Các công ty khai thác khoáng sản được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi năng lượng

11:58 11/07/2022

Công ty khai thác từ Úc BHP và nhà quản lý tài sản châu Âu LGIM đã lập luận trong một báo cáo gần đây rằng "không quá lời khi nói rằng việc chuyển đổi năng lượng sẽ không thể trở thành hiện thực được nếu không có sự gia tăng trong quá trình sản xuất các khoáng sản quan trọng".

Các nhà hoạt động từ lâu đã chỉ trích các công ty khai thác, giờ đây nói rằng ngành công nghiệp đang tự tô vẽ màu xanh cho mình bằng cách lập luận rằng việc khai thác là rất quan trọng để thế giới đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không. (Nguồn ảnh Reuters và Nikkei)

Việc khai thác được cho là rất quan trọng để thế giới đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không. (Nguồn ảnh Reuters và Nikkei).

Nhu cầu về kim loại được sử dụng trong pin, xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời đang tăng cao khi thế giới hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển sang sử dụng các công nghệ ít gây ô nhiễm hơn. Điều này tạo ra lợi ích cho các công ty khai thác. 

Họ không chỉ được hưởng lợi từ việc giá kim loại tăng và giành được khách hàng mới, họ còn được trao cơ hội để xây dựng thương hiệu trở thành những "người hùng" bảo vệ môi trường.

Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co, khai thác mỏ là một trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon nhất thế giới, chiếm 4% đến 7% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Các chuyên gia về môi trường từ lâu đã lập luận rằng ngành khai thác cũng gây hại cho hành tinh theo nhiều cách khác nhau . 

Nhưng trong các bài thuyết trình của các giám đốc điều hành và các báo cáo nghiên cứu, việc khai thác sẽ rất quan trọng nếu thế giới thành công trong việc đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không. Công ty khai thác từ Úc BHP và nhà quản lý tài sản châu Âu LGIM đã lập luận trong một báo cáo gần đây rằng "không quá lời khi nói rằng việc chuyển đổi năng lượng sẽ không thể trở thành hiện thực được nếu không có sự gia tăng trong quá trình sản xuất các khoáng sản quan trọng". 

Các nhà phân tích hàng hóa đồng ý rằng nhu cầu về nguyên liệu thô sẽ tăng lên khi thế giới chuyển sang năng lượng tái tạo. Những sản phẩm của tương lai, từ xe điện đến tuabin gió, tất cả đều yêu cầu đồng, niken, coban, đất hiếm và các loại kim loại khác. Nhu cầu về các sản phẩm an toàn với môi trường đã giúp giá nhiên liệu tăng, một hiện tượng còn được gọi là "lạm phát xanh", điều này đang tác động tích cực đến ngành năng lượng tái tạo. 

Trong lĩnh vực năng lượng gió, giá tuabin gió sử dụng nhiều kim loại đã tăng 9% trong nửa cuối năm 2021, theo BloombergNEF. Khoảng 34% chi phí vốn của một trang trại điện gió ngoài khơi dành cho các tuabin.

Giá nguyên liệu thô tăng cao có thể khiến một dự án mới không khả thi về mặt kinh tế, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tiết kiệm chi phí mà các nhà máy đã mất nhiều năm lập ra. Joyce Lee, người đứng đầu chính sách và dự án tại Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu nói với Nikkei Asia: "Điều này có thể làm chậm quá trình triển khai năng lượng gió".

Ngành công nghiệp khai thác đang có những bước thay đổi trong việc cung cấp các kim loại bằng cách đầu tư vào nhiều dự án mới mà họ cho rằng, sẽ rất quan trọng để giữ cho quá trình chuyển đổi năng lượng đi đúng hướng. Ví dụ vào tháng 3, công ty khai thác mỏ của Úc Rio Tinto đã mua dự án Rincon lithium ở Argentina với giá 825 triệu USD để tăng sản lượng lithium.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng sản xuất các khoáng chất như than chì, lithium và coban sẽ cần tăng sản lượng gần 500% vào năm 2050 so với mức năm 2018 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ năng lượng sạch.

Daniel Read, một nhà vận động về khí hậu và năng lượng của Tổ chức Hòa bình Xanh Nhật Bản, cho biết, ngành khai thác mỏ phải khẩn trương đạt được mô hình sản xuất không phát thải. 

Các công ty khai thác cho biết, họ đang nỗ lực để cắt giảm lượng khí thải từ hoạt động sản xuất. Theo McKinsey, các mục tiêu giảm phát thải hiện tại do các công ty khai thác công bố nằm trong khoảng từ 0 đến 30% vào năm 2030.

Albemarle của Mỹ, nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới, cho biết, họ đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc giảm lượng khí thải carbon và tác động đến môi trường, cũng như cung cấp nền tảng dữ liệu để chứng minh rằng họ đang đạt được tiến bộ mỗi ngày. 

"Các bên liên quan ngày càng yêu cầu chúng tôi cung cấp dữ liệu một cách chuẩn xác", Giám đốc Tài chính của Albemarle - Scott Tozier nói với Nikkei Asia. Tozier nói thêm: "Chúng tôi cảm thấy áp lực nhất từ ​​khách hàng của mình. Các nhà sản xuất ô tô đang sản xuất xe điện nhằm mang đến một phương tiện xanh và góp phần bảo vệ môi trường. Và họ cũng muốn chuỗi cung ứng của họ phải thể hiện được điều đó trong một phạm vi tối thiểu". 

Theo Tozier, từ 10% đến 20% vốn đầu tư hàng năm của Albemarle (từ 1,3 tỷ đến 1,5 tỷ USD) là nhằm đạt được các mục tiêu phát thải của công ty. Một ví dụ gần đây là khoản đầu tư 100 triệu đô la vào một nhà máy mới ở Chile, một trong những địa điểm sản xuất lithium chính của nước này. Nhà máy đi vào hoạt động vào tháng 6 và công nghệ mới sẽ tăng gấp đôi công suất sản xuất của Albemarle trong khi giảm 30% việc sử dụng nước.

Tozier nói: “Đó là số tiền lớn đối với chúng tôi, nhưng với nguy cơ thiếu nước ở Chile, chúng tôi cảm thấy đó là điều đúng đắn".

Các nhà hoạt động và chuyên gia cho rằng, các công ty khai thác sẽ cần cung cấp nhiều thông tin hơn trước khi đưa ra tuyên bố là đưa thế giới tiến tới mức phát thải carbon ròng bằng không. Nhiều người chỉ ra rằng, thông báo của các công ty khai thác mỏ tập trung vào nỗ lực cắt giảm lượng khí thải liên quan đến sản xuất, chẳng hạn như sử dụng năng lượng mặt trời tại các mỏ hoặc giới thiệu xe tải vận chuyển điện khí hóa, mà không thảo luận về lượng khí thải sử dụng và khoáng sản mà họ đã khai thác.

Tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết thực tế đang cho thấy các công ty còn đang ít chú ý đến các tiêu chuẩn ESG - tiêu chuẩn đề cập đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.

Shinsuke Murakami, một chuyên gia về khai thác bền vững và là Phó Giáo sư tại Đại học Tokyo cảnh báo các nhà đầu tư không nên bị thu hút bởi các thông báo công khai về cải tiến mà hãy dựa vào dữ liệu đầy đủ hơn về các hoạt động tổng thể của họ.

Murakami nói thêm rằng, ngay cả khi nhiều công ty công bố kết quả tốt hơn về lượng khí thải carbon, các bên vẫn khó đánh giá các tác động môi trường khác của các công ty, chẳng hạn như căng thẳng về nguồn nước và đa dạng sinh học.

"Nhiều công ty khai thác nên tự giác công khai thông tin để các bên có thể đánh giá một cách khách quan những nỗ lực vì môi trường của họ", Murakami nói.

Bảo Bảo