"Ấn Độ là nguồn cung cấp tài chính, công nghệ và nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam"

10:39 23/01/2021

Đó là phát biểu của Đại sứ Phạm Sanh Châu tại “Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Ấn Độ” tổ chức bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng 22/01/2021.

“Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Ấn Độ” do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng); Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và Tập đoàn Vina Capital tổ chức.
Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư
Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, năm 2020 trong bối cảnh FDI toàn cầu suy giảm đến 40% kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tương đối khả quan. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 28,5 tỷ USD giảm 25% so với năm 2019 tuy nhiên tổng vốn đăng ký tăng thêm, mở rộng đầu tư ở Việt Nam tăng hơn 10% so với năm 2019. Điều này cho thấy các doanh nghiệp (DN) FDI đang đầu tư ở Việt Nam đang dần hồi phục và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. 

Hiện Ấn Độ có 296 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 900 triệu USD ở các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng… Kể từ năm 2016 khi Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan kệ đối tác chiến lược toàn diện thì Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN. 
“Những kết quả đã đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của 2 nước, để thúc đẩy phục hồi kinh tế ngay khi đại dịch được kiểm soát DN 2 bên cần nắm bắt cơ hội hợp tác trong sản xuất kinh doanh, cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam hoan nghênh và chào đón các DN Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao”, ông Đông nhấn mạnh. 
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Sanh Châu cho biết, quan hệ Việt Nam – Ấn Độ là một quan hệ tốt đẹp có bề dày lịch sử từ những kết nối văn hóa – tôn giáo từ hơn 2000 năm trước cho đến sự ủng hộ lẫn nhau suốt quá trình đấu tranh trong thế kỉ 20 và tới nay là quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với nhiều lợi ích song trùng. Những phát triển nổi bật trong quan hệ gần đây như thương mại song phương bùng nổ từ khoảng 200 triệu USD từ những năm 1990 đến 12 tỷ USD những năm gần đây; đường bay thẳng được thiết lập giúp rút ngắn hơn một nửa thời gian và chi phí di chuyển so với trước đây; cơ chế hợp tác đa dạng, năm nào cũng trao đổi chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao; và đặc biệt nhận thức của người dân hai nước đã thay đổi báo chí Ấn ca ngợi Việt Nam về thành công kiểm soát Covid-19 và là một trong ít nước trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020 còn Ấn Độ được biết đến với một góc nhìn mới về tiềm lực kinh tế đáng nể sau đám cưới tỷ phú tại Phú Quốc.
Đặc biệt, Đại sứ Sanh Châu nhấn mạnh một số tiềm năng của Ấn Độ về nguồn tài chính tín dụng khi rất nhiều quỹ đầu tư hàng đầu thế giới được dẫn dắt bởi các quản lý người Ấn và hiện cũng đang có những dự án tiềm năng trị giá hàng trăm triệu USD muốn đầu tư tại Việt Nam; công nghệ nguồn cũng như trình độ khoa học kĩ thuật tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực như IT, hạt nhân dân sự, kinh tế số; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, IT, hàng không, khách sạn.
Trong hợp tác kinh tế thương mại với Ấn Độ, Đại sứ Sanh Châu cũng chỉ ra mặt thuận, gồm thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng; đòi hỏi của thị trường với chất lượng sản phẩm đa dạng; có khả năng cung cấp nhiều nhóm nguyên liệu; sự coi trọng giá trị cộng đồng, tình bạn nên có khả năng tạo ra sự linh hoạt trong làm việc; sự gần gũi về văn hóa, tương đồng về tôn giáo và lợi ích chiến lược. Tuy nhiên, có một số điểm gây hạn chế cho hợp tác như độ mở của thị trường Ấn Độ chưa lớn, chính phủ quản lý nhập khẩu khá chặt chẽ để bảo vệ doanh nghiệp nội địa, nhất là trong bối cảnh thúc đẩy triển khai “Chính sách Tự cường” phát triển sản xuất trong nước.
Đại sứ Sanh Châu bày tỏ mong muốn các tỉnh thành có sự quan tâm hơn tới thu hút đầu tư từ Ấn Độ và các doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hiểu biết về văn hóa kinh doanh lẫn các vấn đề pháp lý, tranh chấp để có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển tại thị trường Ấn Độ rộng lớn.

Cũng nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác 2 bên, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam khẳng định, quan hệ kinh tế là một trong những trụ cột then chốt trong quan hệ đối tác toàn diện chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ông Pranay Verma cho biết, vốn đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ hiện vẫn còn khá khiêm tốn khoảng 30 triệu USD. Song trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội DN Việt Nam có thể khai thác ở thị trường Ấn Độ. 

Ngay trong diễn đàn đầu tư này, DN 2 bên sẽ cùng nhau trao đổi về 4 lĩnh vực có thể cùng hợp tác như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và sản xuất dược phẩm. 
Ở góc nhìn của phía các DN, ông Don Lâm, Phó trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, DN 2 bên vẫn còn ít thông tin về thị trường của nhau cũng như thông tin về các DN rất hạn chế. Một phần lý do là ít hoạt động xúc tiến thương mại. Những sự kiện như diễn đàn hôm nay là một khởi đầu và hai bên có thể làm được nhiều hơn thế. Các công ty Việt Nam và Ấn Độ có thể tận dụng thế mạnh của mình cũng như học hỏi lẫn nhau ở nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may, năng lượng tái tạo và chế biến nông sản…
Linh San