Bộ Công Thương giải đáp nhiều vấn đề nóng về kinh doanh xăng dầu, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt

16:57 12/03/2021

Chiều 12-3, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp báo thường kỳ, nhiều vấn đề liên quan đến kinh doanh xăng dầu, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt...đã được báo chí quan tâm, đặt câu hỏi.

Ảnh toàn cảnh
Toàn cảnh buổi họp báo.

Thương mại duy trì đà tăng tích cực

Thông tin chung tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, 2 tháng đầu năm 2021, so với diễn biến chung của thế giới thì kinh tế, thương mại Việt Nam vẫn duy trì được đà tích cực hơn. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD)...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại buổi họp báo.

Để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 (số 28/TB-VPCP ngày 17 tháng 02 năm 2021); Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) cho các địa phương vùng có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương luôn chú trọng đến nguồn cung hàng hóa cơ bản, thiết yếu và hàng hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương. Theo báo cáo của các địa phương, thị trường cơ bản không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19.

Dự thảNghị định 83 sửa đổi đang chờ Chính phủ thông qua

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong thời gian qua, việc kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 của các thương nhân kinh doanh xăng dầu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương về cơ bản đã được thực thi, đáp ứng tốt những yêu cầu của Nghị định.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, giám sát, vẫn có một số thương nhân kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu vi phạm theo Nghị định 83, như việc duy trì điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, hay có những quy định cụ thể liên quan đến chức năng quản lý của Bộ, ngành khác như vấn đề chất lượng, pha chế…

"Thời gian qua, Bộ phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường đã thực hiện một số hoạt động liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, như thường xuyên có đoàn kiểm tra giám sát, quan tâm đến hậu kiểm.

Gần nhất, từ cuối năm 2020 đến nay, Bộ đã phối hợp kiểm tra, hậu kiểm một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và đã có kết quả ban đầu. Chúng tôi sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền, cũng như lãnh đạo Bộ để xử lý nghiêm thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm theo Nghị định 83 cũng như theo khuyến nghị của cơ quan chuyên ngành”- ông Đông thông tin.

Liên quan đến hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ sở pháp lý trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông cho biết, sau nhiều lần họp, chỉnh sửa, ban soạn thảo đã hoàn thiện bản dự thảo lần 5 và trình Chính phủ, xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

"Tôi hi vọng đây là bước cuối cùng để Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng được thực thi. Với Nghị định này, Ban soạn thảo đã tổng hợp tất cả những bất cập trong thời gian vừa qua để đưa vào sửa đổi. Hi vọng sau khi sửa đổi sẽ xử lý được những vướng mắc trong lĩnh vực xăng dầu thời gian qua", ông Đông nói. 

Theo đó, một số vướng mắc mà Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhắc đến là quy định về phát triển nhà phân phối làm sao cho minh bạch hơn, rõ ràng hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào thực chất; hay vấn đề về an toàn, chất lượng xăng dầu; vấn đề hạn ngạch mức nhập khẩu tối thiểu cũng có những đề xuất hợp lý hơn.  

Ông Trần Duy Đông cũng cho biết, khi xây dựng dự thảo này, một số Hiệp hội xăng dầu có đề xuất bỏ phòng thử nghiệm chất lượng trong các doanh nghiệp pha chế, đầu mối. Tuy nhiên, đây là yếu tố tiên quyết liên quan đến chất lượng, an toàn, an ninh xăng dầu nên ban soạn thảo vẫn kiên quyết giữ.

Định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá điện theo cơ cấu nguồn điện mới trong Tổng sơ đồ VIII và vấn đề xem xét cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định 28, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, hiện nay cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang được thực hiện theo Quyết định 24 ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện, hiện nay Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục chỉ đạo và điều hành giá điện theo đúng quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.

Về sơ đồ điện VIII, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương xem xét và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới. Cụ thể, trong tổng sơ đồ điện VIII sẽ có quy hoạch về phát triển các nguồn điện trong giai đoạn tới cũng như dự kiến khối lượng, định hướng phát triển của lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Song song với đề án này, Bộ Công Thương cũng đã có đưa ra chi phí cận biên trong khâu nguồn, chi phí cận biên lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối.

Song song với việc xây dựng tổng sơ đồ này, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng các khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2021 – 2026. Về nguyên tắc, khung giá bán lẻ điện này sẽ bám sát vào các khối lượng đầu tư trong khâu phát điện, khâu truyền tải cũng như phân phối.

Về vấn đề điều hành giá điện, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện việc điều hành giá điện theo đúng quy định tại Quyết định 24 cũng như định hướng về vấn đề điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Đối vấn đề xem xét cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định 28, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020 Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Đề án này cũng đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, các địa phương cũng như báo cáo xin ý kiến rộng rãi của khách hàng sử dụng điện. Trên cơ sở đánh giá, góp ý kiến của các đơn vị của khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo đó Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 28 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phục vụ cho các khách hàng sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, hành chính sự nghiệp để đảm bảo phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện khách hàng. “Sau khi hoàn chỉnh phương án này,  Bộ Công Thương cũng sẽ lại một lần nữa lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành và các đơn vị trước khi hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trong tháng 3 và những tháng tiếp theo của năm 2021, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh;

Hai là, dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Ba là, đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Bốn là, tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.

Năm là, tăng cường phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19.

Sáu là, tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch….

Gia Minh