Các doanh nghiệp viễn thông đã loại 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống

21:23 06/09/2023

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay, thời gian qua, Bộ đã quyết liệt xử lý tình trạng SIM không đúng thông tin thuê bao, SIM không chính chủ.

Quang cảnh buổi Họp báo
Quang cảnh buổi Họp báo.

Chiều 6-9, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ TT-TT đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu mới về việc chặn lọc SIM rác, SIM không chính chủ. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã phát hiện 11 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa, 8,6 triệu thuộc diện sở hữu nhiều sim, và đã khóa hơn 12 triệu thuê bao.

Tính đến hết tháng 8, tổng cộng có 19,6 triệu thuê bao được xử lý, trong đó 11 triệu có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cao hơn mức gần bốn triệu mà các nhà mạng công bố hồi tháng 3. Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, sự chênh lệch này là do Cơ sở dữ liệu ngày càng hoàn thiện, từ đó phát hiện thêm hàng triệu thuê bao chưa trùng khớp. Ngoài ra, các thuê bao bị xử lý còn vì có giấy tờ hết hạn, giấy tờ có thông tin nghi vấn.

Sau quá trình xử lý, đã có 3,55 triệu thuê bao đi chuẩn hóa lại và hoạt động bình thường. Hơn 7,5 triệu thuê bao bị khóa một chiều, hai chiều hoặc bị thu hồi.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay, thời gian qua, Bộ đã quyết liệt xử lý tình trạng SIM không đúng thông tin thuê bao, SIM không chính chủ. 

Theo ông Phạm Đức Long, các năm trước đây vốn dĩ việc xử lý thuê bao không chính chủ còn nhiều hạn chế do các nhà mạng thiếu căn cứ, việc xử lý chỉ được thực hiện khi có nghi ngờ. 

"Trước kia, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có thước đo nhằm kiểm tra xem thông tin thuê bao của người sử dụng có chính xác hay không. Điều này đã thay đổi khi Bộ Công an cho ra đời Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp viễn thông đối soát thông tin thuê bao", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại cuộc họp báo
Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại cuộc họp báo.

Hàng tháng hiện có 1,5 triệu thuê bao mới xuất hiện trên thị trường và về cơ bản tất cả các thuê bao mới trên thị trường đều được đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khoảng 85% thuê bao mới sẽ thuộc về các nhà mạng lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel và những doanh nghiệp này đều đã được kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát trực tiếp. 

Các nhà mạng còn lại như Vietnamobile, Wintel, Itel... hiện chiếm 15% tổng lượng thuê bao mới ra thị trường hàng tháng. Những nhà mạng này chưa kết nối được với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. 

"Tuy nhiên, định kỳ hàng tháng, các nhà mạng này sẽ phải gửi số liệu về thuê bao mới đến Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong trường hợp sau quá trình đối soát, nếu thuê bao mới không đúng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuê bao sẽ bị xóa khỏi hệ thống", ông Long nói.

Ông Phạm Đức Long cũng chia sẻ thêm, hiện nay trên thị trường đang có tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thuê bao. Thực hiện việc này chủ yếu là các đại lý cung cấp SIM, họ thuê người dân đăng ký với mức phí thấp, sau đó mang nhưng SIM này bán ra thị trường. Điều này cũng lý giải việc khi nhà mạng xác minh lại SIM thì thông tin đăng ký khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng lại không phải chính chủ.

Tại các đợt kiểm tra của Bộ TT&TT ở thời gian qua, trong 1,5 triệu thuê bao vi phạm thì có tới 80% SIM nằm trong diện các đại lý thuê người đăng ký hộ. Do đó, Bộ đã làm việc với các nhà mạng và có cam kết sẽ dừng hoạt động các đại lý vi phạm như trên và chuyển việc bán SIM sang các kênh đại lý lớn như Thế giới di động, FPT hay kênh kinh doanh của chính nhà mạng. Việc này sẽ được thực hiện từ 10/9.

Đối với tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, nhằm hạn chế vấn nạn này các nhà mạng đã triển khai xây dựng xong hệ thống kỹ thuật để tiến hành kiểm soát, trong thời gian tới sẽ đưa vào thí điểm. Cụ thể, đối với nhóm các cơ quan nhà nước như Bộ Công an, Tòa án … Bộ sẽ làm việc với các đơn vị này để tiến hành định danh cuộc gọi và tin nhắn. Khi đó, nếu có cuộc gọi và tin nhắn từ những đơn vị trên sẽ hiển thị tên rõ ràng để người dùng có thể phân biệt. Không có định danh đồng nghĩa với đó là tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Còn đối với nhóm doanh nghiệp, Bộ yêu cầu muốn quảng cáo phải đăng ký brandname. Tuy nhiên có tình trạng doanh nghiệp muốn tăng cường quảng cáo đã cho phép nhân viên đăng ký riêng SIM để thực hiện các hành động tiếp thị này. Trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các hình thức này, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Số liệu mới nhất của Bộ TT-TT

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,3% tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm 2023 đạt 84% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang.

- Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,3 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 22,4 thuê bao/100 dân), tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đến tháng 12-2023 đạt 25 thuê bao/100 dân.

- Số thuê bao băng rộng di động đạt 86,6 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 87,07 thuê bao/100 dân), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đạt đến tháng 12-2023 đạt 90 thuê bao/100 dân.

- Thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 101,2 triệu thuê bao; tăng 7,77% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 7,3 triệu thuê bao.

Minh Phương (T/h)