28.000 công nhân Samsung đình công sau khi đàm phán về lương thưởng thất bại

17:15 07/06/2024

Các chuyên gia trong ngành lo ngại, cuộc đình công có thể dẫn đến gián đoạn sản xuất chất bán dẫn tại công ty chip nhớ hàng đầu thế giới, với thiệt hại tiềm tàng rất lớn.

Công nhân Samsung đình công (Nguồn: The New York Times)
Công nhân Samsung đình công (Nguồn: The New York Times).

Đài CNN đưa tin vào ngày 7/6, một Liên đoàn Lao động đại diện cho hàng chục nghìn công nhân tại Samsung Electronics ở Hàn Quốc tổ chức cuộc đình công đầu tiên trong lịch sử 55 năm của tập đoàn này.

Cụ thể, Liên đoàn Samsung Electronics toàn quốc (NSEU) vào tuần trước đã thông báo, 28.000 thành viên của mình - tương đương 1/4 tổng lực lượng lao động làm việc cho tập đoàn chuẩn bị đình công sau khi đàm phán về lương thưởng thất bại. Người đứng đầu NSEU Son Woo-mok cho biết, hôm nay nhiều công nhân sử dụng ngày nghỉ phép năm, tại một cơ sở tất cả công nhân đều nghỉ phép nên lực lượng thay thế phải đến làm việc.

Đại diện NSEL cho biết: "Mặc dù đã tổ chức 3 sự kiện văn hóa để giải quyết vấn đề thông qua đối thoại nhưng ban lãnh đạo đã đến bàn đàm phán mà không có bất kỳ chương trình nghị sự nào. Chúng tôi thực hiện các bước hướng tới một cuộc tổng đình công".

Theo hãng tin Reuters, nhiều thành viên NSEU làm việc cho đơn vị sản xuất hàng bán dẫn thuộc Samsung Electronics. 

Thời điểm diễn ra cuộc đình công đã được lựa chọn một cách chiến lược để giảm thiểu sự gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên, mối lo ngại đang gia tăng về những tác động lâu dài tiềm ẩn, bao gồm cả việc ngừng hoạt động và gây thiệt hại cho thương hiệu Samsung.

Các chuyên gia trong ngành lo ngại, cuộc đình công có thể dẫn đến gián đoạn sản xuất chất bán dẫn tại công ty chip nhớ hàng đầu thế giới, với thiệt hại tiềm tàng rất lớn. Thực tế, trong sản xuất bán dẫn, ngay cả một sự gián đoạn ngắn cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng kể.

"Các cơ sở sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực đáng kể để trở lại hoạt động nếu gặp bất kỳ gián đoạn nào, dù ngắn ngủi đến đâu. Sự liên tục liền mạch của các hoạt động là điều tối quan trọng trong các nhà máy bán dẫn, do đó một cuộc đình công có thể khiến quá trình sản xuất bị đình trệ, dẫn đến thiệt hại tài chính đáng kể cho công ty", Giáo sư kỹ thuật bán dẫn Lee Jong-hwan tại Đại học Sangmyung (Hàn Quốc) cho biết.

Một ví dụ được các nhà phân tích đưa ra là vào năm 2019, Samsung Electronics đã phải chịu khoản lỗ hơn 50 tỷ won (khoảng 36 triệu USD) khi mất điện kéo dài 28 phút xảy ra tại nhà máy Pyeongtaek. Tương tự, trong mùa Đông năm 2021, tình trạng mất điện do đợt lạnh đã buộc nhà máy Austin (Texas, Mỹ) phải tạm ngừng sản xuất kéo dài gần một tháng, dẫn đến thiệt hại tài chính ước tính khoảng 400 tỷ won.

Kim Dae-jong, Giáo sư ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong (Hàn Quốc), thậm chí dự đoán rằng, Công đoàn Samsung sẽ đình công một lần nữa nếu các cuộc đàm phán với công ty không tiến triển tốt, điều này có thể trở thành một yếu tố quan trọng làm giảm khả năng cạnh tranh của nhà sản xuất chip trước các đối thủ mạnh.

"Samsung hiện đang phải vật lộn với nhiều thách thức khác nhau, chẳng hạn như những khó khăn trong thị trường chip nhớ hiệu suất cao cho trí tuệ nhân tạo (HBM AI). Do đó, kết quả xử lý các cuộc đàm phán với công đoàn sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của hãng" - Giáo sư Kim Dae-jong nhấn mạnh.

Đáng nói, cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử Samsung diễn ra trong một thời điểm rất quan trọng. Năm nay vốn đặc biệt có ý nghĩa đối với Chủ tịch Lee Jae-yong, người đang nỗ lực củng cố tầm nhìn "New Samsung" được đề xuất vào năm 2018. Chủ tịch Lee hiện đang có chuyến công tác tới Mỹ, nơi ông dự định tổ chức khoảng 30 cuộc họp với các công ty lớn, các thành viên Quốc hội Mỹ và các cơ quan Chính phủ trong hơn hai tuần.

Chưa kể, thời điểm này, Samsung cũng đang tập trung vào việc tăng thị phần và khả năng cạnh tranh công nghệ trên thị trường bộ nhớ băng thông cao, rất quan trọng đối với chất bán dẫn AI. Mới đây, Samsung đã bổ nhiệm Phó Chủ tịch Jun Young-hyun làm người đứng đầu bộ phận DS, báo hiệu hành động quyết liệt trong giai đoạn quan trọng này.

Liên minh Công đoàn của công nhân kim loại đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của NSEL. Phó Chủ tịch Liên minh Công đoàn của công nhân kim loại cho biết: "Chúng tôi sẽ chiến đấu bên cạnh các công nhân của Samsung, vượt qua các liên kết và tổ chức cao hơn".

Tuy nhiên, không phải tổ chức nào cũng đồng tình. Liên đoàn Lao động siêu doanh nghiệp của Tập đoàn Samsung, bao gồm 5 chi nhánh của Samsung và khoảng 19.800 thành viên, đã chỉ trích hành động của NSEL.

Đại diện Liên đoàn Lao động siêu doanh nghiệp cho biết: "Các hoạt động và hồ sơ cuộc họp gần đây cho thấy hành động của NSEL nhằm mục đích tạo điều kiện liên kết với tổ chức cấp trên (KCTU) hơn là cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên. Chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động tấn công công ty và các Công đoàn khác của NSEL".

Liên đoàn Lao động siêu doanh nghiệp nhấn mạnh thêm rằng, những hành động như vậy có thể gây tổn hại đến hình ảnh thương hiệu Samsung, vốn đã được xây dựng tỉ mỉ trong nhiều thập kỷ qua.

Vài năm gần đây nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới đối mặt với không ít khó khăn, từ tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng hồi đại dịch COVID-19 cho đến kinh tế toàn cầu bất ổn khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Nhưng tình hình đang tốt dần nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển bùng nổ. Có khả năng nhu cầu thiết bị di động sẽ tăng lên trong năm nay, đặc biệt khi các sản phẩm điện thoại thông minh mới trang bị AI hỗ trợ được tung ra. Tháng trước Samsung Electronics báo cáo lợi nhuận quý 1/2024 tăng hơn 10 lần.

Trung Anh (t/h)

Tags: