Các công ty nước ngoài tăng cường thâu tóm doanh nghiệp Trung Quốc

00:00 12/10/2020

Giữa viễn cảnh bất định trên phạm vi toàn cầu gia tăng, nhiều công ty nước ngoài đang tăng cường thâu tóm các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và tài chính dễ bị tổn thương.

Một góc khu trung tâm tài chính Lujiazui của Thượng Hải, Trung Quốc.

"Trong vòng 18 tháng qua, chúng tôi đã ghi nhận mức độ mua bán sáp nhập (M&A) của công ty nước ngoài với doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng chưa từng thấy", công ty nghiên cứu Thilo Hanemann (đối tác của Rhodium) và nhà đồng sáng lập Daniel H. Rosen lưu ý trong một báo cáo phát hành hôm Thứ năm.

"Hầu hết các hoạt động M&A được thúc đẩy bởi các công ty Mỹ và châu Âu, khi họ tận dụng việc nới lỏng các quy định giới hạn sở hữu phía nước ngoài và đặt kỳ vọng vào nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc", báo cáo cho biết.

Nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã từng bước tăng số lượng các ngành công nghiệp mà các doanh nghiệp nước ngoài có thể đăng ký hoạt động, và cũng đã gỡ bỏ các hạn chế sở hữu 100% vốn nước ngoài trong nhiều lĩnh.

Nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đang mua vào để chiếm cổ phần đa số trong các liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc của họ, và xin giấy phép để tăng vốn nhiều hơn.

Tại một hội nghị tài chính cấp cao ở Thượng Hải hôm thứ Sáu, các lãnh đạo cơ quan quản lý hàng đầu của Trung Quốc lưu ý rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục mở cửa thị trường vốn địa phương cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Thị trường Trung Quốc rất lớn và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét kế hoạch phát triển kinh doanh dài hạn tại đây", Martin Wong, nhà quản lý đối tác lĩnh vực bảo hiểm dịch vụ tài chính tại Deloitte Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần trước. "Họ không đặt tầm nhìn ngắn hạn và trung hạn", ông nhấn mạnh.

Tiền đổ vào bất chấp các vấn đề địa chính trị

Mối quan tâm đầu tư kinh doanh ở Trung Quốc gia tăng tương phản với môi trường địa chính trị ngày càng căng thẳng tại đây.

Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu tăng áp lực lên Trung Quốc bằng thuế quan khoảng hai năm trước, cho đến nay cuộc thương chiến đã lan sang cả ngành công nghệ và tài chính. Sự xuất hiện của Covid-19 vào cuối năm ngoái tại Vũ Hán của Trung Quốc, sau đó là đại dịch toàn cầu, càng làm căng thẳng thêm quan hệ Mỹ - Trung.

Cú sốc kinh tế do các hạn chế để đối phó với Covid-19 đã khiến tổng sản phẩm quốc nội ở cả Mỹ và Trung Quốc giảm trong quý đầu tiên của năm nay. Nhiều nhà kinh tế dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm hơn 40% trong quý II trong khi Trung Quốc sẽ phục hồi nhẹ, trước khi tăng trưởng trở lại vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh phải chịu nhiều áp lực kinh tế và địa chính trị, các công ty Trung Quốc đang đầu tư ít hơn ra nước ngoài, theo dữ liệu công bố hôm thứ Năm của Bộ Thương mại Trung Quốc. Nhưng, đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế này đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 5, lên 68,63 tỷ nhân dân tệ (9,87 tỷ USD).

Báo cáo của Rhodium chỉ ra rằng một trong những yếu tố thúc đẩy xu hướng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc là trong một số ngành, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đã trở thành những người dẫn đầu - một phần thông qua sự gia tăng của các công ty khởi nghiệp và phần khác là nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ.

"Do đó lần đầu tiên, các nhà đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn bởi việc mua công nghệ và tài sản công nghiệp tại Trung Quốc, thay vì phải xây dựng từ đầu", các tác giả của báo cáo cho biết.

Nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào đâu?

Rhodium nhấn mạnh một số thương vụ M&A "đình đám" mới đây: Volkswagen mua 26% cổ phần của nhà sản xuất pin Trung Quốc Guoxuan High-Tech với giá 1,2 tỷ USD; nắm quyền kiểm soát liên doanh sản xuất ô tô Anhui Jianghuai Automotive với giá 1,1 tỷ USD. Pepsi đang chi khoảng 700 triệu USD để mua thương hiệu đồ ăn nhẹ Trung Quốc Be & Cheery. J.P. Morgan đang kiểm soát hoàn toàn một quỹ tương hỗ liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc sau khi đã bỏ ra khoảng 1 tỷ USD.

Trung Quốc đã đóng cửa thị trường trong nước đủ lâu để thúc đẩy sự hình thành những người khổng lồ của riêng mình trong nhiều ngành công nghiệp. Nhưng một số lĩnh vực khác vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển.

Việc gia tăng tầng lớp trung lưu trong xã hội cùng với nới lỏng quy định hạn chế sở hữu trong các doanh nghiệp ngành tài chính tạo cơ hội phát triển cho lĩnh vực bảo hiểm. Vào tháng 12 năm ngoái, công ty bảo hiểm AXA có trụ sở tại Pháp tuyên bố đã hoàn tất việc mua lại cổ phần thuộc sở hữu của nhà đầu tư trong nước trị giá khoảng 4,6 tỷ nhân dân tệ, đồng thời tuyên bố trở thành công ty bảo hiểm tai nạn và tài sản 100% vốn nước ngoài lớn nhất tại thị trường Trung Quốc.

Đề cập đến chiến lược sắp tới, Giám đốc điều hành của AXA Trung Quốc Xavier Veyry cho biết công ty đang tìm cách tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc, tăng doanh thu với sản phẩm bảo hiểm y tế.

"Điều quan trọng trước nhất đối với các doanh nghiệp nước ngoài là thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, phục vụ khách hàng Trung Quốc với sự hỗ trợ của công ty mẹ ở nước ngoài, vì Trung Quốc không phải là một thị trường thống nhất mà nhu cầu của khách hàng tại đây rất đa dạng, và các ứng dụng kỹ thuật số tiên tiến sẽ thúc đẩy triển vọng tương lai", Veyry nói.

Vấn đề liên quan đến Chính phủ

Trung Quốc có thể đang cung cấp cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng cũng lúc, những lo ngại về gian lận cũng gia tăng sau khi công ty niêm yết trên Nasdaq là Luckin Coffee - từng tự quảng cáo là đối thủ của Starbucks tại Trung Quốc - vào tháng Tư vừa qua bị phát hiện đã "thêu dệt" doanh thu khoảng 2,2 tỷ nhân dân tệ năm 2019.

Thượng viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua điều luật vào cuối tháng 5, theo đó có thể buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết cổ phiếu của họ tại các sàn giao dịch của Mỹ. Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu đối với điều luật này vào cuối mùa hè.

Các nhà quản lý phía Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng họ đang lên kế hoạch để thực thi một số hành động nhằm ngăn chặn gian lận như trong vụ bê bối Luckin Coffee.

"Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết các vấn đề", Fang Xinghai, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, nói hôm thứ Năm tại Diễn đàn Lujiazui ở Thượng Hải. "Vấn đề ngay lúc này là (các cơ quan quản lý của Mỹ) cần phải ngồi lại với chúng tôi với quan điểm để giải quyết vấn đề, tìm ra cách thức xử lý phù hợp".

Trên khắp châu Á, gian lận có thể sẽ tiếp tục gia tăng sau cú sốc Covid-19 gây áp lực thu hẹp lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh, và việc thúc đẩy quy trình làm việc từ xa tạo rủi ro bị tấn công mạng, một số nhà phân tích cho biết.

Điều đó dẫn đến một số cơ hội đầu tư kinh doanh trong khu vực này.

Chris Fordham, giám đốc điều hành tại nhóm tranh chấp và điều tra thuộc Alvarez & Marsal, tại Hồng Kông và Trung Quốc, nói hồi tuần trước rằng công ty có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng nhân viên, từ mức hiện tại khoảng 50 người ở Trung Quốc lên 100 trong vòng hai năm tới.

Nhưng trong tất cả các cuộc thảo luận về chính sách mở cửa của Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả trong lĩnh vực tài chính, vẫn thường xuyên phàn nàn về các quy định ngặt nghèo tại địa phương, chưa kể một số lĩnh vực thị trường do nhà nước quản lý hoàn toàn.

Peter Ling-Vannerus, chủ tịch nhóm công tác ngân hàng và chứng khoán tại Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, chỉ ra rằng các tổ chức tài chính của Trung Quốc nằm trong số những công ty lớn nhất trên thế giới được nhà nước hỗ trợ đáng kể, và chiếm 20% tổng tiền gửi toàn cầu. "Họ là những người khổng lồ không dễ để cạnh tranh", ông nói.

Tại Trung Quốc, theo Ling-Vannerus, "các giám đốc ngân hàng của Châu Âu lưu ý rằng số lượng báo cáo định kỳ phải nộp cho nhiều cơ quan chức năng lớn đến mức đáng kinh ngạc - khoảng 100 mỗi tháng. Ông cho biết tại thời điểm này, các tổ chức tài chính đang phát triển một cách thận trọng ở Trung Quốc, mà ông nhấn mạnh thêm là toàn bộ các công ty châu Âu tại đây.

M.Hồng