Cần thúc đẩy chuyển đổi số ở hợp tác xã

21:16 15/01/2023

Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, quá trình chuyển đổi số của các HTX diễn ra chậm, với 52% số HTX được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn HTX ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không còn là câu chuyện mới. Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) thì “chưa bao giờ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp thuận lợi như hiện nay”.

Nói thuận lợi bởi lẽ, Đảng và Chính phủ đã tập trung ưu tiên, đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và là xu thế tất yếu.

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 nhấn mạnh đến đổi mới mô hình tăng trưởng theo động lực “khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”; trong đó thực hiện chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Bộ NN - PTNT số; kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. 

Cần thúc đẩy chuyển đổi số ở kinh tế HTX, tập thể
Cần thúc đẩy chuyển đổi số ở kinh tế hợp tác xã

Ở cấp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030, và nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số.

Ở góc độ ngành,Bộ NN - PTNT đã coi việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng, không chỉ trước mắt mà còn trong chiến lược xuyên suốt và lâu dài của toàn ngành.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, 68% HTX sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Nhiều HTX nông nghiệp, công nghiệp, thương mại ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, hiện nay, vẫn còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Cũng theo Liên minh HTX Việt Nam, quá trình chuyển đổi số của các HTX diễn ra chậm, với 52% số HTX được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn HTX ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số (thông qua website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội), hạn chế trong kỹ năng thương mại điện tử; kỹ năng thanh toán điện tử...

Lý giải điều này, đại diện Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, do nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật còn thấp. Rào cản lớn nhất là “trình độ cán bộ quản lý HTX yếu kém, năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế”. Minh chứng là chỉ có 14 - 21% cán bộ quản lý HTX thủ công mỹ nghệ được đào tạo qua bậc đại học, hầu hết ở trình độ sơ cấp và trung cấp. Lực lượng lao động tại các HTX này chủ yếu làm việc theo phương thức truyền nghề, thực hành tại chỗ. Với HTX nông nghiệp, tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ đại học chỉ chiếm 1,5%; trung cấp và cao đẳng chiếm 26%, còn lại chưa qua đào tạo nghề. Lực lượng lao động nhìn chung không chỉ thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc mà còn thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch/phương án sản xuất kinh doanh.

PV (t/h)