Bài học cho châu Á trong cuộc đàn áp ngành công nghiệp dạy thêm của Trung Quốc đại lục

12:06 18/09/2021

Những bậc cha mẹ như Kwon, Tan và Cheng sẵn sàng chi trả hàng nghìn đô la cho các lớp dạy thêm đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tư nhân đang bùng nổ ở nhiều quốc gia và khu vực châu Á, trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục

Phụ huynh và học sinh Trung Quốc tại một trung tâm dạy thêm
Phụ huynh và học sinh Trung Quốc tại một trung tâm dạy thêm. (Ảnh: AP) 

Bà mẹ hai con người Hàn Quốc Kwon Se-jin chi 1,9 triệu won (1.616 USD) mỗi tháng để đưa con trai đến trường mầm non, nơi cậu bé bốn tuổi có thể học tiếng Anh khi chơi với người bản xứ. Kwon cho biết: “Tôi không muốn con trai căng thẳng nhưng đồng thời cũng lo sợ cháu sẽ bị bỏ lại ở vạch xuất phát”. Tại Singapore, Jenny Tan, một Giám đốc tiếp thị và là mẹ của 3 đứa trẻ 14, 17 và 21 tuổi, cho hay, cô có thể chỉ bài cho con khi chúng học tiểu học nhưng buộc phải chi tiền học thêm cho khối trung học. Theo đó, Tan đã chi khoảng 1.800 đô la Singapore (1.340 đô la Mỹ) một tháng cho học phí cho cả ba đứa con. Cô nghĩ rằng học thêm là cần thiết vì sĩ số lớp học ở trường rất đông, trung bình khoảng 29 trẻ một lớp tiểu học và 33 đến 34 trẻ một lớp ở trung học. “Giáo viên khó có thể quản lý được nhu cầu đa dạng của học sinh và đó là nguyên nhân dẫn đến phải cho con đi học thêm”, Tan nói và cho biết thêm rằng, mỗi cháu nhà cô tham gia hai lớp học bổ túc, thường là về toán hoặc ngôn ngữ.

Ở Hồng Kông, Jenny Cheng, một bà nội trợ, đã đăng ký cho con gái học thêm tiếng Trung và tiếng Anh khi còn học tiểu học, kế đó học thêm tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và Hóa học khi con học trung học. Cheng hiện đang chi khoảng 10.000 đô la Hồng Kông (1.284 đô la Mỹ) học phí 5 buổi một tuần cho con gái 17 tuổi, bao gồm tất cả mọi thứ từ củng cố nội dung đến luyện thi. Cô cho rằng, đó là khoản chi tiêu tốt và đúng mục đích: “Chi tiêu cho việc học là chi tiêu cho giá trị con người. Nhiều phụ huynh chấp nhận trả khoản tiền lớn mà họ cho rằng xứng đáng cho giáo dưỡng một đứa trẻ”.

Những bậc cha mẹ như Kwon, Tan và Cheng, trong những thập kỷ gần đây, đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tư nhân đang bùng nổ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục. Số lượng phụ huynh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục dẫn đầu những nơi khác về chi tiêu cho học phí tư nhân, đổ hàng tỷ đô la mỗi năm để trang bị cho con cái trong cuộc đua giáo dục.

Công ty nghiên cứu thị trường Global Industry Analysts cho biết, nhu cầu học thêm trên toàn cầu đạt 196,3 tỷ đô vào năm 2020, trong đó phần lớn tập trung ở châu Á. Nhưng ngành công nghiệp này đã bị “nhắc nhở” ở Trung Quốc kể từ khi chính phủ tuyên bố tất cả hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận trong các môn học chính sẽ bị cấm khiến nhiều người tự hỏi liệu các quốc gia châu Á khác có làm theo hay không. Trong khi phụ huynh, gia sư và các nhà phân tích đồng ý rằng áp lực học tập đối với học sinh đôi khi có thể quá mức khi mong muốn trẻ luôn đi trước (hoặc không bị tụt lại phía sau) các bạn cùng trang lứa.

Kelvin Seah, một giảng viên kinh tế cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói rằng, trong khi học phí tư vẫn là một cách để sinh viên yếu kém bắt kịp với việc học, ngay cả những sinh viên học giỏi cũng đang tìm kiếm các lớp học thêm như một phương tiện để “duy trì lợi thế hơn các đồng nghiệp”. Seah phân tích: “Phụ huynh của những học sinh giỏi coi các lớp học bồi dưỡng như một phương tiện để đảm bảo rằng con họ tiếp tục học tốt hơn các bạn cùng lứa tuổi. Do thu nhập thực tế của các hộ gia đình đã tăng lên theo thời gian, nên các bậc cha mẹ sẵn sàng chi tiền cho những lớp học làm giàu này”, Seah nói. Mark Bray, Giáo sư danh dự kiêm Chủ tịch Unesco về giáo dục đối chiếu tại Đại học Hồng Kông, cho hay, sự chuyển hướng sang dạy thêm là do tính di động ngày càng tăng và cạnh tranh xã hội thúc đẩy bởi toàn cầu hóa.

Lệnh cấm của Trung Quốc

Tháng trước, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nhằm trấn áp ngành công nghiệp dạy thêm đang bùng nổ của nước này, bao gồm cấm dạy thêm ngoài trường cho các môn học trong chương trình học như tiếng Anh và Toán học, kể cả vào cuối tuần và ngày lễ.

Bắc Kinh cũng cấm gia sư tư nhân giảng dạy các lớp học trực tuyến hoặc tại các địa điểm không đăng ký như nhà riêng và nơi công cộng, quy định rõ rằng tất cả các cơ sở dạy kèm chương trình giảng dạy ở trường phải được đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận. Về phía các cơ quan quản lý, lệnh cấm được cho là cần thiết để giảm bớt áp lực cho trẻ em và phụ huynh trong một hệ thống giáo dục trở nên quá cạnh tranh. Ngoài việc tạo ra một xã hội bình đẳng hơn, các nhà chức trách hy vọng rằng các biện pháp này cũng sẽ giảm chi phí nuôi dạy trẻ và khuyến khích nhiều người có con hơn, thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước.

Tuy nhiên, Seah nhận định, việc cấm của Trung Quốc đã phản tác dụng vì có khả năng thúc đẩy ngành học phí tư nhân hoạt động ngầm và cuối cùng khiến trở nên đắt đỏ hơn. Seah cho biết: “Nguồn cung học phí giảm cùng với nhu cầu cao đồng nghĩa với việc giá học phí sẽ tăng lên sau động thái này”. Bray cho rằng, việc cấm sẽ không làm thay đổi nhiều “động lực cơ bản của nhu cầu”: “Điều quan trọng nhất trong số những động lực này là sự cạnh tranh xã hội” và nói thêm rằng vì Trung Quốc có dân số khổng lồ với mức độ di chuyển ngày càng tăng trên khắp đất nước nên “áp lực rất lớn”.

Áp lực tại khu vực châu Á

Bất chấp những nỗ lực của các chính phủ châu Á trong việc điều chỉnh ngành công nghiệp trong những năm qua nhưng rất ít quyết định đạt được tiến bộ. Trớ trêu thay, các bậc cha mẹ đang có động thái ngược lại, sinh ít con hơn và đầu tư nhiều hơn cho mỗi đứa trẻ, như trường hợp ở Hàn Quốc. Năm 1980, dưới một hành động sâu rộng chống lại ngành công nghiệp học phí tư nhân, học sinh bị cấm đăng ký vào các trường luyện thi tư nhân được gọi là Hagwons. Động thái này nhằm bình đẳng cơ hội giáo dục cho người nghèo và giảm bớt gánh nặng học phí cho phụ huynh, nhưng đã phản tác dụng dẫn đến hoạt động dạy thêm học thêm ngầm. Đồng thời cách làm này làm tăng phí dạy thêm vì các gia sư nói rằng họ có nguy cơ bị bắt và bị phạt theo quy định.

Năm 1998, với động cơ tương tự, Seoul đã cấm các trường dạy học ngoài giờ. Tuy nhiên, điều này đã thúc đẩy nhiều bậc cha mẹ giàu có hơn gửi con cái của họ ra nước ngoài, đặc biệt là đến Hoa Kỳ. Lệnh cấm hagwons năm 1980 đã bị Tòa án Hiến pháp, tòa án cao nhất của đất nước, lật lại vào năm 2000, ra phán quyết “xâm phạm các quyền cơ bản của người dân trong việc giáo dục con cái”. Daniella Jeong, người điều hành một viện dạy thêm tư nhân lớn ở ngoại ô Seoul, cho biết các cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với việc dạy thêm đã làm nảy sinh cảm giác “déjà vu” đối với nhiều người Hàn Quốc. Jeong cho hay, giống như các bậc cha mẹ Trung Quốc, phụ huynh Hàn Quốc cũng lo sợ con mình bị bỏ lại phía sau: “Chúng tôi đã trải qua rồi. Các cuộc khủng hoảng về dạy thêm ở Hàn Quốc đều thất bại và tôi nghĩ mọi chuyện sẽ khác ở Trung Quốc”.

Tại xứ sở Kim Chi, học thêm có nguồn gốc sâu xa nhằm đảm bảo con em được vào học tại các trường tốt, từ đó nảy sinh khao khát với thu nhập cao hơn, thậm chí có triển vọng hôn nhân tốt đẹp hơn. Một cuộc khảo sát vào năm 2019 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho thấy, học sinh trung học cơ sở (bậc Junior) là nhóm tiêu dùng giáo dục tư nhân lớn nhất với 83,5%, tiếp theo là học sinh trung học cơ sở (bậc Middle) với 71,4% và học sinh trung học phổ thông là 61%. Ngành công nghiệp dạy kèm tư nhân trị giá 21 nghìn tỷ won (17,9 tỷ đô) vào năm 2019, tương đương 1,1% GDP, với trung bình 6,5 giờ dành cho học phí mỗi tuần. Toán học được yêu cầu dạy kèm nhiều nhất với 47,2% và tiếng Anh đứng thứ hai với 44,1%.

Tình hình trên hơi khác ở Singapore. Người đại diện trung tâm bồi dưỡng Academia, chỉ ra hầu hết các bậc cha mẹ tại đây coi đóng tiền học phí học thêm là một cách để con cái nâng cao chuyên môn và sở thích trong một số môn học nhất định. Người này lưu ý: “Ngành công nghiệp dạy kèm được thúc đẩy bởi nhu cầu của các bậc cha mẹ, những người ý thức về những gì họ muốn, nhiều người trong số họ làm việc với tư cách là lãnh đạo công ty”. Theo một cuộc khảo sát của Cục Thống kê Singapore, các hộ gia đình đã chi 1,4 tỷ đô la Singapore (1,04 tỷ đô la Mỹ) cho học phí từ năm 2017 đến năm 2018. Một báo cáo của tờ The Straits Times cho thấy, số lượng trung tâm học phí và bồi dưỡng đã tăng từ 700 vào năm 2012 lên gần 1.000 vào năm 2019.

Vào năm 2018, Bộ trưởng Giáo dục Singapore khi đó là Ong Ye Kung nói rằng, chính phủ không có kế hoạch cấm học phí tư nhân. Phát biểu này được đưa ra sau một loạt các sáng kiến ​​nhằm giảm bớt cái nhìn khắt khe về kết quả học tập, chẳng hạn bỏ bớt các bài kiểm tra và cải tiến hệ thống tính điểm của các kỳ thi quốc gia. 

Ở Hồng Kông, các bậc cha mẹ như bà Ku có hai cô con gái 21 và 16 tuổi, từng chi từ 7.000 đến 10.000 đô la Hồng Kông (900 - 1.285 đô la Mỹ) cho học phí tiếng Trung, tiếng Anh và Toán học mỗi tháng và cho rằng, không nên cấm học phí. “Một số sinh viên cần những lớp học như vậy vì không được hưởng lợi từ môi trường học, hoặc việc giảng dạy ở trường đơn giản là không thể thu hút sự quan tâm của các em”, Ku nói. Học phí tư thục ở khu vực này tăng cao vào những năm 1980 khi nền kinh tế bắt đầu bùng nổ và các bậc cha mẹ sẵn sàng chi tiền hơn cho việc học của con cái. Richard Eng từ Đại học Hồng Kông đã viết trong một bài báo năm 2019 có tiêu đề “Ngành Gia sư ở Hồng Kông: Từ Bốn thập kỷ Quá khứ đến Tương lai”: “Thời kỳ hoàng kim của ngành gia sư ở Hồng Kông bắt đầu từ những năm 1990”, những lý do đằng sau sự bùng nổ của ngành này bao gồm mong muốn được học đại học mạnh mẽ của sinh viên và quan niệm truyền thống của cha mẹ rằng giáo dục đại học có thể thay đổi cuộc sống tương lai của trẻ em tốt đẹp hơn.

YY Lam tại Cao đẳng Beacon, một trường luyện thi ở Hồng Kông, cho biết, lệnh cấm của Trung Quốc đại lục sẽ không có tác dụng ở Đặc khu hành chính, chỉ ra rằng nguyên nhân của căng thẳng học tập không phải là học phí mà là do văn hóa Trung Quốc nhấn mạnh vào thành tích học tập. Ông Lâm cho biết, ngành tư thục học phí từng tập trung ở một vài trung tâm giáo dục lớn nhưng vài năm trở lại đây trở nên manh mún. 

Những chồng sách dày cộp không phải điều hiếm thấy tại các trường ở Trung Quốc, thậm chí là ở bậc tiểu học, trung học
Những chồng sách dày cộp không phải điều hiếm thấy tại các trường ở Trung Quốc, thậm chí là ở bậc tiểu học, trung học. (Ảnh: Xinhua) 

Cần một quy định nghiêm khắc hơn?

Mặc dù lệnh cấm hoàn toàn ngành công nghiệp này dường như không có khả năng nhưng các nhà phân tích đồng ý rằng các quy định sẽ giúp điều chỉnh hệ thống và giảm căng thẳng trong trường học.

Sau lệnh cấm thất bại, chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi luật hạn chế học phí ở mức 200 won (17 xu Mỹ) mỗi phút; đảm bảo tính minh bạch và giải quyết vấn đề dạy thêm bất hợp pháp. Park Il-ho, một luật sư 61 tuổi, trả 2,5 triệu won (2.130 đô la Mỹ) hàng tháng học phí tư nhân cho cậu con trai đang học lớp 10 trung học. Anh coi đây là một điều cần thiết: “Thật khó để đạt điểm cao ở trường nếu không có tài liệu học tập trước kế hoạch vì khối lượng học tập là quá nhiều ở các trường trung học”. Park nhấn mạnh học sinh có ít thời gian dành cho bạn bè hoặc hoạt động ngoài trời.

Theo ông Bray, nhìn chung, các quy định đối với ngành công nghiệp trên khắp châu Á vẫn còn yếu: “Nhiều sinh viên đại học chưa đăng ký dạy kèm thông qua các kênh chính thức, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, giáo viên toàn thời gian muốn có thêm thu nhập”. Như vậy, giải pháp nằm ở khả năng tự điều chỉnh trong ngành sẽ giảm bớt căng thẳng và dẫn đến sự tin tưởng hơn ở các bậc cha mẹ rằng lĩnh vực này đang được giám sát một cách chuyên nghiệp.

Nếu việc điều tiết và tự điều chỉnh không phải là những lựa chọn hàng đầu, một số người cho rằng giải pháp giảm học phí cho trẻ em châu Á có lẽ nằm ở việc giải quyết bất bình đẳng và cải thiện bản chất cạnh tranh của hầu hết các xã hội châu Á. Seah từ NUS cho biết, những sáng kiến ​​và thay đổi gần đây do cơ quan giáo dục Singapore đưa ra nhằm giải quyết nỗi ám ảnh của xã hội về thành tích học tập là những bước đi đúng hướng. Các biện pháp bao gồm đảm bảo một phổ điểm rộng hơn trong kỳ thi PSLE, công nhận các khả năng phi học thuật và chấp nhận đầu vào dựa trên năng khiếu tùy từng cơ sở giáo dục.

Seah phân tích nỗi ám ảnh về thành tích học tập bắt nguồn từ “phản ứng của công chúng đối với một hệ thống cạnh tranh cao, nơi khan hiếm các trường và trường đại học được yêu thích được phân bổ chủ yếu dựa trên thành tích học tập”. Tuy nhiên, Shin So-young, trưởng nhóm nhóm hoạt động chống lại học phí tư của Hàn Quốc tỏ ra nghi ngờ. Shin cho biết, vấn đề dạy tư nhân và học phí sẽ tiếp tục phổ biến miễn là tồn tại thị trường việc làm giáo dục.

TL