Bước ngoặt ở Coteccons!

00:00 12/10/2020

Chủ tịch CTD nhìn nhận đợt chảy máu chất xám vừa qua là cơ hội để CTD thanh lọc đội ngũ nhân sự tốt hơn. CTD sẽ sáp nhập các công ty thành viên để trở thành "Một Coteccons" nhằm vươn lên làm các công trình lớn hơn, kỳ vọng đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2020.

Phát triển thần tốc nhờ yếu tố con người

Năm 2004, CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) được hình thành từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Bộ phận Khối Xây lắp thuộc Công ty Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng thuộc Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) thành công ty cổ phần theo quyết định của Bộ Xây dựng, với vốn điều lệ 15,2 tỷ đồng.

Hai năm sau cổ phần hóa, năm 2006, Coteccons đạt doanh thu 824 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 55,6 tỷ đồng, vốn điều lệ 35 tỷ đồng và tổng tài sản gần 224 tỷ đồng.

Chỉ 10 năm sau, năm 2016, doanh thu thuần của Coteccons đã ngấp nghé 1 tỷ USD, gấp 25 lần so với 2006; lợi nhuận trước thuế đạt 1.763 tỷ đồng, gấp gần 32 lần; tổng tài sản gấp 52 lần so với năm 2006; tiền và các khoản tương đương tiền chiếm hơn 43% tổng tài sản. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2007 – 2016 đạt mức 41,3%.

  Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính

Năm 2017, mặc dù hoạt động kinh doanh của CTD không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như các năm trước, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ chỉ tăng trưởng 16,2% và năm 2018 Coteccons đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 9,2% so với năm trước đó nhưng Coteccons vẫn là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao của ngành xây dựng trong nước và trên thế giới với biên lợi nhuận gộp 7% - 8% như đánh giá của đại diện Dragon Capital.

Điều gì đã làm nên một Coteccons phát triển thần tốc trong hơn 10 năm qua?

Chủ tịch Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đồng thường niên năm 2018 khẳng định, thành quả của Coteccons hiện tại không phải đến từ may mắn mà do nỗ lực của toàn thể ban lãnh đạo và đội ngũ 5.000 kỹ sư cùng hàng chục nghìn công nhân, thống nhất trong mọi hoạt động.

Rõ ràng, con người là yếu tố quan trọng, then chốt trong hành trình phát triển của Coteccons. Cổ đông cá nhân nước ngoài, từng hợp tác với Coteccons và làm trong ngành xây dựng cũng đánh giá liêm chính, tận tâm, tin cậy, chân thành, ổn định tài chính và quan trọng nhất là một tập thể nhân viên đoàn kết lao động hết mình là phần xương sống của Coteccons.

Giá cổ phiếu lao dốc do chảy máu chất xám và xung đột lợi ích cổ đông lớn?

Giá cổ phiếu của Coteccons đã mất gần 50% kể từ khi lập đỉnh vào tháng 11/2017 chỉ sau 6 tháng, không do ảnh hưởng của thị trường chung hay tình hình kinh doanh gặp khó. Trong hơn 14 năm phát triển, kể cả giai đoạn nền kinh tế khủng hoảng, thị trường bất động sản lao dốc Coteccons vẫn có được biên lợi nhuận 7% - 8%, không vay nợ và dư dả tiền.

“Giá trị lớn nhất của Coteccons là con người”. Việc nguyên phó tổng giám đốc Coteccons, người từng gắn bó với Coteccons từ những ngày đầu thành lập, rời bỏ Coteccons ra thành lập công ty xây dựng mới quả là một “tin xấu” đối với cổ đông của CTD. Coteccons đã phản ứng chậm với luồng “tin xấu” này.

Cổ đông cũng quan ngại mức độ tâm huyết của chủ tịch Nguyễn Bá Dương khi ông chỉ nắm giữ 4,9% vốn của CTD và từng tuyên bố sẽ nhường “ghế nóng” cho thế hệ lãnh đạo kế cận trong tương lai. Dĩ nhiên, cổ đông mong muốn ông Dương là người cầm lái con tàu Coteccons lâu dài hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, xung đột lợi ích cổ đông lớn bắt đầu lộ rõ mà khởi nguồn là việc Coteccons có đên 4 công ty thành viên không nắm quyền chi phối bị nghi ngờ là “sân sau” của gia đình chủ tịch, thiếu minh bạch….

Ở một thái cực khác, chủ tịch CTD mong muốn sáp nhập các công ty thành viên vào CTD để có một doanh nghiệp lớn hơn, vươn lên làm những công trình lớn hơn dù cho các công ty này đang làm ăn rất tốt, đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. “Chúng tôi muốn sáp nhập các công ty con nhưng các cổ đông lớn không đồng ý”.

  Nguồn: Báo cáo thường niên

Việc sáp nhập các công ty thành viên vào CTD có thể khiến cho tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn như Kusto (ước tính đang nắm giữ khoảng 35% vốn tại CTD) tại "Một Coteccons" sẽ bị sụt giảm đáng kể.

Phản hồi thông tin tại đại hội, Kusto khẳng định họ không có ý định bán ra cổ phiếu CTD như tin đồn, và đồng thuận với chủ trương "Một Coteccons", nhưng cần suy sét kỹ các giải pháp để làm sao đảm bảo lợi ích cho các cổ đông và công ty, cần có lộ trình về thời gian. 

Bên cạnh đó, đại diện cổ đông lớn Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công (đang nắm giữ 14,3%) đề nghị CTD thuê 3 công ty định giá Coteccons và các công ty thành viên để tránh ảnh hưởng quyền lợi của cổ đông hay tương lai của "Một Coteccons".

Bước ngoặt của Coteccons
 

Trong phiên họp thường niên năm 2018, các cổ đông đã mổ xẻ về việc cần thiết phải sáp nhập các công ty thành viên về một mối thống nhất – Một Coteccons cũng như giữ người tài.

“Nếu chúng ta không có đội ngũ nhân sự tốt nhất, không có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nhân viên, chúng ta sẽ gặp khó khăn về nhân sự. CTD cần có đội ngũ lãnh đạo số một và đội ngũ nhân viên giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất để có tiến vào thế kỷ 21” – cổ đông kiến nghị.

Mặc dù việc chảy máu chất xám đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu CTD nhưng từ góc nhìn của người lãnh đạo, hiểu rõ về CTD, ông Nguyễn Bá Dương cho rằng: Những người nghỉ không ảnh hưởng đến công ty, CTD giữ chân những người muốn gắn bó, cùng đồng hành với CTD. Đồng thời qua sự vụ trên, Coteccons có cơ hội thanh lọc đội ngũ nhân sự tốt hơn.

Trong khi đó, nếu Coteccons hoàn tất việc sáp nhập các công ty thành viên vào "Một Coteccons", ông Nguyễn Bá Dương ước tính, "Một Coteccons" sẽ có vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng và mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ USD vào năm 2020. Hơn nữa, "Một Coteccons" sẽ sở hữu gần hết các công đoạn của chuỗi giá trị ngành dịch vụ xây dựng.

Thuyết minh báo cáo tài chính quý I/2018 của CTD cho biết, ngoài 2 công ty con là Unicons và Covestcons, CTD đang không nắm quyền chi phối ở 4 công ty gồm: Ricons, FCC, Quảng Trọng và Hiteccons.

Với doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2020, Một Coteccons có thể sẽ nằm trong 10 tập đoàn lớn nhất Việt Nam. 

Hồng Quân