Sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm do thiếu hụt nguồn cung

15:41 05/06/2024

Nhóm cà phê là điểm sáng của thị trường khi là mặt hàng hiếm hoi duy trì đà tăng ổn định. Chốt ngày, giá Arabica tăng 3,2%, cà phê Robusta tăng 1,4%, chạm mức cao nhất trong vòng 4 tuần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/6/2024, giá cà phê Arabica đã tăng 3,2%, còn giá cà phê Robusta tăng 1,4%, đạt mức cao nhất trong vòng 4 tuần. Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), một trong những nguyên nhân chính hỗ trợ cho sự tăng giá của cà phê Robusta là lo ngại về hoạt động sản xuất cà phê năm 2024 - 2025 tại các quốc gia cung cấp chính như Brazil và Việt Nam.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica cũng nhận được lực đẩy từ đà tăng của cà phê Robusta. Tuy nhiên, thị trường hiện đang lo ngại về việc người trồng cà phê ở Việt Nam có thể tiếp tục giữ cà phê và làm giảm lượng hàng xuất đi trong tháng 5. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ đạt 95.000 tấn, giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ xuất đi 833.000 tấn cà phê, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Brazil, quá trình thu hoạch cà phê diễn ra chậm và kích thước quả không đồng đều, với số lượng quả nhỏ nhiều, gây ra lo ngại về sự suy giảm sản lượng. Điều này khiến thị trường giảm kỳ vọng về nguồn cung mới từ Brazil để bù đắp thiếu hụt cung từ Việt Nam.

Theo hãng tư vấn Safras & Mercado ước tính, đến ngày 28/5, Brazil mới chỉ thu hoạch được 30% diện tích cà phê Robusta, thấp hơn so với 31% vào cùng kỳ năm trước và 33% trung bình trong 5 năm gần đây. Trên thị trường cà phê trong nước, vào ngày 4/6, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đã tăng mạnh khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, làm tăng giá thu mua cà phê trong nước lên khoảng 122.000 - 123.500 đồng/kg. Điều này đưa giá cà phê nội địa gần đạt mức cao kỷ lục được ghi nhận vào đầu quý II năm nay. Nếu không có sự thay đổi tích cực về nguồn cung từ Việt Nam và Brazil, giá cà phê trong nước có thể thiết lập mức giá mới cao nhất.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê mới thu hoạch của Brazil dự kiến đạt 69,90 triệu bao. Dự báo này cao hơn một chút so với dự báo của nhiều tổ chức khác, và liên quan đến việc tăng 7,35% sản lượng cà phê Arabica chế biến phơi khô tự nhiên trong vụ mùa 2024/2025. Sản lượng Arabica dự kiến là 48,20 triệu bao, tăng 1,40%, trong khi sản lượng cà phê Robusta Conilon đạt 21,70 triệu bao.

USDA cũng dự báo rằng, Brazil sẽ xuất khẩu cà phê nhiều hơn 2,40% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, đã có những vấn đề về hậu cần trong 6 tháng qua, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn tại các cảng xuất khẩu quan trọng như Santos và Vitoria đến thị trường tiêu dùng.

Theo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù lượng xuất khẩu giảm 3,9%.

Giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính từ tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,2 triệu tấn cà phê các loại, cho thấy lượng tồn kho còn ít và giá tiếp tục duy trì ở mức cao. Dự báo sản lượng cà phê niên vụ sắp tới sẽ giảm khoảng 20% do thời tiết nắng nóng kéo dài gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm từ Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, là một yếu tố làm tăng giá cà phê trong dài hạn và khá ổn định.

Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, dự kiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2023/2024 sẽ giảm 20% so với cùng kỳ, xuống còn 1,336 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo dự báo của Cơ quan dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vào ngày 31/5, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ mới 2024/2025 dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống 27,9 triệu bao từ mức 28 triệu bao, tương đương khoảng 1,68 triệu tấn, cao hơn so với dự báo của Việt Nam.

P.V (t/h)