Bài học kinh doanh kinh điển của tỷ phú DeJoria từng hai lần trở thành người vô gia cư

21:27 13/01/2022

DeJoria là người sáng lập dòng sản phẩm tóc Paul Mitchell và Công ty Patrón Spirits nổi tiếng thế giới. Ít ai biết rằng, trước khi trở thành tỷ phú, ông đã từng là người vô gia cư... tới hai lần. Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều doanh nhân, là tấm gương về lòng quyết tâm và ý chí vươn lên, vượt qua sự nghèo khó để đạt được ước mơ.

DeJoria. Nguồn: Internet
DeJoria. Nguồn: Internet.

Gạt bỏ sĩ diện khi yêu cầu sự giúp đỡ

Trước đây, vì sĩ diện, DeJoria đã không dám xin mẹ cho mình một căn phòng nhỏ để ở. Thay vào đó, ông xin bà vài trăm USD để có thể lo liệu cho cuộc sống. 

Vào thời điểm đó, một người bạn của DeJoria đề nghị cho ông và cậu con trai 2 tuổi mượn một căn phòng trống để ở. Thậm chí, một số “người mẹ" còn tình nguyện giúp ông chăm sóc con trai, để ông thoải mái đi ra ngoài và tập trung cho hoài bão của mình.

DeJoria thừa nhận, đó chính là bước ngoặt lớn để ông thay đổi cuộc đời mình. Bởi nếu bạn của DeJoria không hỗ trợ, thật khó để ông có thể trở thành một doanh nhân thành công rực rỡ như ngày hôm nay.

Ông cho rằng, dù là một doanh nhân, bạn sẽ luôn cần sự giúp đỡ. Sự kiêu hãnh đến mức mù quáng có thể khiến bạn không bao giờ đạt được mục tiêu của mình.

Tự thân vận động

Ít ai biết rằng, DeJoria đã từng phải đi thu lượm vỏ chai soda để lấy tiền mua thức ăn. Ông tự mình làm tất cả mọi việc để nuôi sống bản thân và con trai.

“Khi tôi bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên, tôi không có một xu dính túi. Việc làm đầu tiên của tôi với tư cách là một doanh nhân là đi dạo trên đường phố Southall, London và trao danh thiếp. Để đi họp, tôi bắt xe bus. Thậm chí, một lần, tôi còn hẹn gặp đối tác ở ga tàu điện ngầm để trao đổi về việc hợp tác kinh doanh”, vị tỷ phú sở hữu hai chuỗi cửa hàng chăm sóc tóc nổi tiếng thế giới chia sẻ.

“Vượt qua nhiều khó khăn, tự mình làm mọi việc, doanh nghiệp của tôi cùng hơn 50 nhân viên cũng đạt doanh thu hơn vài triệu USD/năm. Đó là động lực thúc đẩy mọi công việc kinh doanh mới”.

Nói trước bước không qua

DeJoria cần 500.000 USD để thành lập nên hãng John Paul Mitchell Systems, thương hiệu mà sau này đã giúp ông trở thành tỷ phú nổi tiếng. Vào năm 1980, ông cùng với bạn là Paul Mitchell thành lập John Paul Mitchell Systems với vốn vay ban đầu là 700 USD. 

Ban đầu cả 2 đã gọi vốn được 500.000 USD nhưng nhà đầu tư đó lại từ chối vào phút cuối bởi lạm phát gia tăng. Điều này đẩy DeJoria trở thành người vô gia cư một lần nữa. Việc kinh doanh không được suôn sẻ và công ty của DeJoria đã gần như phải tuyên bố phá sản ít nhất 50 lần trong năm đầu tiên. Phải sang năm thứ 3, công ty mới đem về 1 triệu USD doanh thu và sang năm thứ 5 là 10 triệu USD.

Vẫn biết việc kinh doanh đôi khi cần mạo hiểm, nhưng để những rủi ro vô nghĩa xảy ra là điều ngu ngốc. Trước khi dòng tiền đi quá xa, hãy biết tận dụng cơ hội để nắm bắt lấy. Và đừng vội mua một chiếc xe Tesla Model S mới vì bạn vừa ký được một hợp đồng béo bở. Chỉ khi nào tiền về trong tài khoản ngân hàng thì lúc đó, cuộc đàm phán của bạn mới thành công.

DeJoria đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân: “Không nên chắc chắn một điều gì đó trước khi nó thực sự diễn ra”.

Đổ lỗi cho người khác là vô nghĩa

DeJoria nói rằng, ông không bao giờ tìm kiếm ai để đổ lỗi. Việc thu thập các vỏ chai soda để kiếm tiền nuôi bản thân đã khiến ông bận rộn cả ngày.

Hay trong suốt thời gian ở Southall, London, dù không có một khách hàng tiềm năng nào, DeJoria vẫn miệt mài đi giao danh thiếp cho hàng trăm cửa hàng. Thay vì cảm thấy chán nản, ông vẫn cố gắng không đổ lỗi cho người khác, DeJoria đã thay đổi cách thức, tự mình tìm kiếm phương án giải quyết khác. Chỉ vài tháng thay đổi, công việc kinh doanh của DeJoria đã bắt đầu đi vào hoạt động ổn định và mang lại lợi nhuận.

Một doanh nhân muốn thành công cần phải học được cách ngừng đổ lỗi cho người khác. Bởi việc đổ lỗi cho người khác sẽ không giúp lấp đầy tài khoản ngân hàng của bạn.

Theo vị tỷ phú này, những người phải cố gắng vươn lên từ con số không có xu hướng nhìn tiền bạc hơi khác một chút. Tiền đến rồi đi, nhưng niềm tin nội tại của họ vào khả năng kiếm được nhiều tiền hơn thì không bao giờ phai nhạt. Và đó mới là tinh thần kinh doanh thực sự.

Chấp nhận những thách thức mà thế giới đặt ra cùng niềm tin bất diệt không ai là không thể vượt qua - đó là triết lý mà vị tỷ phú này luôn ghi nhớ.

Hương Trà (t/h)