10 start-up Việt lọt top “người khổng lồ” Asia Pacific

12:00 08/08/2022

Báo cáo "Emerging Giants in Asia Pacific" (tạm dịch: “Những start-up đang lên ở châu Á – Thái Bình Dương”) do KPMG và HSBC vừa công bố đã cho thấy 10 công ty tư nhân Việt Nam trong danh sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Startup vốn đã là một trào lưu sôi động trên khắp thế giới trong nhiều thập niên qua. Và cả ở Việt Nam, trong 1 thập niên trở lại đây, sự hình thành và trỗi dậy của các công ty startup khởi nghiệp đã trở thành một hiện tượng nóng. Tại thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam mới chỉ có 1.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, con số này giờ đây đã tăng lên hơn 3.000 theo nền tảng thống kê khởi nghiệp Tracxn - trong đó có 4 doanh nghiệp được xếp hạng “kỳ lân”. 

Ảnh minh họa
10 start-up Việt lọt top “người khổng lồ” Asia Pacific.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Khối Tư vấn Doanh nghiệp Tư nhân tại KPMG Việt Nam cho biết: "nếu nhìn vào danh sách 10 start-up đang lên, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự hiện diện đều của các lĩnh vực, từ tiền điện tử, thương mại điện tử, đến y tế, giáo dục, fintech và bất động sản. Tuy nhiên, tất cả các công ty này đều tận dụng những lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ và tìm cách nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Điều này được thấy không chỉ ở các start-up Việt Nam mà trên toàn khu vực".

Động lực chính thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam chính là một nền đân số đông và trẻ không ngại thử nghiệm và tiếp nhận sản phẩm tiêu dùng công nghệ mới. Các công ty startup khởi nghiệp nói chung và các startup ở Việt Nam nói riêng, nhìn chung đều là những doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn đầu của sự nghiệp với quy mô nhỏ và chưa xây dựng được một nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, với thế mạnh của sức trẻ, sự hiểu biết và khả năng tận dụng công nghệ, chưa bàn đến tính khả thi thì các founder của startup thường đem lại bất ngờ.

Mặc dù GDP bình quân trên đầu người còn tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác. Tăng trưởng được dự báo đạt 5,5% cho năm 2022 và 6,5% cho năm 2023, gần đạt tốc độ tăng trưởng như thời trước COVID-19 theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho các công ty thuộc nhóm ngành kinh tế mới thông qua Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia. Trước đó, vào năm 2017, Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính, để tham mưu và đề xuất kế hoạch hành động hàng năm cho Ngân hàng Nhà nước nhằm xây dựng một hệ sinh thái phù hợp.

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: “Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trí thức, độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng”.

Trong khi thương mại điện tử chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu bán lẻ, giá trị của mảng này đã tăng hơn gấp rưỡi vào năm 2021. Luke Treolar - Giám đốc Chiến lược tại KPMG Việt Nam nói thêm: “Tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy được dự báo có thể duy trì trong vài năm tới. Nếu điều đó xảy ra, tới cuối thập niên này, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số lớn thứ nhì Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia”.

HH (t/h)