PV: Dịch COVID-19, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mà còn gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa lúc này được xem là “mảnh đất” tiềm năng. Vậy ông  nhận định nào về tiềm năng này đối với các doanh nghiệp bán lẻ Việt trong việc tận dụng cơ hội để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng?

Ông Vũ Vinh Phú: Trước hết, bàn về ảnh hưởng của đại dịch thì Covid-19 gây ra xáo trộn về chuỗi cung ứng, về chi phí vận chuyển, về ách tắc hành chính, rồi sản xuất không có đầu ra, không có người thu hoạch, giá cả thì thấp, mà trong khi đó ở ngoài người làm ăn tốt cũng có mà người lợi dụng cũng có. Lúc này cơ quan quản lý chỉ bận chống dịch và lo đời sống nhân dân nên đôi lúc còn kiểm soát chưa được chặt chẽ lắm và gây ra nhiều vấn đề. Đặc biệt đối với ngành bán lẻ cũng đã phải gánh chịu ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa hàng loạt rồi cho thuê mặt bằng. Đấy chính là những khó khăn từ đại dịch. Thế nhưng cũng có những điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh. Điểm sáng thứ nhất chính là bán hàng online, khi việc giao dịch bán hàng, đi lại của người dân bị hạn chế do các lệnh giãn cách thì lúc này shipper lại tích cực hoạt động, bình quân đã tăng trưởng 30% trong 9 tháng vừa rồi. Xu hướng kinh doanh online đã đặc biệt trở nên nổi trội trong bối cảnh đại dịch. Các công ty tư nhân, công ty nhà nước và cả các siêu thị, thậm chí là các chợ đều thông qua mạng, qua điện thoại, qua facebook, qua zalo để bán đủ các loại mặt hàng. Cái thứ hai nổi lên trong những tháng dịch là trong khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chợ và một số siêu thị phải đóng cửa. Ví dụ tại Sài Gòn, 3/4 chợ phải đóng cửa, trong đó các chợ đầu mối phải đóng cửa hết. Tại Hà Nội có khoảng một chục siêu thị và 3,4 chợ đầu mối đóng cửa. Trong giai đoạn dịch bệnh này vẫn nổi lên một số nơi bán rất tốt như Masan hay Sài Gòn Corp.Cái thứ ba nổi lên chính là thương mại toàn dân, như việc chia sẻ, bán hàng 0 đồng, rồi những chuyến xe hàng đi thẳng từ nơi sản xuất đến các phường, xã, thị trấn. Những cái đó mình gọi là thương mại toàn dân nở rộ trong bối cảnh đại dịch. Những điều đó đóng góp rất nhiều cho đời sống người dân và làm dịu đi cả giá cả.

Một vấn đề khác mà chúng ta đều thấy rằng, cơ cấu tiêu dùng của người dân trong mùa dịch cũng đã thay đổi, đây cũng là cơ hội đối với các doanh nghiệp trong nước nếu biết cách linh hoạt và nắm bắt thị trường.  Người tiêu dùng trong dịch chủ yếu là mua hàng thiết yếu như thịt, rau cá, khẩu trang, găng tay, giấy vệ sinh,.. còn những mặt hàng quần áo hay nội thất thì không phải là lựa chọn của người dân trong mùa dịch. Đây chính là thời cơ cho các doanh nghiệp bán lẻ mà làm ăn tử tế, và tổ chức được nguồn hàng tốt. Những thương hiệu bán lẻ lớn trong nước như VinMart, Sài Gòn Corp, Hapro, BRG hay một số doanh nghiệp nước ngoài như Big C cũ hay Metro cũ đều chứng kiến lượng người mua tăng vọt.

Tuy có nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt, biến thách thức thành cơ hội, tuy nhiên cũng phải kể đến nhiều doanh nghiệp bán lẻ lợi dụng thời cơ để kinh doanh sai phạm. Có thể kể đến Bách Hóa Xanh với hàng loạt sai phạm như nâng giá, sai giá, cân sai, không niêm yết giá dẫn đến việc hàng chục cửa hàng bị phạt, đó là bài học của quy luật nhân quả, gieo nhân nào gặp quả ấy. Bách hóa xanh là con đẻ của Thế giới di động, sau khi dư luận lên tiếng tẩy chay, chứng khoán của họ đã thụt mất 500 tỷ. Đây vốn là thời kỳ mà giá rất rẻ, nông dân đổ bán ra rất nhiều, và đây cũng là lúc phải chia sẻ, phải làm ăn tử tế hơn chứ không phải lợi dụng thời cơ để đẩy giá. Trước đây tôi đã tham gia Hiệp hội bán lẻ, nhưng sau 11 năm thì rời Hiệp hội, tôi nghĩ rằng Hiệp hội ngoài việc trao bằng khen thì cũng nên đưa cả những hình thức khiển trách. Những thói quen khuyến mãi không hợp lý, lừa lọc khách hàng, chiết khấu cao, hành hạ người giao hàng cần phải đưa ra khiển trách thật nặng. Ngoài ra, tại các siêu thị lớn hiện nay còn xảy ra tình trạng nhận phong bì, lấy chiết khấu cao của những nhà sản xuất. Chính vì thế mà dễ xảy ra tình trạng những người cung cấp sạch do không được các siêu thị lựa chọn mà đã chuyển sang bán những mặt hàng bẩn ở thị trường với giá thấp hơn để dễ dàng cạnh tranh. Điều này làm hình thành nút thắt giữa người sản xuất và nhà phân phối. Người sản xuất thì thiệt, nhất là những người sản xuất sạch, khi mà họ đầu tư gấp 2,3 lần nhưng không thể được chọn làm nguồn cung cấp hàng hóa cho các siêu thị lớn.

Bối cảnh mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo trong mô hình kinh doanh để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới. Theo ông các doanh nghiệp bán lẻ Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đổi mới những chiến lược kinh doanh (từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ) thế nào để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nội địa, đặc biệt là trong những tháng cuối năm khi nhu cầu hàng hóa tăng cao.

Ông Vũ Vinh Phú: Cần nói về xu hướng tiêu dùng mới, trước khi  bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Theo tôi, có 5 xu hướng tiêu dùng mới. Thứ nhất là tăng cường mua online, sau dịch chúng ta vẫn thấy người tiêu dùng ưa chuộng phương thức mua hàng online.  Xu hướng thứ 2 là tiết kiệm, cái này thì lý do cũng rất dễ hiểu bởi mức thu nhập giảm đồng nghĩa chi tiêu người dùng sẽ thắt chặt hơn. Xu hướng thứ 3 là chọn lựa kỹ. Như tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Trường có tên là “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, trong thị trường cũng tồn tại những “con ma bán lẻ”, người dùng cũng đã sợ và cảnh giác đến các mặt hàng và tìm đến các thương hiệu tử tế. Xu hướng thứ 4 là mua sắm dồn, những thứ gì mua tích được thì sẽ mua tích trữ. Xu hướng cuối là xu hướng cạnh tranh quyết liệt, trong đó bao gồm cả cạnh tranh công bằng và cạnh tranh không công bằng. Cạnh tranh công bằng là cạnh tranh bằng chất xám, bằng hàng hóa chất lượng, bằng thái độ văn minh. Còn cạnh tranh không công bằng là cạnh tranh theo kiểu cá lớn nuốt cá bé. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính có nói là “Rủi ro chia sẻ, lợi nhuận hài hòa”, thế nên xu hướng này vẫn đang trong quá trình khắc phục. Hiện nay, giao dịch mua bán tại thị trường Việt Nam vẫn tồn tại một mãn tính là không công khai minh bạch. Một số siêu thị có thế mạnh làm ăn không tử tế và không có tính chia sẻ, tự định ra những chế độ oái oăm cho nhà cung cấp.

Đứng trước tình thế ấy, câu hỏi được đặt ra là doanh nghiệp cần đổi mới thế nào? Đối với doanh nghiệp, rõ ràng phải xây dựng thương hiệu, phải làm ăn tử tế, phải quản trị doanh nghiệp, phải đẩy năng suất lao động, phải tổ chức thu mua nguồn hàng tận gốc và tạo niềm tin cho người khách hàng. Đó là những thứ mà doanh nghiệp cần phải chuẩn bị, mà trước hết theo tôi, chủ doanh nghiệp trước hết phải có một cái đầu thông thoáng, phải biết giám sát kiểm tra, phải có sự tử tế để điều hành đội ngũ bán hàng tử tế, nhân viên từ trên xuống dưới phải được đồng bộ trong công tác quản lý. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần chấp nhận sự cạnh tranh để tồn tại lâu dài trên thị trường.

Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương có vai trò thế nào trong công cuộc phục hồi bối cảnh bản lẻ sau đại dịch, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Về phía cơ quan quản lý, sau dịch cần phải tổ chức lại hệ thống phân phối. Hiện ở cả nước có khoảng 9.000 chợ, 4.000 – 4.500 cửa hàng/ siêu thị mini, 272 trung tâm thương mại, tuy nhiên đáng buồn là từng đó lại không đủ sức đảm nhiệm đầu ra cho hàng Việt. Có nhiều lý do cho việc này, thứ nhất là có thể do hệ thống các siêu thị còn ít so với số lượng hàng hóa, và thứ hai là thiếu sự chia sẻ đối với hàng Việt.

Tôi cho rằng vai trò quản lý trong mùa dịch có một số vấn đề. Trong văn bản Bộ Công thương rất quyết liệt nêu rõ, chúng ta phải bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai giá, xử lý nghiêm các vi phạm đầu cơ tích trữ nhưng thực chất lại chưa vụ nào công bố trong khi đội ngũ quản lý thị trường thì rất nhiều, tôi cho rằng vấn để quản lý nhà nước đang trở nên vô vị. Hiện ở châu Á thì chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc là còn tồn tại quản lý thị trường, nhưng vai trò thì còn chưa thấy rõ. Thực tế là sau khi hết giãn cách, trứng rau giảm 30% ngay lập tức mà cũng đâu cần đến quản lý thị trường, mà cũng không cần đến bình ổn giá Ngoài ra bao năm nay, hàng giả, hàng lậu vẫn tràn ngập thị trường, mà như chúng ta có thể thấy rất rõ như ở chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, La Phù ở huyện Hoài Đức làm bánh kẹo giả hàng chục năm nay hay Thổ Tang thuộc tỉnh Vĩnh Phúc làm đồng hồ giả, giày dép túi xách giả. Những vấn đề này có gắn cả đến vai trò của chính quyền địa phương chứ không chỉ là quản lý thị trường. Vấn nạn này tồn tại hàng chục năm nay nhưng chưa được xử lý.

Thị trường bán lẻ của Việt Nam có tiềm năng nhưng lại thiếu tính cạnh tranh đầy đủ. Có sự xuất hiện của yếu tố độc quyền, thống lĩnh trong mua bán hàng hóa, và người thua thiệt nhất chính là người sản xuất hàng hóa Việt Nam, điều này làm cản trở cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo tôi lúc này, cần có sự vào cuộc từ cơ quan quản lý đóng vai trò như một trọng tài để bảo vệ công lý, bảo vệ công bằng cho người sản xuất. Hiện nay, việc quản lý nhà nước vẫn cỏn yếu kém và không có tiếng nói công bằng. Trong khi Mỹ và EU chưa công nhận là kinh tế thị trường, còn tại Việt Nam, trong Ngị quyết 13 đều nhắc một câu là “Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý nhà nước”. Chính lúc này, cơ quan quản lý phải lên tiếng.

Về vai trò của chính quyền địa phương, tôi cho rằng chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính về những diễn biến tại địa phương về thương mại, điển hình như buôn hàng lậu, buôn hàng giả, buôn hàng cấm. Như tại Long An hay ở Tây Nam Bộ, buôn lậu thuốc lá và đường cát vẫn tràn lan, lúc này chính quyền địa phương vẫn chưa phát huy được vai trò của mình, và câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao không xử lý mạnh tay vào chính quyền địa phương. Cho nên là những điều này sẽ làm chết những người làm ăn chân chính, chứ những người làm ăn phi pháp thì lại giàu có hơn, đây là một nghịch lý buồn. Hay như tại các chuyến tàu đến Bắc Giang, hàng loạt hàng lậu được quẳng xuống, bây giờ như thời điểm sát Tết thì hàng lậu đang rất nhiều ở kho, những lúc thế này lại không thấy bóng dáng công an hay chính quyền địa phương ở đâu cả.

Ranh giới giữa nhà buôn chân chính và gian thương rất mỏng manh,đôi khi chỉ bằng một sợi chỉ. Những hành vi trốn thuế, bán hàng kém chất lượng, bán gian, lừa đảo, nâng giá được gọi là gian thương, còn bán hàng tử tế như Coop Mart, Hapro (hạ giá không lợi nhuận) thì gọi là chân chính, trong thị trường luôn xuất hiện song song hai hình ảnh ấy.  Hải quan quản lý thị trường biên phòng trong khi đó lại “mắt nhắm mắt mở”. Như vừa rồi đã tiến hành bắt Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ và một người ở Cục Quản lý thị trường Trung Ương, rồi hải quan biên phòng thì cũng “bắt như cua”. Tôi đưa ra một vài trường hợp để thấy được rằng quản lý nhà nước còn yếu kém và tiêu cực. Cho nên, hãy làm trong sạch đội ngũ chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu.

Địa phương là nơi gần dân, gần người sản xuất, gần người lưu thông và cũng rất am hiểu thị trường. Nhưng vẫn đề là cái não bộ địa phương có sáng tạo hay không hay chỉ mải đi lo việc khác như thuế má, cấp phép xây dựng mà công việc này lại bỏ lơi. Điển hình như công việc chống hàng giả và hàng kém chất lượng vẫn đang chỉ là phong trào, lúc lắng xuống lúc đi lên giống như “đồ thị hình Sin”. Những lúc báo chí phản ảnh thì bắt đầu ra quân, rồi lại lắng xuống. Tôi đánh giá là vai trò của địa phương sẽ là rất hay nếu như làm tử tế, còn sẽ rất dở nếu như buông lỏng, trong triết học còn gọi là “sự thống nhất trong sự đối lập”, một con người đó nhưng có hai mảng – mảng tử tế và mảng không tử tế. Nếu tử tế thì sẽ sát dân, thương dân, hiểu dân còn nếu không tử tế thì sẽ bỏ lơi, tiêu cực.

Trong bối cảnh như hiện nay, ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp trong câu chuyện làm chủ thị trường nội địa 100 triệu dân thay vì chỉ mải mê"chinh chiến" ở thị trường xuất khẩu như trước đây?

Ông Vũ Vinh Phú: Thị trường nội địa thì không chỉ Việt Nam mà các nước đều đánh giá là rất tiềm năng. Bởi đây là thị trường với 96 triệu dân, dân số trẻ chiếm 50%, xu hướng mua sắm của giới trẻ cũng khá lớn. Thế nhưng tiềm năng vẫn ở trong tiềm năng, nếu nó chưa trở thành động năng. Điều này chủ yếu là do chúng ta, vấn đề đặt ra là liệu anh có biết khai thác không, anh có biết tổ chức lại hệ thống phân phối tử tế không, anh có quản lý tốt không,... Thực chất, thị trường Việt Nam rất tiềm năng, chúng ta có thể thấy rõ trong bối cảnh đại dịch. Nhưng tiềm năng thì ở đó và thậm chí đang để nước ngoài khai thác, xâm chiếm thị trường và “móc hầu bao” của người tiêu dùng, của nhà sản xuât Việt. Tôi   nhắc lại một câu rất quen thuộc của cụ Lê Nin rằng: “Đi với hươu nai thì hiền lành, đi với chó sói phải biết hét”. Hiện nay có rất nhiều “chó soi” mà nếu không biết hét thì sẽ bị ngoạm. Giống như các siêu thị Việt nhỏ yếu thế hơn bây giờ, nếu không có gì nổi bật hơn sẽ bị những siêu thị ngoại hay những siêu thị lớn hơn giết chết. Vậy thì bây giờ cần phải cải tiến năng suất lao động, cản tiến việc thu mua nguồn hàng, xây dựng thương hiệu, liên kết lại với nhau. Hiện nay nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt còn liên kết kém, không chịu đổi mới sáng tạo, không xây dựng văn hóa kinh doanh là cái gốc, và thời đại ngày nay không đưa công nghệ số vào quản lý. Để tiềm năng biến thành động năng thì phải thực hiện những bước chuyển biến như thế. Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam ví như chiếc thuyền thúng, phải kết lại với nhau để nếu ra biển thì không bị đánh sập.

Theo ý kiến cá nhân tôi, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải sớm thức tỉnh vai trò của mình, phải bảo vệ những người làm ăn chân chính, phải thiết lập sự công bằng trong kinh doanh, trong quản lý, thiết lập hạ tầng thương mại. Hiện hạ tầng không đầy đủ khiến cho việc mua bán bị ép nhau. Thị trường Việt Nam sẽ không thể phát triển nhanh được nếu không giải quyết được những vấn đề đó. Tên cuộc vận động, khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” rất hay, ý nghĩa nhưng lại chưa đi được vào thực tiễn một cách đầy đủ. Thay vào đấy, trong bối cảnh như hiện nay thì đúng hơn phải là “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Người làm quản lý về thương mại phải sát với dân, sát với người sản xuất, sát với bán lẻ thì mới có thể làm chính sách, mới có thể hiểu được thị trường.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Bảo Bảo – Duy Đức (t/h)