Câu chuyện khởi nghiệp từ đàn thú nhồi bông tinh xảo của những “chiến binh” Kym Việt

15:46 16/06/2021

Kym Việt do ba người khuyết tật là Phạm Việt Hoài, Lê Việt Cường và Nguyễn Đức Minh lập nên vào cuối tháng 12/2013. Một cách kiêu hãnh và tự hào, ngay từ đầu ba người đã xác định lập ra một “công ty bình thường”, làm sao đưa ra thị trường sản phẩm tốt được khách hàng yêu thích, chứ không “lấy cái khuyết tật của mình để xin người mua”.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Phạm Việt Hoài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kym Việt chia sẻ: Cuối năm 2013, tôi cùng 2 người bạn khuyết tật vận động Nguyễn Đức Minh và Lê Việt Cường cùng góp vốn sáng lập công ty sản xuất các con thú nhồi bông chất lượng cao. Với mục tiêu là tạo việc làm cho những người khuyết tật còn khả năng lao động, góp phần cải thiện sinh kế mà nâng cao đời sống cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng; Tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội; Đưa những câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt vào trong từng sản phẩm, góp phần truyền bá những giá trị truyền thống Việt đến cộng đồng trong nước và quốc tế. 

Ông Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt. Nguồn ảnh: Internet
Ông Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt. Nguồn ảnh: Internet.

Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp khác, trong những ngày đầu Kym Việt cũng gặp không ít khó khăn với bài toán khó mang tên giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường. Giai đoạn hai năm đầu khởi nghiệp đầy khó khăn. Sản phẩm làm ra nhiều khi không bán được, doanh số cả năm 2015 chỉ hơn 200 triệu đồng. Những nhà sáng lập thay phiên nhau mang hàng đi hội chợ bán.

Với một công ty như vậy, việc tồn tại không dễ. Nhưng rồi, Hội đồng Anh đã đồng hành với Kym Việt gần như ngay từ ngày đầu thành lập thông qua các khóa đào tạo và hội thảo về năng lực quản lý dành cho doanh nghiệp xã hội do Hội đồng Anh tổ chức, bên cạnh đó là sự ủng hộ về tinh thần của các chuyên gia cũng như các cán bộ chương trình ở Hội đồng Anh. 

Khi Hội đồng Anh xuống xưởng thăm Kym Việt năm 2014, lúc đó trụ sở kiêm xưởng sản xuất là hai phòng trọ sinh viên hơn 10 mét vuông, với hai công nhân, hai máy khâu, một máy vắt sổ, một bàn là “không chuyên” mang đi từ nhà. Công ty vận hành khá tùy tiện, không có quy trình chuyên nghiệp. 

Sau nhiều trăn trở, Ban Giám đốc Kym Việt đã đề ra hướng đi mới cho các sản phẩm của mình, thông qua việc mở rộng kênh phân phối và tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội. Bằng sức mạnh của Công nghệ 4.0 và chất lượng thực sự trong từng sản phẩm, công ty dần dần có được lượng khách ổn định và ngày càng có nhiều người biết đến. 

“Đàn thú nhồi bông” đầy màu sắc, được chăm chút từng đường kim, mũi chỉ dưới bàn tay tài hoa những người khuyết tật. Nguồn ảnh: Internet
“Đàn thú nhồi bông” đầy màu sắc, được chăm chút từng đường kim, mũi chỉ dưới bàn tay tài hoa những người khuyết tật. Nguồn ảnh: Internet.

Ông Phạm Việt Hoài chia sẻ: “Nhiều khách hàng biết đến Kym Việt qua fanpage. Hiện Facebook cũng là kênh chiếm tỷ trọng cao nhất trong các kênh bán hàng của chúng tôi dù ban đầu chúng tôi xây dựng fanpage không chỉ với mục đích bán hàng. Đó là nơi để Kym Việt có thể đem đến cho cộng đồng những câu chuyện về văn hóa, về hành trình cuộc sống của những người khuyết tật đã tạo ra và thổi hồn vào từng sản phẩm,mang lại giá trị cho xã hội”.

Ông Hoài cũng cho biết nhiều người vốn từ nghi ngại, không biết người khuyết tật câm, điếc, thậm chí thiểu năng trí tuệ thì sẽ làm việc như thế nào, nhưng giờ đây, anh có thể cho mọi người thấy cách tạo nên một sản phẩm của Kym Việt, từng công đoạn cắt-khâu kỹ lưỡng đã được thực hiện tỉ mỉ ra sao và người thợ nào đã làm ra sản phẩm ấy.  

Câu chuyện của ông Hoài và những “chiến binh” Kym Việt đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khuyết tật khác trên khắp Việt Nam, giúp họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống. 

Với sự chủ động, tích cực và hướng tiếp cận đầy mới mẻ, Kym Việt đã trở thành doanh nghiệp xã hội tiêu biểu, nhận bằng khen của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cũng như giải thưởng về thiết kế sản phẩm của thành phố Hà Nội. 

Anh Hoài cùng Kym Việt cũng vinh dự đại diện cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, tham gia chương trình “Sức sống Việt Nam” do Facebook và Bộ KH&ĐT phối hợp tổ chức. “Khuyết tật chỉ là sự bất tiện, không phải là sự bất hạnh, hãy biến khiếm khuyết trên cơ thể trở thành động lực vươn lên!”, anh Hoài khẳng định.

Theo ông Hoài, dù là doanh nghiệp đặc thù, tạo việc làm cho người khuyết tật, nhưng Công ty cổ phần Kym Việt vẫn hoạt động và vận hành như một doanh nghiệp bình thường. Bởi định hướng kinh doanh của công ty là phải sống bằng nền tảng sản phẩm, đạt yêu cầu mẫu mã, màu sắc và chất lượng để thị trường chấp nhận chứ không phải dựa vào sự thương cảm.Từ những ngày đầu thành lập chỉ có 3 nhân viên, đến nay Kym Việt đã tiếp nhận và tạo việc làm cho 18 người khuyết tật, với mức lương trung bình hơn 4 triệu đồng/người. Với những người ở xa, công ty cũng tạo điều kiện về nhà ở, hỗ trợ ăn trưa và được hưởng đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm, khen thưởng, xăng xe, đi lại... như những lao động bình thường.

TH