10 startup tiêu biểu nhận 10.000 USD hỗ trợ từ Qualcomm Việt Nam

16:44 09/03/2023

10 nhóm startup đến từ nhiều lĩnh vực sẽ được nhận hỗ trợ tài chính từ Qualcomm Việt Nam trị giá 10.000 USD để tiếp tục phát triển dự án của mình trong 8 tháng tới.

Qualcomm Technologies Inc, công ty con của Qualcomm Incorporated, vừa chính thức công bố danh sách những công ty lọt vào vòng ươm tạo của chương trình “Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2023 – Qualcomm Vietnam Innovation Challenge 2022 – QVIC 2023”.

10 nhóm khởi nghiệp đến từ các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như thành phố thông minh, rô bốt, tự động hóa, Internet vạn vật (IoT), nông nghiệp thông minh, và nhiều lĩnh vực khác sẽ được nhận hỗ trợ tài chính trị giá 10.000 USD mỗi đội để tiếp tục phát triển dự án của mình trong 08 tháng tới khi tham gia giai đoạn ươm tạo bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện kinh doanh và đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, các đội sẽ được hỗ trợ chi phí khi nộp bằng sáng chế và có cơ hội thắng giải thưởng tiền mặt trị giá 100.000, 75.000 và 50.000 USD trong chương trình chung kết. 

Các đội vàochung kết QVIC2023. (Nguồn: Qualcomm).
Các đội vào chung kết QVIC2023. (Nguồn: Qualcomm).

Những công ty vượt qua vòng loại được lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí, bao gồm năng lực kỹ thuật, sản phẩm sáng tạo và các công nghệ có thể được cấp bằng sáng chế, cũng như có sự liên quan và phù hợp với quá trình chuyển đổi số quốc gia và thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam.

Danh sách các công ty vào chung kết QVIC2023 (sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái):

•       Công ty TNHH Alpha Asimov Robotics – Robot giao hàng tự động

•       Công ty TNHH Alternō Việt Nam – Lưu trữ năng lượng nhiệt không phát thải chi phí

thấp

•       CTCP Khoa học Công nghệ Bách Khoa TP.HCM – Đồng hồ nước thông minh

•       Benkon Corp.– Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho máy điều hòa không khí

•       EyeQ Tech – Giải pháp chìa khóa thông minh để nhận/trả phòng khách sạn

•       Công ty cổ phần Next Robotics – Robot di động tự hành

•       Công ty Cổ phần NextVision –Hệ sinh thái nông nghiệp thông minh nền tảng mở

•       CTCP Công nghệ RYNAN – Hệ thống giám sát côn trùng thông minh

•       Công ty Cổ phần Công nghệ Wiibike Việt Nam – Dịch vụ vi di động điện

•       Công ty TNHH Công nghệ XB – Giao hàng bằng máy bay không người lái dựa trên kết  nối di động

Chính thức ra mắt từ tháng 12/2019, Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam được tổ chức nhằm xác định và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động trong  lĩnh vực công nghệ đầy tiềm năng của Việt Nam. Chương trình với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển hệ sinh thái công nghệ đang lên bằng cách tìm kiếm và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiết kế các sản phẩm 5G, IoT, học máy, thành phố thông minh, thiết bị đeo và đa phương tiện sử dụng nền tảng và công nghệ di động Qualcomm Technologies và có thể hưởng lợi ích về chuyên môn từ các chuyên gia của Qualcomm trong các lĩnh vực này. 

10 công ty được chọn sẽ tham gia vào giai đoạn ươm tạo, qua đó tiếp nhận hướng dẫn về kinh doanh và kỹ thuật từ các chuyên gia của Qualcomm tại phòng thí nghiệm R&D ở Hà Nội, cũng như hỗ trợ giải quyết các vấn đề xảy ra trong quá trình phát triển kế hoạch từ đội ngũ Qualcomm. Phòng lab của Qualcomm tại Hà Nội cung cấp các chức năng liên quan đến ML/AI (máy học/trí tuệ nhân tạo), thí nghiệm camera, âm thanh, kiểm tra tín hiệu RF, xử lý sự cố nhiệt và mô-đem.

Trong danh sách này có những cái tên đáng chú ý như Alpha Asimov Robotics. Alpha Asimov Robotics dù chưa nổi tiếng lắm, nhưng Founder của startup này thì có. Founder Nguyễn Tuấn Anh của Alpha Asimov Robotics từng là Giám đốc Sáng lập Grab Việt Nam và CEO VinID.

Alpha Asimov Robotics của Nguyễn Tuấn Anh (bên trái) - cựu Giám đốc Sáng lập Grab Việt Nam và CEO VinID
Alpha Asimov Robotics của Nguyễn Tuấn Anh (bên trái) - cựu Giám đốc Sáng lập Grab Việt Nam và CEO VinID.

Cùng cạnh tranh trong lĩnh vực robot còn có cái tên Next Robotics - một đơn vị trực thuộc FPT Software, được thành lập vào tháng 12 năm ngoái. Next Robotics đặt trọng tâm vào sản phẩm robot tự hành thông minh (NextAMR). 

Công ty khởi nghiệp này cho biết, NextAMR là robot tự hành sử dụng trong sản xuất công nghiệp được thương mại hoá rộng rãi đầu tiên do người Việt chế tạo. Ngoài ra, Next Robotics cũng đang phát triển các dòng robot chuyên dụng cho nhà kho và trung tâm phân phối hàng hoá.

Trong danh sách 10 nhóm khởi nghiệp năm nay, chỉ có duy nhất 1 ứng viên là nữ. Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 1988), Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Wiibike Việt Nam.

Wiibike Việt Nam được biết đến là 1 startup về công nghệ giao thông xanh, thành lập năm 2019. Sản phẩm chủ lực của Wiibike chính là dòng xe đạp trợ lực điện sử dụng pin Lithium-ion (giải Nobel hoá học năm 2018), thân thiện với môi trường so với các dòng xe đạp điện sử dụng ắc quy chì. 

CEO Thu Hằng trò chuyện cùng các khách hàng tại mô hình mới Bikes Coffee Center.
CEO  Nguyễn Thị Thu Hằng trò chuyện cùng các khách hàng tại mô hình mới Bikes Coffee Center.

Sau khi gọi vốn thành công tại SharkTank Việt Nam, nữ CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng đã ra mắt mô hình mới tại 81 Nhật Chiêu (Tây Hồ, Hà Nội) - Trung tâm chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa xe đạp. Tại đây, khách hàng có thể sạc xe, bơm xe, bảo dưỡng miễn phí.

Tiến sĩ Trần Mỹ An, Phó Chủ tịch Kỹ thuật, Tập đoàn Qualcomm cho biết: "Đây là năm đầu tiên chúng tôi nhận được nhiều đơn đăng ký từ miền Trung Việt Nam. Hai công ty Đà Nẵng đã được chọn để tham gia chương trình năm 2023. Năm nay chúng tôi cũng nhận được số lượng đơn đăng ký lớn nhất so với các năm trước. Điều này thể hiện rõ ràng sức mạnh ngày càng tăng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và sự thành công của chương trình QVIC trong việc hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi số của Việt Nam".

Thu Trà (t/h)