Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong: Những bứt phá đáng ghi nhận!

16:47 04/02/2023

Mùa Xuân đã về và kế hoạch công tác năm 2023 đang được triển khai thực hiện. Mặc dù được xác định rất sớm là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa nhưng nhiều năm qua, khu kinh tế (KKT) Bắc Vân phong vẫn chưa được đánh thức. Đến vài năm gần đây, nhất là từ năm 2022, khi Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội liên tục có những Nghị quyết mới về phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 thì vùng đất này chuyển mình mạnh mẽ, theo đó Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (BQL) cũng đã có những bứt phá đáng ghi nhận!.

Hiện nay, BQL có tổng số 48 công chức, viên chức và người lao động được phân bổ làm việc tại 06 phòng chuyên môn và 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; có Trưởng ban và 03 Phó Trưởng ban, cơ cấu tổ chức bộ máy tương đương một Sở; suốt nhiều năm qua, nhất là vài năm gần đây BQL đã vượt qua không ít khó khăn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến thời điểm hiện tại, BQL đã thu hút 150 dự án đầu tư tại KKT Vân Phong (122 dự án trong nước và 28 dự án có vốn ĐTNN) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện là 2,74 tỷ USD, trong đó có 96 dự án đã đi vào hoạt động (trong đó có Nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin, Kho xăng dầu ngoại quan), 54 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng (riêng vốn thực hiện trong năm 2022 đạt khoảng 14.025 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại dự án Nhà máy điện BOT Vân Phong 1); thu hút 57 dự án đầu tư tại KCN Suối Dầu (18 dự án có vốn ĐTNN và 39 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 300,78 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện 236,04 triệu USD, trong đó có 43 dự án đang hoạt động, 13 dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng, 01 dự án tạm dừng hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 96,7%. Đó là chưa kể BQL đang hoàn thiện các thủ tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng với tổng vốn đầu tư 1.807 tỷ đồng và trình Tỉnh ủy xem xét dự án Khu du lịch (KDL) Hòn Ngang - Bãi Cát Thắm với tổng vốn tăng thêm khoảng 21.500 tỷ đồng. 

Ảnh minh họa
Cụm công nghiệp Ninh Phước gồm: Nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin; Kho xăng xầu ngoại quan và Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. 

Ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, mở ra định hướng phát triển cho thời kỳ mới với yêu cầu và mục tiêu cao hơn, nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Ngày 21/3/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU. Ngày 16/6/2022, Quốc hội có Nghị quyết số 55/2022/QH15, cho Khánh Hòa thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động; trong đó ngày 25/02/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 590/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa” mà BQL là thành viên. Theo nhiệm vụ được phân công, ngay sau khi triển khai hoạt động, BQL đã tham gia nghiên cứu, đề xuất một loạt cơ chế chính sách liên quan đến KKT Vân Phong như phối hợp với Sở KH & ĐT tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ KH & ĐT; các Bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong; chủ động triển khai về nhim vụ thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực đầu tư vào các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT và phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ về môi trường, về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, BQL chủ trì tham mưu xây dựng Quyết định quy phạm pháp luật và tổ chức lấy ý của Bộ KH& ĐT và cơ quan, đơn vị liên quan, tổng hợp trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30/2022/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 quy định chi tiết về mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hoà. Đồng thời, làm việc với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp thống nhất nội dung và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3101/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 về ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án đầu tư trong KKT Vân Phong và các KCN thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. 

Ảnh minh họa
Cận cảnh Nhà máy nhiện điện BOT Vân Phong 1 đang thi công, một trong những công trình trọng điểm của KKT Vân Phong.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển KKT Vân Phong và xúc tiến đầu tư là hai nhiệm vụ trọng tâm của BQL. Trong những năm qua, nhất là năm 2022 BQL đã tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ các dự án:

- Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, vốn đăng ký 2,58 tỷ USD, công suất: 1.320MW, chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Tập đoàn Sumitomo). Đến tháng 12/2022, tiến độ thực tế đạt 86% so với kế hoạch, vốn giải ngân: 1,934 tỷ USD (đạt 75%). Dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại năm 2023. Ban quản lý đã phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi tiến độ triển khai xây dựng dự án, tình hình lao động tại công trường, công tác bảo vệ môi trường của dự án để kịp thời hỗ trợ Nhà đầu tư khi cần thiết.

- Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm: Đến tháng 12/2022 có vốn giải ngân khoảng 300 tỷ, hiện đang triển khai xây dựng. Ban quản lý đã phối hợp sở, ngành theo dõi và kiểm tra đôn đốc tiến độ triển khai dự án, hiện đang báo cáo UBND tỉnh để  thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng vốn và tiến độ cho dự án theo quy định, tạo điều kiện cho Nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

- Khu du lịch Dốc Lết Phương Mai: Hiện nay, Sở Xây dựng đang trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, dự án chậm tiến độ do công tác điều chỉnh quy hoạch chưa hoàn thành. Ban quản lý thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai dự án đối với nhà đầu tư, đồng thời có các văn bản đề nghị UBND thị xã Ninh Hòa đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, xử lý tình trạng xây dựng trái phép trên đất dự án để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án theo tiến độ đã đăng ký.

- KCN Ninh Thủy: Định kỳ 03 tháng thực hiện việc kiểm tra thực địa và thường xuyên đôn đốc tiến độ xây dựng hạ tầng để nhà đầu tư triển khai thực hiện. Do đang vướng công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng, nên Ban quản lý đã thường xuyên đôn đốc, đề nghị UBND thị xã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để có cơ sở cho nhà đầu tư triển khai dự án theo quy định.

- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng: Tổng vốn đầu tư 1.807 tỷ đồng, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, các cơ quan liên quan và nhà đầu tư đang phối hợp bổ sung các nội dung liên quan để trình phê duyệt.

- Phối hợp với Sở KH & ĐT rà soát danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách giai đoạn 2021-2025. Tham mưu lãnh đạo tỉnh thông qua định hướng xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030 gồm 30 dự án, nhóm dự án, thuộc 06 lĩnh vực ngành, nghề ưu tiên thu hút vào KKT theo Điều 7 Nghị quyết 55/2022/QH15.

Một nhiệm vụ khác cũng hết sức quan trọng là lãnh đạo BQL thường xuyên được tham gia các đoàn công tác của Bộ KH & ĐT, của tỉnh Khánh Hòa đến một số nước như: Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ấn Độ, Hàn Quốc để xúc tiến đầu tư và tìm hiểu, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh Khánh Hòa nói chung và KKT Vân Phong nói riêng trong các lĩnh vực công nghiệp, du lịch… Tham gia các hội nghị, hội thảo quảng bá hình ảnh KKT Vân Phong như: Tọa đàm trực tuyến với doanh nghiệp tỉnh Saitama, Nhật Bản khu vực phía Nam lần thứ 8 và với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Aichi lần thứ 42 thông qua nền tảng Zoom; tham gia đoàn công tác của tỉnh dự Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc 2022” tại tỉnh Bình Định vào tháng 5/2022; dự hội nghị trực tuyến Diễn đàn kinh doanh Xanh Pê-téc-bua - Khánh Hòa; hội thảo trực tuyến giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và Công ty Aron Flying Ship Ltd; tham gia đoàn công tác của Tỉnh ủy thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương và tập đoàn Becamex để xúc tiến đầu tư các dự án KCN trên địa bàn tỉnh theo đinh hướng quy hoạch mới; làm việc với Ban quản lý KKT Ulsan để trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư…

Bên cạnh đó, BQL cũng đã tiếp đón và xúc tiến đầu tư tại chỗ trên 20 đoàn khách đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào KKT Vân Phong trong nhiều lĩnh vực khác nhau như  điện khí, KCN, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: Tập đoàn Sungroup, Sumitomo, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova Land và Công ty Cổ Phần Đầu tư Đất Tâm, Công ty Cổ phần Tập đoàn  Flamingo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico, Công ty Cổ phần Stavian GFS Land, Công ty Cổ phần SSI, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Dầu khí Phương Đông, Công ty International Woodchip (Singapore)…; đồng thời hợp tác với các kênh báo chí để thực hiện tuyên truyền quảng bá hình ảnh KKT, KCN,...

Ngoài ra, công chức, viên chức BQL đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được UBND tỉnh giao như: Lập quy hoạch phân khu, xây dựng các khu chức năng trong KKT; quản lý hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong KKT và các KCN, theo đó năm 2022 ước doanh thu đạt 480 triệu USD; xuất khẩu đạt 399 triệu USD; nhập khẩu đạt 920 triệu USD; nộp ngân sách đạt 2.601 tỷ đồng (trong đó nộp ngân sách từ hoạt động trung chuyển xăng dầu khoảng 1.341 tỷ đồng); giải quyết việc làm cho 12.010 lao động (11.641 lao động Việt Nam và 369 lao động nước ngoài); tham gia giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quản lý đất đai; bảo vệ môi trường… 

Ảnh minh họa
Thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Hữu Hoàng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (bìa phải) trao cờ thi đua cho Ban Quản lý KKT Vân Phong.

Với sự nổ lực không biết mệt mỏi, mấy năm qua BQL đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Khánh Hòa năm 2021; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2022; được Bộ KH &ĐT tặng Cờ thi đua dẫn đầu Khối thi đua BQL KCN, KKT, KCNC các tỉnh Tây nguyên và Duyên hải miền Trung năm 2022; được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2022.

Mùa Xuân đã về và kế hoạch năm 2023 đang được triển khai thực hiện. Nhà máy đóng tàu biển lớn vào loại nhất Đông Nam Á, Huyndai Vinashin vừa được trang bị thêm cần cẩu 700 tấn, đang đứng trước nhiều triển vọng to lớn. Nhà máy nhiệt điện BOT Vân phong 1, chuẩn bị hòa điện vào lưới điện Quốc gia. Các dự án: KCN Dốc Đá Trắng, Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai; Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm và nhiều dự án tiềm năng khác đang thúc dục CCVC Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để sớm đưa vùng đất tiềm năng này của tỉnh Khánh Hòa bước vào thời kỳ cất cánh.                       

Bài và ảnh: Nguyễn Xuân