Bài 3: Các doanh nghiệp du lịch ‘kết bè' vượt bão Covid-19, tận dụng khoảng lặng để tái cấu trúc doanh nghiệp

14:05 06/04/2021

Du lịch với đặc thù là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác, như: Vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống... và đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ra những tổn thất nặng nề cho ngành du lịch Việt Nam. Trước tình hình đó, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không… và cả lãnh đạo ngành đồng quan điểm để không đổ vỡ hàng loạt, thời gian tới cần “kết bè vượt bão”, chuẩn bị cho đợt khôi phục mới.

Du lịch thiệt hại nặng nề do COVID-19

Chưa bao giờ trong lịch sử nền du lịch quốc tế gặp phải khủng hoảng như thế. Theo thống kê toàn cầu đánh giá doanh thu từ du lịch trên toàn thế giới năm 2020 có thể giảm xuống 78%, cao hơn rất nhiều những lần khủng hoảng trước.

Trong cơn “bão” COVID-19, mọi doanh nghiệp đều bị cuốn vào vòng xoáy, nhiều doanh nghiệp đã không thể duy trì và buộc dừng, tạm ngưng hoạt động một thời gian. Nhiều lao động phải chuyển sang ngành nghề khác khi các doanh nghiệp không thể trụ vững gần 1 năm qua. Dù thế, trong khó khăn, vẫn có một số doanh nghiệp duy trì được hoạt động, vẫn “nuôi quân” với những cách làm linh động, có sự đầu tư về dịch vụ, nâng chất lượng sản phẩm.

Ngày 23/1/2020 là thời điểm Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, hoạt động du lịch đang sôi động bỗng chuyển sang trạng thái khủng hoảng, khi hàng trăm công ty du lịch phải xử lý tình huống chưa từng có: Khách hàng đồng loạt hủy tour du lịch Tết. Dịch lan mạnh ở Trung Quốc khiến các công ty lữ hành phải dừng hoạt động đưa khách Việt Nam đến các địa điểm nổi tiếng ở nước này như Vũ Hán, Hồ Bắc, Tô Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải...

Các doanh nghiệp du lịch chia sẻ: Chúng tôi hầu hết như “mất Tết” khi phải xử lý việc hoàn tiền cho khách. Chưa bao giờ điện thoại réo liên tục như vậy. Vì lo lắng dịch Covid-19 lây lan, hàng nghìn khách yêu cầu hoãn, hủy cả tour Tết tới những quốc gia gần Trung Quốc cũng như một số tour trong nước.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ nhất kéo dài gần nửa năm, kéo theo đó là cuộc khủng hoảng của ngành Du lịch. Hoạt động du lịch rơi vào trạng thái “đóng băng” khi phía lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến đều tạm dừng hoạt động, bảo đảm “cách ly xã hội” nhằm phòng, chống dịch.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch cho biết, khi dịch xuất hiện không ai lường trước được diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn như hiện tại. Những người làm trong ngành cũng dự đoán dịch chỉ diễn ra vài tháng. Song càng ngày càng thấy hậu quả kinh khủng của dịch bệnh, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Có thể nói là sự kiện gây ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du lịch từ trước đến nay.

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, từ giữa tháng 5-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động chiến dịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kích cầu du lịch nội địa để “cứu” ngành công nghiệp không khói. Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch tổ chức nhiều hội nghị giữa các doanh nghiệp du lịch, kêu gọi tinh thần đoàn kết, chia sẻ, liên kết phát huy sức mạnh tổng hợp, nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng lớn. Chương trình kích cầu du lịch trên diện rộng với những gói giảm giá lớn chưa từng có lập tức mang lại hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ: “Chương trình kích cầu du lịch mang lại kết quả hơn cả mong đợi. Rất nhiều đơn vị lữ hành có khách đặt tour. Từ tháng 6-2020, nhiều chuyến đi bắt đầu khởi hành, khách tập trung tới miền Trung, khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên…”.

Niềm vui vừa nhen nhóm, thì Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng vào ngày 26-7, làn sóng dịch mới xuất hiện. Ngành Du lịch Việt Nam lại bị giáng một “đòn đau” khi “vết thương” cũ chưa kịp lành.

Như vậy, thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với nền kinh tế cả nước, ngành Du lịch đứng trước khó khăn, thách thức lớn nhất từ trước đến nay. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 80%, tổng thiệt hại ước tính đến 23 tỷ USD.

Ứng phó Covid-19 và phục hồi hoạt động du lịch

Từ góc nhìn của chuyên gia, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định, dịch COVID-19 khiến ngành du lịch lao đao nhưng cũng là cơ hội để ngành nhìn lại chính mình, trong đó có việc cân đối giữa các loại hình du lịch. Bên cạnh đó, những đợt dịch vừa qua khiến chúng ta nhìn rõ hơn bản chất của ngành du lịch là phụ thuộc nhiều vào vấn đề an toàn, an ninh. Đảm bảo an toàn, an ninh ở bất kỳ khu vực nào là việc cực kỳ quan trọng, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư tốt hơn nữa vào việc đảm bảo an toàn sức khỏe, an toàn giao thông và an ninh cho hành khách.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch.

Theo ông Kiên, trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều thuận lợi để phục hồi và phát triển du lịch, Chính phủ đã đang và có một số chính sách khuyến khích tạo điều kiện doanh nghiệp du lịch phát triển. Mong rằng các doanh nghiệp sẽ đoàn kết, hợp tác phát triển và cùng thực hiện các kế hoạch truyền thông lan tỏa thông điệp ‘Yêu du lịch Việt Nam’ và ‘Du lịch Việt Nam an toàn’. Vì chúng ta rất thành công trong việc khống chế dịch bệnh, chúng ta có thể là nước đầu tiên mở cửa lại du lịch nội địa. “Tôi tin rằng du lịch Việt sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới”, ông Trần Trọng Kiên khẳng định

Ngoài sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan quản lý, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng đang rất chủ động, bằng nội lực để "vượt bão" thông qua việc đưa ra phương án, chiến lược kinh doanh mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay

Theo trung tâm du lịch Việt Nam, để ứng phó trong tình hình dịch bệnh, gần 200 CEO của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành (Sun Group, Hanoi tourist, AZA Travel, Hanoi tourism, Travelogy, Threeland Travel...) đã lập ra các nhóm trên Facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay…; thống nhất giá và cùng bán sản phẩm. Những nhóm này sẽ cùng nhau đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí thấp nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Đó chính là lợi ích thiết thực nhất của việc “kết bè”: cùng chia sẻ lợi ích, cạnh tranh bằng chất lượng và cùng tương trợ nhau vượt “bão Covid-19”.

Trong bối cảnh dịch bệnh trở lại, hầu hết các đơn vị lữ hành đều cam kết với khách hàng dù hoãn tour đến thời điểm khác cũng đảm bảo không phát sinh chi phí. Tùy hợp đồng, các đơn vị sẽ có ưu đãi khác nhau nhưng đều đang rất nỗ lực để giữ chân và chăm sóc khách bằng nhiều cách.

Bên cạnh đó, 6 đơn vị lữ hành của Hà Nội: VietSense Travel, MyTravel, Ascend Travel, AZA Travel, Ánh Dương Tour, Asialand Travel đã phối hợp thành lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế đầu tiên tại Hà Nội - Prato (Practical Tourism) để đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng vận hành thực tế cho các nhân viên và sinh viên đang theo học du lịch tại các trường. Giám đốc Công ty VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, người khởi xướng dự án này cho biết: “Mỗi công ty lữ hành có bí quyết riêng trong điều hành, quản lý. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng nhân sự, để các đơn vị có thể trụ vững trong giai đoạn khó khăn”.

Trước khó khăn hiện nay của ngành du lịch và doanh nghiệp, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Trung tâm WTO, Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam tổ chức một loạt các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, thông qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm về quản trị; tìm hiểu thị trường mới như Mỹ, châu phi; tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để khai thác thị trường du lịch…

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết, khi bùng phát dịch, Câu lạc bộ đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị thành viên thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho du khách phòng tránh, phát khẩu trang miễn phí tại các điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội; tổ chức chương trình tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp cho doanh nghiệp có thêm những kỹ năng vận hành, nhất là trong thời điểm khủng hoảng để mang tới những tín hiệu lạc quan; chuẩn bị phục hồi sau khi dịch kết thúc. Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, CLB còn tích cực triển khai các hoạt động hướng tới vùng bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch như Nha Trang, Đà Nẵng…

"Tác động của làn sóng Covid-19 lần hai rất lớn, ảnh hưởng đến doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó khăn càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp đã cắt giảm tối đa, ước tính thiệt hại hơn 200 tỷ. Thời gian tới, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, dẫn dắt của Tổng cục, đồng hành của hàng không khách sạn và hỗ trợ của Chính phủ", ông Trương Quốc Hùng chia sẻ.

 Gia Minh