Alvin Copeland- ông chủ đầu tiên của Popeyes phải trả giá đắt cho tham vọng của mình

09:54 20/04/2021

Sau khi phá sản Popeyes, Copeland vẫn tiếp tục mở những nhà hàng, quán ăn mới mang tên mình nhưng không bao giờ có thể chạm tới thành công như ông từng đạt được trước đó...

Alvin Copeland, ông chủ đầu tiên của Popeyes. Ảnh: NOLA.com.
Alvin Copeland, ông chủ đầu tiên của Popeyes. Ảnh: NOLA.com..

Alvin Copeland sinh năm 1944 tại New Orleans và lớn lên trong một tuổi thơ nghèo khó. Cha của Alvin Copeland bỏ đi ngay sau khi ông được sinh ra. Mẹ ông phải vật lộn để có thể chu cấp đầy đủ cho 3 đứa trẻ mà Alvin Copeland là em út. Nhưng rốt cục, cả gia đình Copeland vẫn phải chuyển đến một khu nhà ở xã hội công cộng và sống dựa vào trợ cấp của chính phủ.

Đến năm 16 tuổi, Copeland bỏ học ở trường cấp 3 và làm công việc pha chế soda. Hai năm sau, Copeland mở được một cửa hàng bán bánh Donut nhờ sự giúp đỡ của các anh trai. Cửa hàng dưới sự vận hành của Copeland hoạt động tốt trong gần 10 năm sau đó.

Thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà gà rán KFC đang là một nhà hàng gà rán rất phát triển ở Mỹ. Louisianan Al Copeland đã tạo ra một thương hiệu nhằm cạnh tranh với KFC. Đến năm 1971, Copeland dùng toàn bộ lợi nhuận từ cửa hàng bánh Donut của mình để thành lập “Chicken on the Run” – một nhà hàng bán gà rán tương tự KFC. Tháng 6/1972 thương hiệu gà rán Popeyes ra đời nhà hàng đầu tiên ở New Orleans của Arabi.

Nhưng sau sáu tháng hoạt động, tiệm ăn mới của Copeland vẫn trong tình trạng lỗ vốn. Trong nỗ lực cuối cùng của mình, Copeland chọn một công thức chế biến mới sử dụng hỗn hợp gia vị Cajun của bang Lousiana và đổi tên nhà hàng của mình thành Popeyes Mighty Good Fried Chicken, dựa theo tên nhân vật thám tử trong một bộ phim trinh thám của Pháp. Và chuỗi cửa hàng gà rán Popeyes nổi tiếng bắt đầu từ đó.

Năm 1976, Copeland bắt đầu cho phép nhượng quyền thương hiệu Popeyes và đến năm 1989, Popeyes đã có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ và nhiều nước khác. Đến tháng 03/1989, Popeyes, lúc này đang là chuỗi gà rán lớn thứ 3 tại Mỹ, đưa ra một quyết định táo bạo: Mua lại Church’s Chicken (được biết đến ở Việt Nam qua thương hiệu Texas Chicken) – chuỗi gà rán xếp thứ hai nước Mỹ chỉ sau KFC. Thương vụ này giúp Copeland sở hữu hơn 2.000 cửa hàng trên thế giới.

Tuy nhiên, Copeland đã nhanh chóng thất bại với lựa chọn này. Church’s Chicken trở thành một gánh nặng tài chính khổng lồ khi Copeland phải vay một số tiền rất lớn để thực hiện thương vụ thâu tóm. Và chỉ sau 2 năm, đến năm 1991, ông phải nộp đơn xin phá sản khi không thể xoay xở để trả khoản nợ từ vụ mua lại Church’s Chicken được nữa.

Mặc dù mất quyền sở hữu đối với hai chuỗi gà rán hàng đầu thế giới, Copeland vẫn nắm trong tay những công thức chế biến bí mật của Popeyes cũng như hợp đồng cung cấp gia vị độc quyền cho chính chuỗi này cho đến năm 2025. Năm 2014, Popeyes đã phải chấp nhận bỏ ra 43 triệu USD để mua lại công thức nấu ăn từ công ty của gia đình Copeland thay vì trả khoản phí 3,1 triệu USD mỗi năm cho công thức này.

Sau khi phá sản Popeyes, Copeland vẫn tiếp tục mở những nhà hàng, quán ăn mới mang tên mình nhưng không bao giờ có thể chạm tới thành công như ông từng đạt được trước đó. Ông qua đời vào năm 2008.

Và hiện nay Popeyes đang thuộc sở hữu của tập đoàn Restaurant Brands International.

TH