Bức tranh toàn cảnh về kinh tế chia sẻ trên thế giới

00:00 12/10/2020

Năm 2019 tiếp tục chứng kiến sự phát triển sâu rộng mô hình kinh tế chia sẻ trên phạm vi toàn thế giới. Mặc dù còn tồn tại nhiều vấn đề cản trở các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ phát triển, song mô hình kinh tế này vẫn tiếp tục hứa hạn sẽ ngày càng gia tăng tỷ lệ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.

Phát triển mạnh mẽ

Kinh tế chia sẻ đã cho thấy không còn là một phong trào nhất thời, mà trái lại, đã tăng trưởng đến mức góp phần làm thay đổi bộ mặt toàn cầu trong lĩnh vực dịch vụ và thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng trở nên có ý thức hơn, cả từ góc độ tài chính và bảo vệ sự bền vững môi trường, các doanh nghiệp đã thích nghi để đáp ứng nhu cầu của họ. Đặc biệt, đối với thế hệ thiên niên kỷ (millennials), có nhu cầu chi tiêu cho các trải nghiệm, các chuyến du lịch, hay lối sống xê dịch đang ngày càng lớn hơn nhu cầu sở hữu và vay nợ trả góp, thì kinh tế chia sẻ lại càng thể hiện tính ưu việt của mình trong đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ.Công ty Kiểm toán EY India dự đoán, mô hình kinh tế chia sẻ có thể đạt giá trị hơn 275 tỷ USD trong 5 năm tới. Tại châu Âu, mô hình kinh tế chia sẻ đã len lỏi trong nhiều lĩnh vực và đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Nhiều người dân châu Âu đã dần tiếp cận và tạo được thói quen sử dụng các dịch vụ mà nền kinh tế chia sẻ mang lại, từ chia sẻ nhà ở đến xe cộ, cùng nhiều loại hình dịch vụ sáng tạo và hứa hẹn khác. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ cũng đang gây ra sự cạnh tranh thị phần gay gắt đối với các doanh nghiệp truyền thống.

Ủy ban châu Âu (European Commission) đang tích cực tìm kiếm giải pháp vừa đảm bảo các sáng kiến về dịch vụ chia sẻ có thể phát triển, trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi của khách hàng và lợi ích xã hội. Hiện có đến hơn 25% người dân EU đã tham gia sử dụng các nền tảng của kinh tế chia sẻ và hơn 20% người dân đã tham gia chia sẻ trực tiếp tài sản và dịch vụ của mình. Ủy ban châu Âu nhìn nhận kinh tế chia sẻ có tiềm năng tạo ra nhiều cơ hội mới cho cả các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, có khả năng tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng trong Liên minh châu Âu nếu được khuyến khích và hỗ trợ phát triển. Năm 2017, theo một sáng kiến của Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu đã cung cấp các khoản tài trợ cho 5 dự án thí điểm trong 2 năm để hỗ trợ mô hình kinh tế chia sẻ tại châu Âu. Trong số này, dự án EU-GIVE với mục tiêu “Tạo ra các cơ hội từ các tài sản hữu hình và chuỗi giá trị trong nền kinh tế chia sẻ tại châu Âu”, đã cung cấp nhiều hỗ trợ phi tài chính cho các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ. Tương tự vậy, dự án BeShared cũng đã tham gia lựa chọn các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ và các doanh nghiệp xã hội có tiềm năng phát triển để đào tạo và hỗ trợ. Beshared cũng đóng vai trò kết nối các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ và đánh giá tiềm năng phát triển của kinh tế chia sẻ ở phạm vi toàn châu Âu. Kết quả của hai dự án đã cho thấy, các dự án kinh tế chia sẻ tại châu Âu nói chung hứa hẹn trải dài trên nhiều lĩnh vực, song các khó khăn phổ biến nằm ở khả năng huy động vốn, đạt lợi nhuận kỳ vọng và sự không chắc chắn về khuôn khổ pháp lý. Các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ tại châu Âu cũng có nhu cầu cao về tìm kiếm tài trợ và cải thiện mô hình kinh doanh, cũng như tìm kiếm ý tưởng từ các sáng kiến tại châu Âu khác. Một số startups tiêu biểu được hai dự án quan tâm hỗ trợ, gồm BookSwap - dịch vụ chia sẻ sách cũ tại Estonia, Pala - ứng dụng giúp giải quyết lượng thực phẩm thừa không bị lãng phí, hay La Colaboradora - ứng dụng chia sẻ thời gian làm việc nhằm hỗ trợ các dự án lẫn nhau của các thành viên,...

Airbnb, ứng dụng chia sẻ chỗ ở ngắn hạn phổ biến nhất hiện nay đã có con số tham gia đạt 7 triệu nơi lưu trú trên toàn cầu, bao gồm hơn 4.900 tòa lâu đài và 2.400 ngôi nhà trên cây. Airbnb đã có sự hiện diện tại 81.000 thành phố thuộc 191 quốc gia, cũng như đã tiếp nhận hơn 400 triệu lượt khách lưu trú kể từ khi được thành lập. Với con số trung bình 150 triệu khách mỗi năm, Airbnb hiện là doanh nghiệp kinh tế chia sẻ đứng đầu trong ngành khách sạn và nghỉ dưỡng. Nhiều nhà đầu tư và phân tích đang chờ đợi ngày Airbnb IPO song tâm lý thị trường đối với các doanh nghiệp kỳ lân hiện không thực sự tự tin, đặc biệt là sau khi kế hoạch IPO của WeWork đã nhận phải nhiều phản ứng tiêu cực và sự sụp đổ sau đó. Gần đây nhất, Airbnb đang được định giá đạt 31 tỷ USD và đang phân vân giữa nhiều phương án thực hiện niêm yết.

Tại Ấn Độ, thống kê của EY cho thấy quy mô của nền kinh tế chia sẻ tại đây sẽ sớm đạt 20 tỷ USD chỉ trong 5 năm tới. Người trẻ tại Ấn Độ đang hưởng ứng phong trào kinh tế chia sẻ ở phạm vi rất sâu rộng. Khởi đầu từ các ứng dụng chia sẻ phương tiện đi lại tiện dụng trên di động, hiện nay ngày càng nhiều các loại hình tài sản và dịch vụ khác tiếp cận đến khách hàng dễ dàng và nhanh chóng. Dịch vụ cho thuê quần áo hoặc đồ cưới tại Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng khách hàng gấp 6 lần kể từ tháng 10/2018 đến nay. Ngày càng nhiều người trẻ muốn sở hữu các mẫu xe hơi mới mỗi hai năm một lần mà không phải lo lắng về những thủ tục giấy tờ hay trách nhiệm của việc sở hữu tài sản.

Neetish Sarda, người sáng lập SmartWorks cho biết, 25-30% diện tích văn phòng ở Ấn Độ hiện nay đã tham gia mô hình chia sẻ. 5 năm trước, tổng diện tích văn phòng được chia sẻ ở Ấn Độ mới chỉ đạt khoảng 900.000 m2 thì nay con số đã là hơn 1.800.000 m2. Neetish Sarda cũng dự đoán trong 5 năm tới, diện tích văn phòng được chia sẻ có thể đạt gấp 5 lần lên con số 9.000.000 m2. Tiện ích dễ thấy nhất của mô hình này là chi phí mặt bằng thấp, không gian linh hoạt tiện dụng và dễ dàng thay đổi.

Bản thân Airbnb cũng đang tìm thấy cơ hội lớn tại Ấn Độ. Riêng trong năm 2018, Airbnb đã mở rộng đến 100 thành phố cùng 54.000 căn hộ cho thuê tại Ấn Độ, mang về cho người sở hữu chúng 800.000 lượt khách cùng 28 triệu USD doanh thu. Và đó mới chỉ là một phần rất nhỏ tại thi trường 1,3 tỷ dân này. Airbnb cũng ước tính hiện Ấn Độ có 240 triệu trong tổng số 450 triệu thanh niên thuộc thế hệ thiên niên kỷ đang sống trong các thành thị, tạo nên một tiềm năng khai thác lớn hơn bất kỳ khu vực hay quốc gia nào khác.

Sự phát triển của kinh tế chia sẻ tại Ấn Độ cũng cho thấy mô hình này đang giải quyết được một vấn đề mà đa số người trẻ gặp phải hiện nay, đó là năng lực tài chính. Ban đầu, mô hình chia sẻ được phát triển xung quanh các trường đại học và học viện, song các doanh nghiệp startup cũng cảm nhận được nhu cầu tham gia kinh tế chia sẻ của nhiều người trẻ mới đi làm khác. Hiện nay, 51% người tham gia kinh tế chia sẻ tại Ấn Độ ở độ tuổi dưới 30.

Trong lĩnh vực chia sẻ đồ nội thất, Furlenco hiện là công ty khởi nghiệp hàng đầu Ấn Độ. Hiện tại, doanh thu từ cho thuê nội thất ròng của họ đang đạt 25 triệu USD và được dự đoán có thể đạt đến 300 triệu USD trước năm 2023. Furlenco hiện đang phục vụ hơn 90.000 khách hàng tại Delhi, Noida, Hyderabad, Chennai, Pune và một số thành phố khác. Định hướng của công ty là phổ cập việc cho thuê đồ nội thất đơn giản và dễ dàng như đăng ký thuê bao internet.

Thậm chí, hiện các công ty trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ đang tạo nên một hệ sinh thái phục vụ mọi nhu cầu của người dùng. Khi chuyển đến một thành phố mới tại Ấn Độ để làm việc, bạn có thể thuê xe của Zoomcar, Zipcar hay Revv; hay đi chung xe với người khác qua BlaBlaCar, Uber Pool, Ola Share; thuê quần áo qua Rent the Runway, Stage3; thuê đồ thể thao qua ShareWood; thuê dù qua Nestia; thuê xe đạp qua Lime; thuê xe máy qua Bounce, Yulu; thuê đồ nội thất qua Furlenco, Rentmojo, GrabonRent và thuê cả không gian làm việc qua SmartWorks.

Tại Mỹ, theo thống kê của Vision Crtitical, mô hình kinh tế chia sẻ nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ: Chỉ trong năm 2018, đã có hơn 110 triệu người tại Bắc Mỹ tham gia các loại hình kinh tế chia sẻ. Có hơn 51% người Mỹ đang trực tiếp tham gia chia sẻ tài sản của mình. Tính riêng tại Bắc Mỹ, khu vực kinh tế chia sẻ đã đạt tốc độ gia tăng 25%/năm tính đến tháng 4/2019. 8 trên 10 người Mỹ mong muốn tham gia vào nền kinh tế chia sẻ tính đến năm 2017. 84% người Mỹ hiện nay đã biết tới và sử dụng Craiglist, một website cho phép người tham gia trao đổi đồ dùng và dịch vụ của mình. 43% giới trẻ hiện nay cho biết việc mua và sở hữu tài sản khiến họ cảm thấy là một gánh nặng.39% những người tham gia chia sẻ và kiếm được tiền nằm trong độ tuổi khá trẻ, từ 18 đến 24.

Nhưng còn đó những thách thức

Cục Dự trữ Liên bang khảo sát cho thấy, tốc độ phát triển số lượng công việc trong khu vực kinh tế chia sẻ chưa thực sự ấn tượng hay hứa hẹn sẽ chiếm một tỷ lệ lớn trong tương lai gần. Năm 2018, chỉ có 3% người trưởng thành báo cáo mình đang làm tài xế cho dịch vụ đi nhờ xe như Uber hoặc Lyft, nhỏ hơn nhiều số người tham gia bán hàng ngoài trời hay làm những việc nhỏ như dắt chó hay trông nhà. Mặc dù các nền tảng trực tuyến đã giúp người Mỹ kiếm được nhiều việc làm thời vụ hơn, song tại một số bang, việc yêu cầu lao động hợp đồng được hưởng quyền lợi như một nhân viên chính thức, với mức lương tối thiểu theo giờ, được hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các biện pháp bảo vệ giống như các lao động toàn thời gian khác, nhằm đưa lao động trong khu vực kinh tế chia sẻ vào nhóm nghề truyền thống, lại nằm ngoài lơi ích của một số công ty tham gia kinh tế chia sẻ. Các giám đốc điều hành các dịch vụ đi nhờ xe luôn muốn coi các tài xế của mình như những khách hàng sử dụng dịch vụ hơn là người lao động nhằm giảm thiểu chi phí và từ đó duy trì giá dịch vụ thấp để lôi kéo người dùng. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất lịch sử 3,5%, người lao động tại Mỹ vẫn ưu tiên các lựa chọn công việc bán thời gian có phúc lợi và cơ hội thăng tiến hơn các công việc thời vụ từ các công ty kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ hữu ích trong việc giúp người lao động có thêm chút tiền mặt, song nó cũng có nhược điểm lớn đối với những người muốn có thu nhập vững chắc, có thể dự đoán được và muốn có sự bảo vệ khỏi những thăng trầm của nền kinh tế - hoặc cho những người sử dụng lao động cần một lực lượng lao động hợp tác, đáng tin cậy và trung thành.

Những vấn đề tại Mỹ hiện cũng đang là vấn đề phổ biến tại nhiều nơi khác trên thế giới. Ngoài ra, vẫn còn nhiều thách thức tồn tại mà cả các doanh nghiệp lẫn chính phủ đang cố gắng giải quyết. Đầu tiên, thách thức mà các công ty kinh tế chia sẻ gặp phải đa phần là đảm bảo chất lượng của sản phẩm và dịch vụ cho thuê. Khách hàng cũng có những đòi hỏi riêng và thường chủ nhân của dịch vụ/tài sản cho thuê phải tự đáp ứng nhu cầu đó. Điều này khiến công ty trung gian dễ bị đánh giá tiêu cực khi không thể sàng lọc hết các chủ nhà hay tài sản có vấn đề.

Tiếp đến, vấn đề an ninh cũng rất khó được đảm bảo. Các công ty hầu như chỉ có thể sàng lọc những người đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ và tài sản dựa trên thông tin họ tự khai. Việc liệu chính bản thân người đăng ký có thực sự cung cấp dịch vụ/tài sản hay không cũng lại là một vấn đề khác. Đặc biệt, khi có sự cố xảy ra, nhất là khi người cung cấp dịch vụ lại không phải là người đăng ký ban đầu, thì ai là người phải chịutrách nhiệm trước pháp luật và chịu đến đâu lại luôn là vấn đề mà người đi thuê lo lắng.

Cuối cùng, hiện nay pháp luật tại nhiều quốc gia còn chưa theo kịp và phân loại quản lý các dịch vụ kinh tế chia sẻ. Tất cả các bên liên quan gồmdoanh nghiệp, chính quyền địa phương, cộng đồng hoặc người tiêu dùng – hoạt động và tồn tại giữa sự chồng chéo và thiếu thốn của các quy định từ địa phương, chính phủ mà không có sự chắc chắn nào về pháp lý. Các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ, chính sách thuế, chính sách quản lý không những có thể ảnh hưởng đến không gian hoạt động mà còn có thể ảnh hưởng đến giá dịch vụ của loại hình kinh tế chia sẻ. Bản thân người lao động cũng chưa được đảm bảo quyền lợi mạnh mẽ khi tham gia kinh tế chia sẻ. Để kinh tế chia sẻ duy trì được sự hấp dẫn của mình, giá cả và chất lượng dịch vụ là những yếu tố quan trọng nhất mà các công ty quan tâm nhằm cạnh tranh trong môi trường đầy mới mẻ này.

Ths.Nguyễn Trần Minh Trí