Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc với các đối tác quan trọng tại Bỉ và châu Âu

05:09 10/09/2021

Trong nỗ lực tìm kiếm các nguồn vắc-xin, nhất là vắc-xin ngừa Covid-19 và thực hiện chiến lược ngoại giao vắc-xin, Bộ Công Thương đã tích cực tìm kiếm các đối tác thích hợp tại Bỉ và châu Âu...

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho hay, hôm 8/9/2021 vừa qua, bên lề chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Bỉ và EU, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi gặp và làm việc với Tập đoàn Univercels; các đối tác tài chính, Cơ quan Thương mại và Đầu tư vùng Wallonie.

Các bên đã trao đổi nhiều nội dung về khả năng hợp tác sản xuất, vắc-xin ngừa Covid-19, thuốc chữa bệnh, sản phẩm “y tế đơn”.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi gặp làm việc với đại diện Tập đoàn Univercells và các đối tác tài chính, Cơ quan Thương mại và đầu tư vùng Wallonie

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi gặp và làm việc với đại diện Tập đoàn Univercells; các đối tác tài chính, Cơ quan Thương mại và đầu tư vùng Wallonie.

Được biết, trong nỗ lực tìm kiếm các nguồn vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin ngừa Covid-19 và thực hiện chiến lược ngoại giao vắc-xin, thời gian qua Bộ Công Thương đã luôn tích cực tìm kiếm các đối tác thích hợp và tại Bỉ

Trao đổi về ý tưởng cho các dự án trong tương lai tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn Univercells đã gặp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và bày tỏ sự quan tâm đến hợp tác đầu tư các cơ sở sản xuất vắc-xin tại Việt Nam, sản xuất các sản phẩm y tế thích ứng từng cá nhân.

Cùng với đó, vị đại diện của Tập đoàn Univercells cũng đã cởi mở chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nhân viên sản xuất vắc-xin, thậm chí có thể kết nối với nhiều đối tác để có nguồn tài chính thích hợp cho các dự án hợp tác.

Univercells Group (UNVC) là Tập đoàn cung cấp các giải pháp sản xuất sinh học tại Bỉ. Tập đoàn này phát triển các lò sinh phẩm vi-rút và nuôi cấy tế bào tự động trong lĩnh vực công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe. Được thành lập vào năm 2013 tại Gosselies, Hainaut, Bỉ bởi Hugues Bultot, Univercells đã thu hút được tổng cộng 94,5 triệu đô la Mỹ sau 6 lần huy động vốn. Nguồn vốn mới nhất của họ đã được huy động vào ngày 18/2/2020 từ quỹ đầu tư nước ngoài. Công ty được 10 nhà đầu tư góp vốn, gần đây nhất là Kohlberg Kravis Roberts và ClubDeal. Công ty cung cấp các nền tảng và giải pháp sản xuất sinh học mới nhằm cung cấp các loại chế phẩm sinh học có sẵn và giá cả phải chăng bằng cách dựa trên các công nghệ cốt lõi độc quyền và cách tiếp cận theo quy trình nhanh và liên tục.

UNVC đã cho ra đời Exothera, tổ chức được phép sản xuất và phát triển công nghệ của Univercells theo hợp đồng (CDMO). Vào tháng 3/2020, tổ chức này sẽ tập trung vào phát triển công nghệ vectơ vi-rút nhắm mục tiêu, một liệu pháp tế bào và gen và phát triển vắc xin. Exothera sẽ được triển khai ở Jumet, Bỉ. Các dịch vụ của Exothera sẽ bao gồm việc giúp các công ty tối ưu hóa việc phát triển và sản xuất theo công nghệ véc tơ đồng thời xây dựng các cơ sở kinh doanh sản thương mại phục vụ khách hàng tại đây. Exothera có kế hoạch nghiên cứu vắc-xin cho Covid-19 thông qua hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu vắc-xin và cung cấp các dịch vụ sản xuất.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã chia sẻ quan điểm với Tập đoàn Univercells về tầm nhìn và các giải pháp xây dựng một hệ thống y tế tự chủ lâu dài, trong đó cần coi trọng tự chủ về vắc-xin.

Bộ trưởng bày tỏ vui mừng khi thấy Tập đoàn Univercells đã mong muốn hợp tác với Việt Nam trong công nghệ sinh học và đề xuất những đường hướng phù hợp với thực tế phát triển hạ tầng công nghệ sinh học tại Việt Nam. Điều này là cơ sở tốt để hai bên có thể tìm được những đối tác và hình thức hợp tác phù hợp để hợp tác sản xuất vắc-xin, không chỉ riêng vắc-xin ngừa Covid-19 mà còn các loại vắc-xin khác. Đồng thời, đây cũng là thuận lợi khởi đầu trong việc tìm đối tác và hình thức hợp tác phù hợp để hợp tác sản xuất các loại thuốc, sản phẩm y tế; biến đây thành một ngành công nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho Việt Nam và Univercells.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra đề xuất với năng lực của Việt Nam, Tập đoàn Univercells khi sản xuất và hợp tác với Việt Nam có thể tiếp cận và cung ứng toàn khu vực ASEAN, châu Á. Bộ trưởng đề nghị Univercells sớm gửi đề xuất chính thức nêu rõ mục đích, nội dung và khả năng hợp tác để phía Việt Nam nghiên cứu và phản hồi.

Với tư cách Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ dự án của Univercells tại Việt Nam để dự án sớm trở thành hiện thực sau khi được các Bộ, ngành phía Việt Nam xem xét, trao đổi.

Cũng khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và phái đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Bỉ, sáng 9/9 tại Thủ đô Brussels, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp ông Jerome Pero, Tổng Thư ký Hiệp hội hàng thể thao châu Âu (FESI) và đại diện Tập đoàn Nike.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp ông Jerome Pero, Tổng Thư ký Hiệp hội hàng thể thao châu Âu (FESI)

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp ông Jerome Pero, Tổng Thư ký Hiệp hội hàng thể thao châu Âu (FESI).

Đây là hai đơn vị mong muốn trao đổi về khả năng hỗ trợ Việt Nam về phòng dịch Covid-19 như thiết bị xét nghiệm, thiết bị vệ sinh nhà xưởng.

Ông Jerome Pero bày tỏ chia sẻ về tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế các quốc gia trong đó có Bỉ và Việt Nam và những khó khăn mà Việt Nam đang phải đổi mặt, đồng thời tin tưởng với kinh nghiệm phòng chống dịch trong giai đoạn vừa qua, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua. Ông cũng cho biết, đang làm việc với các đối tác của Hiệp hội để giúp đỡ Việt Nam chống chọi với dịch bệnh. FESI đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen, đề nghị hỗ trợ vaccine phòng chống Covid-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Trong buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định FESI và Nike là những đối tác đồng hành cùng ngành sản xuất và xuất khẩu đồ thể thao và giầy dép của Việt Nam từ nhiều năm nay. Việt Nam cũng là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành này. Bộ trưởng ghi nhận những đề xuất của các doanh nghiệp và nhất trí ủng hộ việc mở lại các hoạt động sản xuất tại Việt Nam và hi vọng FESI và Nike sẽ có tiếng nói hữu hiệu với EU và chính quyền Mỹ tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất nguồn vaccine thông qua cơ chế COVAX hoặc thương mại. Đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày thì việc đảm bảo nguồn vắc-xin cho lao động là điều kiện tiên quyết và căn cơ để khôi phục và duy trì sản xuất lâu dài thích nghi với tình hình và sống chung cùng bệnh dịch. Nike hiện sử dụng 150.000 lao động tại Việt Nam.

Ngân Phương (Nguồn: Bộ Công Thương)