Áp lực FED siết chặt tiền tệ đè nặng thị trường hàng hóa

23:55 19/04/2022

Sau báo cáo lạm phát tháng 3/2022 cao kỉ lục 8,5%, áp lực FED siết chặt tiền tệ đã đè nặng lên thị trường hàng hóa toàn cầu, đồng thời đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên các mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

 

Giá dầu thế giới giảm từ đỉnh tháng 3 khi thị trường lo ngại FED tăng lãi suất mạnh tay (Ảnh minh họa)
Giá dầu thế giới giảm từ đỉnh tháng 3 khi thị trường lo ngại FED tăng lãi suất mạnh tay (Ảnh minh họa).

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 2,725% từ 12/4 lên mức hơn 2,9% vào ngày 19/4 9 giờ sáng theo múi giờ Mỹ, cao nhất kể từ năm năm 2018, mức lãi suất tăng mạnh kể từ mốc 1,696% vào hồi đầu tháng 3 dù sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 0,25% vào tháng 2. Tuy nhiên, khi các báo cáo việc làm khả quan và lạm phát liên tục đạt đỉnh, FED cũng thể hiện thậm chí có thể thu gọn quy mô tài sản để kiểm soát lại lạm phát. Theo báo cáo lạm phát tháng 3/2022 của Bộ Lao Động Mỹ công bố lạm phát tại nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 3 lên mức kỉ lục mới 8,5%, cao nhất kể từ năm 1981. Giờ đây, thị trường nhận định FED khá chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% vào cuộc họp trong tháng tới, và mức tăng 0,75% vẫn có thể xảy ra. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh St. Louis James Bullard đã phát biểu lại lập trường của ông về việc tăng lãi suất lên 3,5% vào cuối năm là điều FED nên làm.

Chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ tăng lên trên mức 101 lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm 2020, khi đồng bạc xanh đạt mức cao nhất trong 20 năm so với đồng yên Nhật và ở mức cao nhất trong hai năm đối với đồng euro.

Áp lực từ việc tăng lãi suất của FED đã tạo áp lực giảm giá đối với thị trường hàng hóa, mà nổi bật là thị trường năng lượng. Giá dầu Brent hôm nay 19/4 đã giảm mạnh gần 4% xuống còn 107,4$/thùng, sau khi tăng 4 ngày liên tục lên mức cao nhất 114$/thùng vào ngày hôm qua. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York cũng giảm tương ứng gần 4%, xuống mức 102,5$/thùng. Giá dầu giảm xuống nhưng vẫn ở gần mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 do các nhà đầu tư lo lắng về nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt sau khi Libya buộc phải ngừng xuất khẩu một lượng dầu khi các lực lượng chống đối ở miền đông mở rộng phong tỏa khu vực này.

Các mức giảm của giá dầu kể trên chưa đáng kể so với mức giảm gần 9% của giá khí đốt tự nhiên. Giá khí đốt tự nhiên hiện được giao dịch ở mức 7,160$/mmBTU, giảm 12,3% kể từ mức đỉnh mọi thời đại 8,164$/mmBTU vào ngày hôm qua. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong tháng 4, giá khí đốt đã tăng phi mã từ mốc 5,660$/mmBTU với biên độ tăng hiện tại là 26,5% khi châu Âu đang đề xuất cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga. Đợt bùng dịch ở Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới cũng có tác động tiêu cực lên giá năng lượng thế giới. Mới đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc để kích thích kinh tế khi lo ngại lệnh phong tỏa sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, theo ước tính của ngân hàng đầu tư Nomura, có tới 40% GDP của Trung Quốc đang bị phong tỏa.

Với việc FED thắt chặt tiền tệ, thị trường hàng hóa có thể không phải là thị trường duy nhất chịu tác động mạnh. Vào tháng 3/2020, với việc nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương, thị trường chứng khoán đã bật tăng mạnh mẽ với nhiều thị trường chứng khoán đạt đỉnh lịch sử trong giai đoạn từ 2020-2022, trong đó có thị trường Việt Nam. Trong chu kì ngược lại, thị trường chứng khoán có thể gặp áp lực giảm điểm mạnh mới khi vốn vay margin trở nên đắt đỏ hơn.

 Anh Dũng