Xung quanh chuyện duyệt phim: Khi người " gác cửa" tắc trách

00:00 12/10/2020

Hội đồng duyệt phim quốc gia trong một năm thường phải xem để quyết định số phận được ra rạp hay không khoảng 200 phim ngoại nhập và 40 phim nội - một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, với những sai sót trong kiểm duyệt phim nhập vào và cả những bất cập trong kiểm duyệt cấp phép phim trong nước, người làm điện ảnhvà công chúng đang không khỏi thất vọng về cái gọi là trách nhiệm của họ đối với những sản phẩm văn hóa điện ảnh mà họ được trao quyền kiểm duyệt.

Những sai sót không thể chấp nhận

Bộ phim “Everest - người tuyết bé nhỏ” (Abominable) chính thức bị rút khỏi các rạp chiếu ở Việt Nam bởi sự cố Hội đồng thẩm định đã để lọt kiểm duyệt những cảnh phim có cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Lãnh đạo Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia đã lên tiếng nhận trách nhiệm về những sai sót của mình. Có một lý do mà một thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia đưa ra, là một năm họ phải duyệt rất nhiều phim, nên sai sót khó tránh khỏi và đó chỉ là “mấy giây” lơ là. Năm ngoái, Hội đồng này cũng để xảy ra sai sót khi duyệt phim “Điệp vụ Biển đỏ”, có hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ “South China Sea” (tức Biển Đông). Nhưng cho đến nay, ngoài việc rút phim khỏi rạp, chưa có bất kỳ hình thức xử lý thoả đáng nào để những thành viên thuộc Hội đồng duyệt phim quốc gia nhìn nhận nghiêm túc, xác đáng về vai trò của mình. Nếu trong vụ việc phim “Điệp vụ Biển đỏ” chúng ta có chế tài xử lý nghiêm túc chuyện “mấy giây” trên phim từ những vụ việc trước đó thì có thể Hội đồng duyệt phim sẽ cẩn trọng hơn trong các lần duyệt sau, có thể đã không có sự cố mấy giây “đường lưỡi bò” vừa rồi. Được biết, Hội đồng duyệt phim quốc gia hiện có 11 người, và hầu hết công việc của họ là kiêm nhiệm, chứ không phải chỉ chuyên tâm chuyện kiểm duyệt phim. Việc quanh quẩn bao năm Hội đồng cũng chỉ có từng đấy thành viên, không có sự luân chuyển để làm mới, đa dạng cách nhìn nhận, đánh giá trong làm phim dễ mang đến sự tắc trách, thủ cựu. Và chuyện các thành viên phải chịu sức ép vì xem phim quá nhiều trong một năm là không tránh khỏi.

Phim Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh đường lưỡi bò đã rút khỏi các rạp chiếu ở Việt Nam.

Nhưng dù thế nào, việc Hội đồng “đổ thừa” 1 năm duyệt hàng trăm phim nên dễ sai sót là vô lý, khó có thể chấp nhận. Chúng ta không thể để những sai sót lặp đi lặp lại như vậy. Bởi vì có những cái sai chỉ 1-2 giây nhưng ảnh hưởng của nó, hậu quả của nó tới công gây ra là vô cùng lớn. Những sai sót mà Hội đồng duyệt phim quốc gia vừa để xảy ra trong phim “Everest - người tuyết bé nhỏ” ít nhiều cho thấy việc duyệt phim còn hời hợt, nặng về cảm tính, thiếu nguyên tắc. Nhiều nhà nghiên cứu, học giả đã lên tiếng cho rằng, Hội đồng thấy phim hoạt hình thì chủ quan cho qua, chứ nếu các thành viên hội đồng đều tập trung, cẩn trọng, nghiêm túc với mọi bộ phim, mọi thể loại phim thì không thể có sai sót đó được. Vì trên thực tế, một khán giả bình thường khi xem phim còn phát hiện ra tấm bản đồ có đường lưỡi bò đó, vậy tại sao cả một Hội đồng có nghề trong xem và đánh giá phim lại bỏ lọt? Mặc dù Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định là các thành viên Hội đồng đều rất có trách nhiệm, không ai ngủ gật trong duyệt phim, nhưng khán giả có quyền nghi ngờ rằng họ không chỉ ngủ gật khi duyệt phim mà thậm chí còn không xem phim.
Cần " cải tổ" hội đồng duyệt phim

Việc duyệt phim “vào” chiếu ở thị trường trong nước thì như vậy, xem chừng quá dễ dãi, đơn giản, tắc trách, nhưng việc duyệt phim “ra” cho các phim trong nước thì Hội đồng xem dường như lại quá khắc nghiệt. Cùng thời điểm này, hãy nhìn số phận phim “Ròm” của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy. Phim vừa được nhận giải thưởng “New Currents” tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) và đang đứng trước nguy cơ không được phát hành.

Ngày 14/10 vừa qua, Thanh tra Bộ VHTTDL đã quyết định phạt hành chính đơn vị làm phim “Ròm” 40 triệu đồng vì “vi phạm pháp luật”, phim chưa được cấp phép đã gửi đi dự Liên hoan và buộc phải tiêu hủy “tang vật” là bản phim gửi dự thi. Phải hủy bộ phim, đây là một “cái án” quá nặng, và nghe có vẻ buồn cười, khi mà nó đã được chiếu trong một Liên hoan phim quốc tế và được trao một giải thưởng rất quan trọng. Nhà sản xuất và đạo diễn phim “Ròm” cho rằng, đánh giá của Cục Điện ảnh thẩm định là có phần nghiệt ngã khi cho rằng phim “thiếu tính nhân văn”,“phản ảnh mặt trái xã hội quá đen tối”. Yêu cầu phải cắt gọt phim một cách thái quá của Hội đồng thông qua khâu duyệt phim cũng là nỗi ám ảnh của nhiều đơn vị sản xuất phim, nhiều đạo diễn. Mặc dù phim “Ròm” đang bị xử phạt, vì tội đi thi “chui”, nhưng việc đánh giá, công nhận của một Liên hoan phim quốc tế uy tín như Liên hoan phim Busan liệu có khiến cho chúng ta ít nhiều suy nghĩ? Có mâu thuẫn gì chăng khi cùng một bộ phim, Hội đồng duyệt trong nước yêu cầu chỉnh sửa nhiều, thậm chí có những nhận xét không mấy sáng sủa thì lại được đánh giá cao tại một Liên hoan phim quốc tế uy tín? Đạo diễn trẻ Phan Đăng Di lên tiếng: “Dường như chúng ta đang cư xử thái quá với bộ phim của một đạo diễn trẻ. Phải có sự công khai để xem bộ phim có đáng bị đối xử như vậy không. Những ý kiến đưa ra từ Hội đồng duyệt mang tính chất áp đặt và không công khai. Những câu từ nêu trong công văn nhận xét về phim rất mơ hồ, có thể dẫn đến những suy diễn nguy hiểm cho người làm phim”.

Phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy đang chịu án phạt của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Từ số phận của hai bộ phim, một là phim ngoại nhập và một là phim trong nước sản xuất, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra so sánh và nhận định. Liệu qua khâu kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim quốc gia, quyền lợi của người xem, quyền lợi của người sáng tạo và trách nhiệm của Hội đồng đã hài hòa, đã “gặp nhau một mối”? Hội đồng đã thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để vừa tạo điều kiện cho các nhà làm phim trong nước có cơ hội được thể hiện mình, đồng thời công chúng cũng được thưởng thức nhiều hơn những bộ phim hoàn chỉnh không bị “gọt đầu gọt đuôi” quá nhiều. Thậm chí có đạo diễn còn nói vui, giá mà với phim ngoại khi kiểm duyệt vào chiếu trong nước, Hội đồng thẩm định cũng khắt khe như duyệt phim trong nước thì tốt biết mấy. Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận lại tình trạng duyệt phim “bên lỏng bên chặt” hiện nay của một Hội đồng có quyền quyết định sống còn với số phận của các bộ phim. Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, với phim trong nước, Hội đồng duyệt phim quốc gia thực chất chỉ là một Hội đồng “cắt, cấm” là chính. Họ không rõ ràng trong nguyên tắc hoạt động và chưa khi nào đưa ra được những khuyến cáo cần thiết dành cho các nhà làm phim cũng như với công chúng để chúng ta có thể có một hình dung cơ bản về thành tựu, xu hướng hay những vấn đề tồn tại của điện ảnh trong nước. Tại một hội nghị gần đây, liên quan đến vấn đề kiểm duyệt, đại diện Hãng phim Chánh Phương đề nghị cần công khai giới thiệu các thành viên thẩm định, kiểm duyệt phim trong Hội đồng để chia sẻ, tham vấn, đối thoại với các nhà làm phim về những vấn đề còn tồn đọng trong tác phẩm điện ảnh giai đoạn kiểm duyệt phim.

Trên thực tế, có không ít trường hợp những bộ phim khi ra rạp dù qua ải kiểm duyệt nhưng lại bị gắn nhãn hạn chế không thật sự thỏa đáng, tăng độ tuổi giới hạn khán giả. Và ngược lại, có những trường hợp rõ ràng không thích hợp cho trẻ em nhưng vẫn không hề bị gắn nhãn. Phim nước ngoài với nhiều cảnh giết chóc, máu me hay phản cảm vẫn được ra rạp trong khi “vòng kim cô” cho phim Việt dường như khắt khe hơn. Một số chuyên gia cho rằng, đối với những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh cần khái quát những nội dung bị cấm và cụ thể những chi tiết cấm. Số liệu thống kê của Cục Điện ảnh giai đoạn 2007-2018 cho biết, có tổng cộng 223 phim không cho phép phổ biến vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, con số này quá nhỏ so với số lượng phim đã được Hội đồng cấp phép. Công chúng có quyền đặt câu hỏi, ngoài những trường hợp bị phát hiện, còn những bộ phim nào có chứa các yếu tố nhạy cảm hay không phù hợp với từng đối tượng khán giả nhưng vẫn thản nhiên ra rạp. Chính vì vậy, thiết nghĩ ngành Văn hóa cần phải mạnh dạn cải tổ phương thức kiểm duyệt phim trì trệ hiện nay, tạo môi trường thông thoáng cho điện ảnh phát triển. Tình trạng chỉ có một Hội đồng độc quyền kiểm duyệt cấp phép tất cả các phim nhập khẩu cũng như phim trong nước sản xuất ra e rằng sẽ dẫn đến việc chủ quan duy ý chí, muốn làm gì thì làm, lợi bất cập hại. Mặt khác, cách thức duyệt phim của ta hiện nay cũng được xem là đã lạc hậu, một mình một kiểu, “không giống ai”. Trong kiểm duyệt phim, quy định cho một bộ phim đủ tiêu chuẩn được cấp phép hay không còn quá chung chung, không rõ ràng, gây cảm giác sợ hãi mơ hồ cho người làm điện ảnh. Các biện pháp hành chính cũng mang tính áp đặt, thiếu sức thuyết phục, thậm chí có những hành xử khiến cho công chúng cảm thấy Hội đồng đang đi ngược với xu thế phát triển của điện ảnh trong khu vực và trên thế giới. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng: “Chừng nào những quy định về duyệt phim rõ ràng, cụ thể hơn thì lúc ấy nhiều đạo diễn sẽ yên tâm làm phim hơn. Quy chế duyệt phim và những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh của Luật Điện ảnh hiện nay vẫn còn chung chung và hiện đã “lỗi thời” so với sự phát triển của điện ảnh thế giới”.

Rõ ràng, việc cải tổ Hội đồng kiểm duyệt phim hiện nay là cần thiết, nhưng cải tổ cụ thể ra sao thì đó là bài toán ngành Văn hóa cần phải giải được trong thời gian sớm nhất có thể. Chúng ta không nên tiếp tục để những sai sót lặp lại như câu chuyện “đường lưỡi bò” vừa rồi, gây tổn hại đến an ninh quốc gia và làm tổn thương công chúng điện ảnh.

Vũ Quỳnh