Cảng Du thuyền Mỹ Tho nhằm phát triển du lịch địa phương và mở rộng sang các nước lân cận

09:41 09/03/2021

Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, Cảng Du thuyền Mỹ Tho (Tiền Giang) là cảng thủy nội địa hành khách và được tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài có sức chở lớn nhất đến 120 hành khách.

Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, Cảng Du thuyền Mỹ Tho, được xây dựng tại từ Km 67+953 đến Km 68+268 trên bờ trái sông Tiền, thuộc địa phận Phường 4, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là cảng thủy nội địa hành khách và được tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài có sức chở lớn nhất đến 120 hành khách.

Cảng Du thuyền Mỹ Tho gồm các công trình như cầu cảng chính, cầu tàu cánh ngầm, nhà ga... Chủ cảng là Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho (Đại diện Liên danh Công ty Cổ phần Cảng Mỹ Tho và Công ty TNHH Ngọc An Nguyên).

Cảng mới đi vào hoạt động vào đầu năm 2021, với mục tiêu là xây dựng cảng cho tàu khách, tàu du lịch, du thuyền neo đậu cùng các dịch vụ vui chơi giải trí trên sông Tiền cho du khách.

Một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tàu biển (bao gồm dịch vụ du lịch đường sông), cho biết trước đây vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng đường sông cho phép tàu nước ngoài cập cảng nên các tàu đường sông xuyên biên giới thường neo đậu ở giữa sông rồi cho khách sang các phương tiện như ghe, xuồng nhỏ để lên bờ tham quan.

Việc này vừa gây bất tiện cho khách vừa khiến địa phương mất đi nguồn thu từ dịch vụ dành cho tàu. Hồi trước dịch Covid-19, tuyến du lịch đường sông từ Campuchia đến Đồng bằng sông Cửu Long được nhiều du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Mỹ, châu Âu ưa thích.

Lượng khách trên tàu đường sông là khách có chi trả cao, đi du lịch dài ngày, thích tìm hiểu và tiếp cận gần nhất với văn hóa và người dân địa phương.

Liên danh Cảng Mỹ Tho - Ngọc An Nguyên do bà Lương Thị Diễm Trang là giám đốc. Bà Trang được biết đến là doanh nhân có tiếng tại Tiền Giang trong lĩnh vực cảng sông và vận tải thuỷ.

CTCP Cảng Mỹ Tho được thành lập đầu năm 2008, là đơn vị vận hành cảng khách và hàng hóa cùng tên ở TP. Mỹ Tho. Năm 2018, sản lượng hàng hóa qua cảng khoảng 70.000 tấn và hơn 22.000 lượt khách quốc tế cập cảng. Người đại diện theo pháp luật và là Tổng giám đốc Cảng Mỹ Tho là nữ doanh nhân Lương Thị Diễm Trang (sinh năm 1963).

Đối tác của Cảng Mỹ Tho trong dự án bến du thuyền 665 tỷ đồng vừa được phê duyệt là Công ty TNHH Ngọc An Nguyên được thành lập ngày 29/11/2018. Doanh nghiệp 8 tháng tuổi có vốn điều lệ 105 tỷ đồng, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực Bốc xếp hàng hóa và cũng thuộc 100% sở hữu của bà Lương Thị Diễm Trang.

Bà Diễm Trang là doanh nhân có tiếng ở quê nhà Tiền Giang. Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, nữ đại gia năm nay 56 tuổi còn đứng tên tại Công ty TNHH Đức Dũng - một doanh nghiệp thành lập năm 1997 hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường thủy nội địa.

Được biết, dự án Cảng du thuyền có tổng mức đầu tư 665 tỷ đồng, được thực hiện trên địa bàn Phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Quy mô dự án gồm phần đất kết hợp khu công viên bờ sông, sử dụng mặt nước diện tích xây dựng trên mặt nước 8.210 m2, chiều dài tuyến sống 325m. Công suất 4.000 khách/ ngày, 4 tàu khách chuyên tuyến Mỹ Tho - Campuchia/ ngày, 10 tàu cao tốc nhận khách khác cùng thời điểm và ghe nhỏ.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 48 năm; trong đó thời gian xây dựng và hoàn thành công trình là 36 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Mục tiêu, công năng của dự án là xây dựng cảng neo đậu phương tiện, tàu khách, tàu du lịch, du thuyền, nhà hàng nổi, lên xuống khách tham quan, vui chơi giải trí trên sông Tiền.

Trước đó, Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tiền Giang được tổ chức vào ngày 9/8/2018, bà Lương Thị Diễm Trang, Giám đốc Công ty CP Cảng Mỹ Tho đã bày tỏ mong muốn thực hiện Dự án Cảng Du thuyền tại Mỹ Tho với mục tiêu đầu tư bến tàu hiện đại, đẳng cấp nhằm góp phần phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang.          

"Cảng Mỹ Tho là cảng tiếp nhận tàu khách từ Việt Nam đi Campuchia trong khu vực các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long. Đến thời điểm này, cảng gần như quá tải trong việc tiếp nhận các tàu khách. Do đó, công ty mong muốn được đầu tư Dự án Cảng du thuyền đúng nghĩa để tiếp cận các tàu khách, du thuyền, tàu cao tốc vận chuyển khách đi từ TP. Mỹ Tho đến các điểm trong và ngoài nước. 

Hiện tại, dừng chân tại Cảng Mỹ Tho, du khách muốn đi cù lao Thới Sơn rất xa, thêm vào đó là thời gian của du khách không cho phép. Chính vì vậy, nếu được đầu tư Cảng du thuyền tại TP. Mỹ Tho, việc di chuyển của du khách sẽ rất nhanh và thuận tiện. Ngoài việc tạo mỹ quan cho TP. Mỹ Tho, việc đầu tư bến du thuyền còn tạo nên sự kết nối giúp du lịch tỉnh nhà phát triển", Bà Lương Thị Diễm Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho từng cho biết.

Cũng theo bà Trang, liên danh công ty mong muốn thực hiện Dự án Cảng Du thuyền tại Mỹ Tho, đây là dự án được kỳ vọng sẽ mang đến những điều khác biệt cho du lịch của TP. Mỹ Tho nói riêng và của Tiền Giang nói chung. Dự án vừa tạo thêm mỹ quan đô thị trung tâm, vừa tạo sân chơi cho các hãng tàu, các công ty du lịch.

"Trên thực tế, khách du lịch đến Tiền Giang tham quan với số lượng ngày càng lớn nhưng tỉnh chưa có được bến tàu nào đẳng cấp. Do đó, liên danh công ty mong muốn đầu tư bến tàu hiện đại nhằm góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà và mở rộng sang các nước lân cận"- bà Lương Thị Diễm Trang cho biết.

An Nguyên