Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được miễn, giảm thuế theo Nghị định số 92/2021 như thế nào?

09:17 28/10/2021

Để Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Việc ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Internet

Việc ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Internet.

Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Ngày 27/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.

Để phù hợp thực tiễn, đồng thời quy định cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, việc ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thu và cũng là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh của thế giới; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính.

Nghị định số 92/2021/NĐ-CP được bố cục gồm 5 Điều, trong đó, Nghị định số quy định về: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng; miễn tiền chậm nộp.

Về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định quy định “không áp dụng tiêu chí doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2021 giảm so với doanh thu trong kỳ tính thuế năm 2019 đối với trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021.”

Sửa đổi, bổ sung quy định rõ doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế như sau: “Doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác,” để đảm bảo minh bạch, tránh vướng mắc trong thực hiện.

Về miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Nghị định hướng dẫn đối tượng áp dụng, bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là địa bàn cấp huyện) chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông báo trong năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến dịch COVID-19, trong đó có nội dung dừng hoặc ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với một hoặc nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (bao gồm cả việc phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn) để ban hành Danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 quy định tại khoản này.

Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

Về giảm thuế giá trị gia tăng, Nghị định quy định chi tiết như sau: Về xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, theo quy định nêu trên thì mới chỉ thể hiện về nguyên tắc chung việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ theo ngành kinh tế. Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện việc giảm thuế giá trị gia tăng, cần phải phân loại, xác định cụ thể từng hàng hóa, dịch vụ. Hiện hành, việc phân loại, xác định các hoạt động trong các ngành kinh tế được căn cứ theo Danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để thuận lợi cho việc xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng và đảm bảo đúng nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã ban hành kèm theo Phụ lục Danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm mức thuế giá trị gia tăng. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế Giá trị gia tăng.

Về đối tượng được miễn tiền chậm nộp, theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế thì thuế là khoản phải nộp ngân sách theo quy định của các luật thuế; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là khoản thu nằm trong các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Do đó, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã quy định rõ đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020 được miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021.

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được áp dụng ngay các chính sách hỗ trợ, Nghị định này có hiệu lực từ ngày Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực thi hành.

Nghị định có hiệu lực thi hành đồng thời với ngày có hiệu lực của Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 (ngày 19/10/2021).

Việc ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 nhằm triển khai kịp thời các giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.

Hà Ngân