Các khách sạn khu vực Đông Nam Á nỗ lực phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch

18:53 29/08/2022

Nhiều khách sạn đang tích cực quảng bá để thu hút khách du lịch trở lại sau thời gian dịch bệnh bùng phát, hay còn gọi là "du lịch trả thù". Thời điểm hiện giờ là lúc du khách không ngại chi tiền để tận hưởng những chuyến đi bù đắp lại khoảng thời gian phải ở nhà.

Tập đoàn Far East Hospitality Holdings của Singapore đã bổ sung một số đặc quyền cho những khách lưu trú tại Adina Serviced Apartments. (Ảnh của Dylan Loh)

Tập đoàn Far East Hospitality Holdings của Singapore đã bổ sung một số ưu đãi cho những khách lưu trú tại khách sạn Adina Serviced Apartments. (Ảnh của Dylan Loh).

Nằm gần các trung tâm mua sắm sang trọng dọc theo vành đai mua sắm Orchard Road của Singapore, những khách trọ tại khách sạn Adina Serviced Apartments thường xuyên được chiêu đãi bỏng ngô, khoai tây chiên và đồ uống miễn phí.

Người quản lý chu đáo của khách sạn - Nancy Zhang cũng thường xuyên đích thân hỏi ý kiến ​​của khách về thời gian lưu trú của họ tại Adina. Khách sạn đã khai trương vào cuối tháng 6 với 88 phòng.

Adina Serviced Apartments được vận hành bởi Far East Hospitality Holdings của Singapore cũng đang tặng phiếu ăn uống trị giá 100 đô la Singapore (tương đương 72 đô la) cho khách - một dấu hiệu cho thấy nỗ lực nhằm thu hút khách du lịch, những người đã vắng bóng trong suốt hơn hai năm qua do các lệnh hạn chế đi lại phòng chống COVID-19. 

Các đợt bùng phát COVID-19 riêng lẻ đã diễn ra ở các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên. Các nước này đã nỗ lực vực dậy ngành du lịch vốn đã bị trì trệ từ năm 2020. 

Giám đốc điều hành của Far East Hospitality, Arthur Kiong đã bàn về xu hướng di lịch tại thời điểm này rằng: "Khách của chúng tôi đang thực hiện các chuyến đi ít hơn nhưng dài hơn và mang theo vợ / chồng hoặc đối tác của họ."

Tại huyện đảo Koh Lanta của Thái Lan, Pimalai Resort and Spa 5 sao đang giảm giá tới 30% cho du khách đến. 

Những người đặt phòng trước ngày nhận phòng từ 7 đến 13 ngày sẽ được giảm giá 20% cho thời gian lưu trú của họ, trong khi những người đặt trước 30 ngày trở lên được giảm giá 30%.

Ngoài ra, Pimalai đang quảng cáo chương trình khuyến mãi "Ở 5 trả 4", trong đó khách từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đặt phòng 5 đêm sẽ chỉ phải trả cho 4 đêm. 

Charintip Tiyaphorn, chủ sở hữu đại diện của Pimalai cho biết: “Bằng cách cung cấp các đêm miễn phí và giảm giá đáng kể, chúng tôi hy vọng rằng mọi khách có thể tối đa hóa thời gian của họ và tận hưởng những trải nghiệm trọn vẹn hơn nữa. Cho dù bạn muốn đưa người bạn yêu thương đi xa để có một kỳ nghỉ lãng mạn hay chiêu đãi cả gia đình một kỳ nghỉ kéo dài, Pimalai là lựa chọn lý tưởng".

Pimalai Resort and Spa 5 sao ở huyện đảo Koh Lanta của Thái Lan đang giảm giá 30% cho những du khách đặt phòng trước. (Ảnh do Pimalai Resort and Spa cung cấp)
Pimalai Resort and Spa 5 sao ở huyện đảo Koh Lanta của Thái Lan đang giảm giá 30% cho những du khách đặt phòng trước. 

Tất nhiên, nhiều khách sạn khác cũng tin rằng họ là lựa chọn lý tưởng, tích cực quảng bá để thu hút khách du lịch trở lại sau thời gian dịch bệnh bùng phát, hay còn gọi là "du lịch trả thù". Thời điểm hiện giờ là lúc du khách không ngại chi tiền để tận hưởng những chuyến đi bù đắp lại khoảng thời gian phải ở nhà.

Lĩnh vực khách sạn, vốn bị trì trệ trong thời gian đại dịch, đã nhảy vào cuộc với các chiến dịch tiếp thị tích cực.

Tại điểm nghỉ dưỡng bình dị của Bali ở Indonesia, khu nghỉ mát của InterContinental đang có chương trình khuyến mãi riêng, trong đó những khách đặt phòng ở lại lâu hơn có thể tiết kiệm chi phí hơn. 

Chuỗi khách sạn có trụ sở tại Vương quốc Anh đang thu hút du khách bằng cách giảm giá 20% tại các nhà hàng cũng như dịch vụ giặt là của họ.

Nhưng ngay cả khi lĩnh vực khách sạn đang thực hiện các bước quyết liệt để thu hút khách du lịch, không có gì đảm bảo những nỗ lực ấy sẽ thành công.

Các hạn chế về biên giới có thể đã được nới lỏng, cho phép du lịch hồi sinh, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ CBRE đã cảnh báo về những sóng gió đối với các khách sạn trong năm nay ở một báo cáo nghiên cứu được công bố trong quý đầu tiên.

Những khó khăn ấy bao gồm những nhu cầu đi lại bị siết chặt do chi phí nhiên liệu đang tăng cao, vốn bị ảnh hường từ cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Chi phí tăng cao đã cản trở sự phục hồi hoàn toàn của du lịch.

Báo cáo cũng lưu ý rằng Trung Quốc, nơi có nhiều quốc gia châu Á phụ thuộc vào lượng khách du lịch nước này, sẽ vẫn bị hạn chế do Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chính sách Zero COVID của mình.

Báo cáo cho biết: “Mặc dù hiện nay nhiều thị trường cung cấp dịch vụ nhập cảnh miễn kiểm dịch, nhưng gánh nặng thủ tục hành chính bổ sung liên quan đến việc lập kế hoạch du lịch nước ngoài vẫn tiếp tục ngăn cản nhiều người. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ thái độ thận trọng đối với việc đi công tác".

Nghiên cứu của CBRE cũng lưu ý rằng, một số khách sạn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc xây dựng lại lực lượng lao động sau khi sa thải hàng loạt ngay khi đại dịch bùng phát. Thậm chí việc tuyển dụng vẫn là thách thức ngay cả khi khách du lịch dần quay trở lại. Nhiều nhân viên cũ đã chuyển sang làm công việc khác như lĩnh vực bán lẻ để được trả lương cao hơn và điều kiện làm việc ổn định hơn.

Tuy nhiên, các tập đoàn khách sạn như Khách sạn Minor của Thái Lan vẫn đang nỗ lực thu hút khách.

Nằm trên bờ biển Desaru nổi tiếng của Malaysia, Minor's Anantara Resort and Villas đang cung cấp "Gói Nghỉ dưỡng tại bãi biển" đi kèm với ưu đãi là một đêm miễn phí, giảm giá 15% cho các dịch vụ ăn uống và spa cũng như các sản phẩm đồ uống được bày bán trong phòng.

Michael Marshall, Giám đốc thương mại của Minor cho biết: “Đã có sự tập trung mạnh mẽ vào các chiến dịch kỹ thuật số ở từng khu vực để tối đa hóa lợi nhuận. Việc dành nhiều thời gian hơn để tận hưởng một điểm đến du lịch hơn là dừng chân tạm thời đang là xu hướng mà chúng ta dễ thấy hiện nay và dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong thời kỳ hậu đại dịch". 

Lyly