Cách các "gã khổng lồ" dược phẩm lên kế hoạch đối phó với Omicron

09:59 08/12/2021

Sự xuất hiện của biến thể Omicron làm dấy lên lo ngại chủng vi rút mới sẽ kháng thuốc, làm giảm hiệu quả vắc xin, thậm chí nổ ra một cuộc chạy đua mới nhằm phát triển các mũi tiêm tăng cường. Đây là cách mà các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 phổ biến trên thế giới lên kế hoạch "chiến đấu" với biến thể Omicron.

Các công ty dược phẩm tiếp tục hành trình tìm kiếm lời giải cho vắc xin chống lại Omicron
Các công ty dược phẩm tiếp tục hành trình tìm kiếm lời giải cho vắc xin chống lại Omicron. (Ảnh: internet) 

Dữ liệu ban đầu ghi nhận một biến thể đáng lo ngại xuất hiện tại Nam Phi vào cuối tháng 11. Hiện, Omicron - tên gọi chủng vi rút mới đã lây lan nhanh chóng trên khắp khu vực châu Phi và gia tăng ca nhiễm mới trên thế giới. Tuy nhiên, giới khoa học chưa có thông tin chính xác về tác động của biến thể đối với sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả vắc xin. Trong thời gian chờ đợi, các chính phủ đã nhanh chóng tạm dừng các tuyến đường bay đi và đến miền Nam châu Phi bất chấp giới chức nước này tỏ ra bất bình vì lo ngại bị trừng phạt. Omicron đã len lỏi tới 19 bang của nước Mỹ và ngày càng nhiều quốc gia trên toàn cầu. 

"Gã khổng lồ" dược phẩm Johnson & Johnson cho biết, hãng đã bắt đầu nghiên cứu vắc xin Omicron và tiến hành thử nghiệm huyết thanh nhằm kiểm tra khả năng vô hiệu hóa biến thể. Người đứng đầu bộ phận vắc xin chia sẻ, công ty tự tin vào các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và kết quả tích cực trong nghiên cứu lâm sàng. 

Giám đốc điều hành của Moderna, Stéphane Bancel chia sẻ trong một cuộc trao đổi với CNBC rằng, có thể mất hàng tháng để xuất xưởng một loại vắc xin đặc hiệu đối với Omicron. Chủ tịch công ty, Stephen Hoge chỉ ra công ty đang nghiên cứu vắc xin tăng cường và đưa ra ý tưởng sử dụng liều cao hơn vắc xin hiện có tùy thuộc mức độ kháng thể suy giảm theo thời gian. 

BioNTech tỏ ra lạc quan về vắc xin Pfizer hiện có vẫn có khả năng cung cấp độ bảo vệ cao, ngăn chặn tình trạng bệnh nặng. Giám đốc Công ty Ugur Sahin nhận định các mũi tiêm nhắc lại sẽ tăng cường miễn dịch và giúp ngăn ngừa lây nhiễm Omicron diện rộng. Thế nhưng ông cũng thừa nhận quá trình nghiên cứu vẫn vẫn cần sửa đổi và công ty có thể xuất xưởng vắc xin trong vòng 100 ngày. 

Phía AstraZeneca cũng tiến hành nghiên cứu xem Omicron có ảnh hưởng vắc xin do hãng và Đại học Oxford đồng phát triển hay không. Khả năng bảo vệ của loại thuốc này đã được ghi nhận trong thời gian qua và cho đến nay chưa có bằng chứng cho thấy Omicron sẽ phá vỡ "hàng phòng vệ" này. 

Novavax đang sản xuất vắc xin dựa trên một loại công nghệ vắc xin cũ hơn và tiến hành đánh giá hiệu quả chống lại biến thể mới. Hãng này đang thực hiện các bước đầu tiên để có thể đưa vắc xin Omicron vào sản xuất quy mô lớn ngay từ tháng giêng năm sau. 

Có nhiều cách để các nhà sản xuất vắc xin phản ứng với một nhân tố mới như Omicron. Tiến sĩ Anthony Fauci của Trung tâm về bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ giải thích trong một cuộc họp báo rằng, những "gã khổng lồ" có thể tăng cường sản xuất vắc xin hiện có, cũng có thể phát triển một mũi tiêm duy nhất chống lại tất cả các loại biến thể cũ và mới, thậm chí không loại trừ khả năng sản xuất thuốc tăng cường đặc hiệu cho từng chủng vi rút. 

Bất chấp cuộc chạy đua chưa có hồi kết, thế giới còn nhiều điều chưa biết về mức độ hiệu quả của vắc xin Covid-19 đối với Omicron. Hầu hết các chuyên gia khuyến khích thận trọng và nhấn mạnh cần xem xét kỹ lưỡng hơn các biến thể mới. Ngay cả các công ty dược phẩm dù tỏ ra lạc quan hay bi quan cũng đều thừa nhận rằng cần thời gian nghiên cứu thêm và đẩy mạnh hệ thống miễn dịch con người theo nhiều cách chứ không chỉ phụ thuộc vào kháng thể. Nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới, Soumya Swaminathan chia sẻ với tờ Financial Times: "Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về hiệu quả của vắc xin chống lại Omicron" và "Chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi khoa học tìm ra lời giải".

TL