capital, KITMC…

Để có được như ngày hôm nay thì con đường kinh doanh của ông gặp không ít khó khăn, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh tế như ông. Ông phải tự mình học hỏi nhiều, học từ công việc, học trong thực tiễn kinh doanh, học từ thất bại, học phán đoán, dự liệu mọi tình huống và có phương án để đối phó những trường hợp xấu nhất.

Ông sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền thuê các chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn cho mình và mọi người các công nghệ tiên tiến của nước ngoài, để áp dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất của nhà máy (thời điểm đó việc làm này là một hoạt động xa sỉ).

Khi được hỏi có mạo hiểm quá hay không khi đưa thương hiệu tôn Hoa Sen ra thị trường thế giới thì ông cho rằng “mạnh dùng lực, yếu dùng thế”. Ông thường ví von rằng các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung những cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách né tránh họ thì họ sẽ không đánh tới ta được. Nhờ biết cái thế của mình nên Hoa Sen luôn giữ vững và mở rộng thị phần và doanh nghiệp vẫn tăng trưởng cho dù kinh tế khó khăn.

Kết thúc năm 2020, sản lượng tiêu thụ tập đoàn đạt 1.622.682 tấn với doanh thu thuần đạt 27.531 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.153 tỷ đồng. Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trên thị trường tôn mạ Việt Nam, chiếm 34% thị phần trong nước.

Chủ tịch Lê Phước Vũ là một Phật tử
Chủ tịch Lê Phước Vũ là một Phật tử.

Cơ duyên với Đạo Phật và sẽ xuất gia sau năm 2026, tu ở Bảo Lộc

Cha mẹ ông Vũ quê ở Điện Bàn, Quảng Nam nhưng ông sinh ra ở Bình Định. Ông kể rằng thuở nhỏ hay lên chùa nhưng khi đó ông chưa có đức tin. Tuy nhiên, nhiều biến cố sau này đã làm ông bước vào con đường Phật pháp.

Ông Vũ cho hay: “Nếu đang làm Cà Ná thì phải đứng công trường từ sáng đến tối ròng rã 1 tháng 30 ngày. Vì không làm Cà Ná nên giờ tôi ở trên núi, 3 giờ sáng dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và vui lắm, tâm an thì trí sáng, quý vị nào thích lên tắm suối, suối của tôi tuyệt vời”.

Lên núi rồi, người đứng đầu Hoa Sen chia sẻ ngộ nhận một điều rằng: “Mình sống thanh tịnh, cái trí mình sáng, cái lòng mình vui”.

Ông Vũ cho biết thêm, mặc dù ở xa nhưng bản thân vẫn nắm hết công việc, bởi không thể Chủ tịch hai mươi mấy năm nay đi đòi nợ, đi bán hàng, đi kiểm kê kho, đi xuống công trường,.. đến lúc cũng phải được nghỉ ngơi. Ngày xưa tay chân yếu giờ tay chân khỏe rồi, ông Vũ cho biết chỉ còn dùng cái đầu thôi, như vậy mới là Chủ tịch!..

Vào ngày 21/01/2021, Trả lời câu hỏi của cổ đông về những đồn đoán xung quanh việc ông sẽ xuất gia và không còn điều hành doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen cho biết thông tin này là đúng. Ông sẽ chính thức chia tay Hoa Sen vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn.

“Những việc tôi làm hôm nay, như chuyển hướng doanh nghiệp sang vật liệu xây dựng, là một trong những chuẩn bị, bởi dù tôi xuất gia nhưng Hoa Sen vẫn có đủ điều kiện trở thành tập đoàn lớn mạnh” – ông Vũ trấn an nhà đầu tư, đồng thời khẳng định: “Tôi sẽ ra đi trong trách nhiệm chứ không phải ra đi với một mớ tiền. Dù ở trên núi nhưng tôi vẫn chỉ đạo hoạt động”.

Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen cũng cho hay sẽ bán hết cổ phiếu trước khi rút khỏi doanh nghiệp và nếu làm đúng những mục tiêu đề ra, doanh thu của Hoa Sen có thể đạt 5 tỉ USD trong vòng 5 năm tới, nếu điều hành tốt.

“Chắc chắn sau đó tôi sẽ xuất gia. Đây là ước mong từ năm 30 tuổi. Tôi và ban tổng giám đốc sẽ chọn người kế nhiệm” – ông Vũ chia sẻ với cổ đông, đồng thời cho biết ông đã mua đất từ năm 1996 và xây chùa ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng để chuẩn bị cho kế hoạch này.

TH