40% GDP Trung Quốc đang bị phong tỏa, Bắc Kinh kêu gọi tăng cường kích thích kinh tế

08:56 18/04/2022

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giữ nguyên chi phí vay của khoản vay chính sách trung hạn trong tháng thứ ba liên tiếp như dự kiến ​​vào 16/4, bất chấp việc Bắc Kinh kêu gọi tăng cường các gói kích thích kinh tế để giải quyết tình trạng suy giảm kinh tế khi đối mặt với một đợt bùng phát về số ca nhiễm Covid-19.

 

Ước tính có tới 40% GDP Trung Quốc đang bị phong tỏa do bùng dịch (Ảnh: Tân Hoa xã)
Ước tính có tới 40% GDP Trung Quốc đang bị phong tỏa do bùng dịch (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết họ đang giữ nguyên lãi suất đối với khoản vay cơ sở trung hạn (MLF) thời hạn 1 năm trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (23,52 tỷ USD) đối với một số tổ chức tài chính không đổi ở mức 2,85% từ hoạt động trước đó, để "duy trì thanh khoản hệ thống ngân hàng một cách hợp lý", theo một tuyên bố trực tuyến.

Điều này không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Thay vào đó, thị trường ngày càng mong đợi một sự nới lỏng hơn nữa về chính sách tiền tệ, cụ thể các ngân hàng đầu tư toàn cầu bao gồm Citi Bank dự kiến ​​việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) có thể được thực hiện sớm nhất là vào cuộc họp tới, với nhiều người kỳ vọng các biện pháp nới lỏng hơn vẫn đang được thực hiện. Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ việc cắt giảm RRR sắp tới sẽ là động thái nới lỏng cuối cùng  trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Chúng tôi tiếp tục dự đoán ngân hàng trung ương Trung Quốc có giảm thêm lãi suất 20 điểm cơ bản năm nay và thêm nhiều động thái tăng trưởng tín dụng." Ngân hàng trung ương cũng bơm 10 tỷ nhân dân tệ thông qua các hợp đồng thỏa thuận mua lại (repos) 7 ngày trong khi giữ nguyên chi phí đi vay ở mức 2,1%, theo một tuyên bố trực tuyến.

Sự lây lan nhanh chóng của các vụ COVID-19 gần đây đã khiến hàng chục thành phố trên khắp đất nước bị đình trệ, bao gồm cả trung tâm tài chính Thượng Hải, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn rộng rãi hơn đối với hoạt động kinh tế. Điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách sẽ cần đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn để đảm bảo nền kinh tế có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay, các nhà phân tích cho biết. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại 5,0% vào năm 2022 trong bối cảnh COVID-19 bùng phát mới và sự phục hồi toàn cầu đang suy yếu, gây áp lực lên ngân hàng trung ương để nới lỏng chính sách hơn nữa. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ có thể giảm sút mạnh vào tháng 3 kể từ khi bắt đầu lệnh phong tỏa. Theo tính toán của ngân hàng đầu tư Nomura, có tới 40% GDP của Trung Quốc đang bị phong tỏa.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang chịu áp lực tiêu cực từ đợt phong tỏa. Hang Seng Index đóng cửa hôm gần nhất ở mức 21,518 điểm, giảm 2.3% kể từ mốc giá đầu tháng 4. Nếu tính từ đầu năm 2022, chỉ số này đã giảm tới gần 8.5% do các thông tin tiêu cực không chỉ về đại dịch mà còn về khủng hoảng nợ của các tập đoàn bất động sản nước này. Tuy nhiên, điều lạc quan là lạm phát Trung Quốc khác với phần lớn thế giới và vẫn ở mức thấp, CPI tháng 3 chỉ tăng 1,5% dù PPI tăng tới 8,3%. Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn còn nhiều cơ hội để mạnh tay nới lỏng tiền tệ và kích thích tăng trưởng kinh tế khi chưa phải lo ngại về vấn đề lạm phát tăng cao kỉ lục và kéo dài như khu vực châu Âu và Mỹ, vốn chịu nhiều tác động xấu do giá năng lượng đến từ xung đột Nga-Ukraine.

Nguyễn Anh