Hai lần triệu tập bất thành, Eximbank lại muốn họp cổ đông

23:00 25/05/2021

Mới đây Eximbank tiếp tục triệu tập họp thường niên 2021 lần hai và họp bất thường theo kiến nghị của cổ đông. Được biết nguyên nhân chính khiến Eximbank chưa thể tổ chức họp cổ đông thường niên 2020-2021 và nhiều lần phải triệu tập họp bất thường là do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn.

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa thông báo về việc triệu tập cổ đông tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần hai.

Đối tượng tham dự là tất cả cổ đông có tên trong danh sách chốt ngày 22/3, thời gian dự kiến họp là ngày 29/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội).

Cuộc họp lần này sẽ thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo quy định do lần 1 tổ chức bất thành vào ngày 27/4. Bên cạnh đó, cuộc họp cũng sẽ thông qua các nội dung dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội. 

Hai lần triệu tập bất thành, Eximbank lại muốn họp cổ đông
Hai lần triệu tập bất thành, Eximbank lại muốn họp cổ đông.

Đây là lần thứ hai Eximbank triệu tập họp cổ đông thường niên 2021 trong năm nay. Cuộc họp trước đó ngày 27/4 đã không thể diễn ra do không đủ tỷ lệ cổ phần tham dự (chỉ có 61 cổ đông đại diện cho 41,65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự). Trong khi theo điều lệ Eximbank, phiên họp thường niên 2021 lần hai sẽ được tiến hành khi các cổ đông và người được ủy quyền tham dự đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Eximbank cũng đã không thể tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 sau ba lần triệu tập, dù tỷ lệ tham dự của cổ đông lên tới gần 95%. Lý do là các cổ đông đã không thông qua quy chế tiến hành họp. Như vậy, đến nay Eximbank vẫn chưa thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.

Được biết nguyên nhân chính khiến Eximbank chưa thể tổ chức họp cổ đông thường niên 2020-2021 và nhiều lần phải triệu tập họp bất thường là do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn.

Cụ thể, trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020-2021, hai nhóm cổ đông lớn (nắm tổng cộng 21,5% vốn điều lệ) cũng đã đề nghị miễn nhiệm 8/9 thành viên HĐQT ngân hàng. Nhóm cổ đông sở hữu 10,3% vốn do bà Kiều Vũ Thụy Uyên, đại diện theo ủy quyền của Công ty CP Rồng Ngọc; Công ty CP đầu tư và dịch vụ Helios; Công ty CP Thắng Phương; cổ đông cá nhân Thái Thị Mỹ Sang và Lưu Như Trân đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.

Nhóm sở hữu 11,2% vốn gồm ông Nguyễn Tiến Dũng; ông Trần Công Cận; Lafelle Limited; Education Management Holdings Limited đề nghị miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT là ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Linh Anh