Xuất khẩu 'chạy nước rút' về đích

00:00 12/10/2020

Sau giai đoạn bị gián đoạn vì COVID-19 do đối tác huỷ, hoãn đơn hàng, hoạt động xuất khẩu đang cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại.

 

 

 

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 187,9 tỷ USD. Với thời gian hơn 3 tháng còn lại, liệu rằng Việt Nam có đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra là 300 tỷ USD trong năm nay.

Dồn dập đón tin vui

Sáng ngày 22/9, lô hàng gạo thơm của Việt Nam chính thức xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, đánh dấu cột mốc quan trọng với ngành lúa gạo Việt Nam.

Xuat-khau-2020-2496-1600769332.jpg

Xuất khẩu tăng tốc để đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, đây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. EU là thị trường nhập khẩu gạo rất lớn từ 2,3 – 2,5 triệu tấn/năm. Vì vậy, Việt Nam kiểm soát tốt chất lượng thì chắc chắn sắp tới hạn ngạch xuất khẩu gạo sẽ tăng lên.

Trước đó, nhiều lô hàng tôm, trái cây cũng đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất ưu đãi. Có thể nói trải qua giai đoạn khó khăn, ngành nông nghiệp đang "hái những trái ngọt" từ Hiệp định EVFTA.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT công ty thuỷ sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) hồ hởi cho hay doanh nghiệp của mình đã nhận được đơn hàng từ giờ tới cuối năm. Sau giai đoạn chững lại vì dịch COVID-19, thời gian gần đây, Công ty nhận được nhiều lời chào mời từ các đối tác nhập khẩu.

"Riêng đối với thị trường EU, sản phẩm thủy sản chế biến của doanh nghiệp phải chờ tới 3-5 năm, thuế suất mới về 0%. Tuy vậy, sản phẩm của chúng tôi đang được người châu Âu rất ưa chuộng, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 người dùng có xu hướng ăn uống tại nhà thay vì ra ngoài nhà hàng", ông Lĩnh nói.

Tương tự, đặt mục tiêu năm 2020, lượng hàng xuất khẩu của công ty phải chiếm 20% sản lượng sản xuất, bà Trần Thị Hoài Tú, Giám đốc Xuất khẩu Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn, cho biết doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu này. Hiện, Công ty đang xuất khẩu sản phẩm sang các nước ASEAN, Đông Á, sắp tới sẽ phấn đấu xuất khẩu sang Mỹ.

Cụ thể, Thạch Bàn sử dụng công nghệ để thay đổi phương thức kinh doanh, phát triển thị trường. "Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi sử dụng ứng dụng nền tảng thương mại điện tử trong việc phát triển khách hàng, mạng lưới kinh doanh của Công ty", bà Tú cho biết.

Đặc biệt, đại diện Thạch Bàn cho hay doanh nghiệp này đang đẩy mạnh bán hàng trên trang thương mại xuyên biên giới Alibaba. Bà Tú chia sẻ kinh nghiệm: "Để thu hút khách hàng trên Alibaba, doanh nghiệp cần có chiến lược nhất quá xây dựng hồ sơ Công ty chất lượng, đăng hình ảnh sản phẩm đẹp, từ khóa đúng với ngành hàng tìm kiếm. Ngoài việc nâng cấp, xây dựng nội dung trên Alibaba, doanh nghiệp còn duy trì sự hiện diện của mình trên nền tảng số, tư vấn trả lời khách hàng hàng ngày".

Tìm bạn hàng trực tuyến

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, đại diện Thạch Bàn cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tạo điều kiện giúp doanh nghiệp thực hiện đơn giản các thủ tục xuất khẩu. "Chúng tôi mong muốn cơ quan chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó có nguồn lực chăm sóc khách hàng và cải thiện sản phẩm nhiều hơn", bà Tú kiến nghị.

Trong khi đó, ông Lĩnh cho rằng dù hoạt động xuất khẩu đã có những tín hiệu khởi sắc xong điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp đã hết khó khăn. Trong lúc này, Chính phủ vẫn cần đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, giảm thuế, chi phí bảo hiểm xã hội... để doanh nghiệp hồi phục.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phản ánh trong bối cảnh khó khăn chung của doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang nỗ lực tối đa thông qua cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thuế, phí, lãi vay cho doanh nghiệp thì kinh phí công đoàn vẫn đang đè nặng lên đôi vai doanh nghiệp và người lao động.

Theo đại diện VASEP, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trích nộp là 2% quỹ tiền lương. Người lao động đóng tiền đoàn phí công đoàn là 1% tiền lương. Với mức đóng nộp như hiện nay thì cả nước với 18-20 triệu lao động làm công ăn lương thì nguồn thu đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn là khoảng 24.000 tỷ đồng/năm.

"Ước tính một doanh nghiệp sử dụng 2.000 công nhân viên phải đóng khoảng 2 tỷ/năm tiền phí công đoàn. Như vậy, doanh nghiệp càng tạo ra nhiều công ăn việc làm lại càng phải nộp kinh phí cao", ông Nam phản ánh.

Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Hình thành được hệ thống nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường chuyên sâu cho các ngành hàng chủ lực, rà soát, xác định các thị trường mục tiêu tiềm năng (căn cứ các tiêu chí về dung lượng, nhu cầu thị trường, cam kết FTA với Việt Nam).

Bên cạnh đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết đơn vị này sẽ tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.

"Chú trọng công tác quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử và đề nghị đối tác có thể thẩm tra năng lực của doanh nghiệp mình thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại trong bối cảnh dịch bệnh không thể thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Phú nhấn mạnh. 

Lê Thúy