Cách mạng công nghiệp 4.0: Cuộc đua giữa nền ASXH và những thay đổi của thị trường lao động

00:00 12/10/2020

Với những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được xem là cơ hội cho việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Tuy nhiên, nếu không bắt kịp tốc độ phát triển, nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực, đặc biệt là với thị trường lao động, ảnh hưởng tới mục tiêu đảm bảo ASXH…

Dịch chuyển lao động không còn là sự dịch chuyển cơ học. Nhiều công việc trước đây vốn được coi là bền vững sẽ trở nên bất ổn định và nhiều nghề mới sẽ xuất hiện, tạo thêm nhiều thách thức với an sinh xã hội các nước ASEAN.

Mặt khác, xu thế thay thế con người bằng robot trong hoạt động kinh tế đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, khiến cho rất nhiều nghề biến mất trong thời gian qua. Tại Việt Nam, các nghề được dự báo sẽ dần biến mất trong thời gian tới có thể là nhân viên thu ngân, hay những vị trí lao động giản đơn tại các dây chuyền sản xuất. Bên cạnh những lao động giản đơn, ít kỹ năng là nhóm lao động chịu tác động nhiều nhất thì ngay cả nhóm lao động có kỹ năng, nhưng gắn với công nghệ cũ, lạc hậu hoặc đã có tuổi cũng chịu tác động mạnh. Điều này đang đặt ra một bài toán lớn cho ngành an sinh xã hội của các nước ASEAN nói chung, trong đó có Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA35), Hội thảo “Cơ hội và thách thức của các hệ thống an sinh xã hội (ASXH) khu vực ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0 và tự do dịch chuyển lao động” đã được diễn ra ngay sau lễ khai mạc (sáng 18/9).

Với 8 bài thuyết trình qua 2 phiên thảo luận chuyên đề của các chuyên gia, diễn giả có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực an sinh xã hội đến từ ISSA, ILO, New Zealand, Hàn quốc, Malaysia,…  đã tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0 và tự do dịch chuyển lao động; về xu thế phát triển của an sinh xã hội thế giới, tác động của CMCN 4.0 và tự do dịch chuyển lao động đến tái cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm của mỗi quốc gia; những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, đưa ra các ý kiến, các giải pháp giúp Chính phủ các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách, đảm bảo cho người lao động, nhất là lao động di dân và các thành viên gia đình họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi, chế độ, để dễ dàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, lao động và việc làm dưới tác động của CMCN 4.0.

Ông Jens Schremmer- Trưởng Văn phòng Tổng Thư ký Hiệp hội ASXH Quốc tế (ISSA):

CMCN 4.0 có quy mô và tốc độ phát triển rất nhanh sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy ASXH, mở rộng diện bao phủ BHXH, tác động mạnh mẽ lên thị trường lao động, đặt ra những thách thức lớn cho các quốc gia, phát sinh nhiều công việc, liên quan đến lao động truyền thống, tạo khoảng trống về bao phủ ASXH cũng như việc bảo mật dữ liệu, an ninh mạng… Đây không còn là vấn đề mang tính tương lai nữa, mà nó đang hiện hữu ở trước mắt.

Vì vậy, cần tăng cường hợp tác đào tạo và học hỏi lẫn nhau trong Hiệp hội ASXH ASEAN bằng việc thông qua chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên với các tổ chức ASXH trong khu vực và thế giới. Nhanh chóng tiếp cận và sử dụng công nghệ để thực hiện ASXH tốt hơn, đáp ứng kỳ vọng công chúng, nhất là mở rộng diện bao phủ, giảm gian lận và nâng cao tính hiệu quả của hệ thống ASXH.

Ông Robert Palacios- Chuyên gia trưởng toàn cầu về hưu trí và BHXH Ngân hàng Thế giới (WB):

Đây là một cuộc đua giữa nền ASXH và những thay đổi của thị trường lao động. Hiện nay, BHXH truyền thống dựa trên khoản khấu trừ thuế hay từ lương của NLĐ sẽ không bắt kịp với tốc độ già hóa dân số. Bài toán đặt ra là, các quốc gia phải nhanh chóng tăng tỉ lệ bao phủ BHXH bằng cách thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn. Cụ thể, phải ứng dụng các công nghệ mới (chứng minh nhân dân kỹ thuật số có sinh trắc học; chi trả, đóng nộp qua kỹ thuật số, các phần mềm…). Quan trọng hơn, mỗi quốc gia cần xây dựng để tất cả người dân phải có một mã số ID trong hệ thống ASXH. Việc này sẽ rất thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận, phát triển đối tượng. Cơ sở dữ liệu về ASXH cần được kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Với đối tượng là NLĐ có thu nhập thấp, cần có những chính sách trợ cấp để tăng diện bao phủ…

GS Neil Quigley - Chủ tịch Ngân hàng dự trữ New Zealand, Hiệu trưởng Đại học Waikato (New Zealand):

Thách thức của giáo dục là đảm bảo cho tất cả mọi đối tượng đều được tiếp cận hệ thống giáo dục trong tương lai, họ phải được trang bị kỹ năng, kiến thức để tránh trở thành gánh nặng trong hệ thống ASXH. Xã hội cần tìm ra cách giúp đỡ để tất cả mọi người tiếp cận được con đường học tập một cách thuận lợi nhất.

Chúng ta phải cố gắng thay đổi, đổi mới trong quá trình xây dựng, tiếp cận, giảng dạy chương trình giáo dục. Thay vì dạy và học theo phương pháp truyền thống, hoặc những môn học ít tạo ra động lực cho các sinh viên, thì nên thay đổi tập trung vào các môn khoa học, ngoại ngữ, đời sống… để tạo nên hứng thú học tập cho sinh viên.

TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Việt Nam cần nhanh chóng nhận diện được các thách thức và cơ hội của cuộc CMCN 4.0, trong đó có lĩnh vực ASXH. Hiện nay, công nghệ số đang phát triển với tốc độ như bão lốc, mọi lĩnh vực hầu hết đều liên quan và bị tác động to lớn, đòi hỏi năng lực mới, nhu cầu mới, phương thức mới, gắn với năng lực sáng tạo vô tận của trí não, mở ra không gian phát triển vô tận với các công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo, người máy internet kết nối vạn vật… Nó làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau.

Theo dự báo, trong 2 thập niên tới, 56% lao động tại 5 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ đối mặt nguy cơ mất việc làm; 86% lao động dệt may và giày da ở Việt Nam có nguy cơ mất việc vì công nghệ robot thay thế… Do đó, việc nhanh chóng tận dụng cơ hội, vượt lên những thách thức đòi hỏi sự nhạy bén, bản lĩnh. Nếu đi đúng hướng và bắt đúng nhịp, đây sẽ tạo cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:

Những thông tin và ý kiến thảo luận của các diễn giả tại Hội thảo sẽ là cơ sở để chính phủ các nước, cũng như các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống ASXH của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách đảm bảo cho người lao động, nhất là lao động di dân được hưởng đầy đủ các quyền lợi và chế độ để dễ dàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, lao động và việc làm dưới tác động của CMCN 4.0; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các tổ chức ASXH khu vực ASEAN; đảm bảo lợi ích thiết thực của người dân về ASXH theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025 hướng tới “Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”.

H. Thảo