Huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực quốc phòng

22:45 22/11/2022

Tại Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có nội dung xây dựng cơ chế phát huy tối đa hiệu quả vốn đầu tư của các dây chuyền quốc phòng, an ninh trong phục vụ nhu cầu dân sinh; cơ chế ưu đãi, khuyến khích các cơ sở CNQP, cơ sở CNAN sản xuất sản phẩm kinh tế.

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng (CNQP), an ninh (AN) và động viên công nghiệp có một số điểm đáng chú ý:

Xây dựng cơ chế phát huy tối đa hiệu quả vốn đầu tư của các dây chuyền quốc phòng, an ninh trong phục vụ nhu cầu dân sinh; cơ chế ưu đãi, khuyến khích các cơ sở CNQP, cơ sở CNAN sản xuất sản phẩm kinh tế; Tạo cơ sở pháp lý để huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế công nghiệp dân sinh cho phát triển CNQP, AN lưỡng dụng.

Vì vậy, mục tiêu của chính sách CNQP, AN và ĐVCN chính là xây dựng các quy định, hành lang pháp lý để định hướng phát triển CNQP, AN có hàm lượng công nghệ lưỡng dụng cao, huy động sự tham gia của công nghiệp dân sinh trong hoạt động CNQP, AN. 

Huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực quốc phòng
Huy động tối đa năng lực sản xuất, công nghệ của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực quốc phòng.

Theo đó, để giải quyết triệt để các tồn tại, bất cập và động viên, thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội đóng góp cho CNQP, AN và ĐVCN, cần quy định khái quát tại Luật CNQP, AN và ĐVCN: Các khái niệm về lưỡng dụng, công nghệ lưỡng dụng,...; quy định các nguyên tắc về việc phải đánh giá các tiêu chí lưỡng dụng trong xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng và phát triển CNQP, AN.

Xây dựng chính sách ưu đãi về vốn để doanh nghiệp CNQP, AN đầu tư cho chuyển đổi sản xuất hàng kinh tế trên cơ sở dây chuyền công nghệ hiện có. Ưu đãi về thuế, phí,... đối với các mặt hàng kinh tế được sản xuất trên các dây chuyền quốc phòng, an ninh. Phân công chuyên môn hóa các cơ sở CNQP một số lĩnh vực công nghệ đặc thù lưỡng dụng phục vụ dân sinh: Hóa nổ, đóng tàu, quang điện tử, vũ trụ, vệ tinh, không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới...

Trong Luật cần giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất lĩnh vực, ngành nghề lưỡng dụng, Chính phủ phê duyệt để làm tiêu chí ưu tiên, định hướng chung cho các dự án đầu tư; quy định các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ lưỡng dụng; quy định các điều kiện nội địa hóa sản xuất, chuyển giao công nghệ lưỡng dụng đối với các hợp đồng nhập khẩu sản phẩm quốc phòng, an ninh. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đối với các dự án đầu tư của Nhà nước cho công nghiệp dân sinh, có đánh giá hiệu quả đáp ứng cho CNQP, AN. Quy định trong Luật cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế của công nghiệp dân sinh tham gia hoạt động CNQP, AN, quy định phạm vi, lĩnh vực hoạt động CNQP, AN mà công nghiệp dân sinh tham gia; chính sách thu hút của Nhà nước đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (cả trong nước và ngoài nước) tham gia hoạt động CNQP, AN quy định điều kiện tham gia các hoạt động CNQP, AN.

Thực hiện được các mục tiêu trên sẽ phát huy được hiệu quả đầu tư cho các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN do có đánh giá về tính lưỡng dụng, có xem xét các yếu tố về thị trường, có định hướng các ngành nghề, lĩnh vực lưỡng dụng; Các chính sách khuyến khích sản xuất hàng kinh tế trên các dây chuyền quốc phòng, an ninh giúp khai thác được công suất, nhân lực dôi dư của dây chuyền, nâng cao doanh thu cho các doanh nghiệp CNQPvà cơ sở CNAN. Giảm tải cho NSNN những chi phí để duy trì năng lực cho một số dây chuyền quốc phòng, an ninh.

Việc các dây chuyền CNQP tham gia sản xuất hàng kinh tế trong thời bình không chỉ giúp tận dụng hiệu quả vốn đầu tư mà còn giúp duy trì được năng lực sản xuất của dây chuyền quốc phòng trong thời bình, sẵn sàng sản xuất cho các tình huống thời chiến. Người dân và các doanh nghiệp được sống làm việc trong môi trường ổn định về xã hội, chính trị, an tâm lao động sản xuất, tạo sự tin tưởng trong toàn dân.

Các cơ sở CNAN tham gia sản xuất hàng kinh tế trong điều kiện tình hình an ninh trật tự bình thường, ổn định không chỉ giúp tận dụng hiệu quả vốn đầu tư mà còn giúp duy trì được năng lực sản xuất, góp phần đảm bảo cho các tình huống đột xuất, cấp bách, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Khắc phục được những hạn chế, bất cập các Pháp lệnh CNQP, cập nhật được các văn bản luật liên quan, luật hóa các quy phạm dưới luật hiện hànhđể phù hợp với tình hình hiện nay.

PV (t/h)