Vực dậy ngành gỗ sau dịch Covid-19: Gỡ vướng từ chính sách

00:00 12/10/2020

Để hỗ trợ cho các DN ngành gỗ phục hồi sau dịch Covid-19, một loạt chính sách đã được thông qua. Dù vậy, hiệu quả thực thi của các gói hỗ trợ này vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề mộc Vân Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Trọng Tùng

Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách

Một trong những chính sách đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua để hỗ trợ các DN gặp khó khăn sau dịch Covid-19 là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện cho biết, qua khảo sát, hầu hết các DN thành viên đã được các ngân hàng thương mại hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01. Tuy nhiên, mức độ thực hiện thông tư này lại chưa thống nhất giữa các đơn vị.

Kết quả khảo sát hơn 200 DN ngành gỗ mới đây cho thấy, chỉ có 7% DN hoạt động bình thường; 86% DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, còn lại 7% DN đã phải ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng, nguyên vật liệu và vốn đầu tư.

Đơn cử như về hạ lãi suất cho vay, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) hạ lãi suất cho vay cả VND và USD, nhưng một số đơn vị khác như Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ hạ lãi suất cho vay VND, trong khi, DN ngành gỗ thường vay cả VND và USD.

Đối với chính sách giảm lãi suất (từ 0,5 - 2,5%/năm), các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai đến các DN. Tuy nhiên, các ngân hàng đều đưa ra quy định rất chặt chẽ. Việc cho vay cần nhiều thời gian thẩm định. Chính vì vậy, đến nay rất ít DN ngành gỗ tiếp cận được gói chính sách về tín dụng.

Trong khi đó, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất lại được đánh giá là chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của các DN. Nguyên nhân là bởi chi phí thuê đất chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu vốn sản xuất. Mặt khác, đối với các DN ngành gỗ, việc trả tiền thuê đất thường đã được thực hiện từ đầu năm, hoặc cho giai đoạn 3 - 5 năm.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách

Theo đánh giá, các chính sách hỗ trợ phục hồi ngành gỗ sau tác động của dịch Covid-19 được ban hành tương đối kịp thời. Dù vậy, để các DN tiếp cận được với các gói hỗ trợ nhanh và hiệu quả nhất, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm, xem xét bổ sung chính sách mới để hỗ trợ DN như: Gia hạn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội, miễn nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian nghỉ việc do dịch bệnh.

Cùng với đó, nghiên cứu, ban hành chính sách hoàn thuế VAT ngay sau khi xuất khẩu hàng hóa. Bổ sung gói tín dụng cho DN vay vốn lãi suất thấp để trả lương cho người lao động. Đồng thời, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, dù vừa trải qua những tác động lớn từ dịch Covid-19, tuy nhiên, ngành gỗ vẫn có tiềm năng, lợi thế phát triển rất lớn. Điều quan trọng là các DN phải biết “đón đầu xu hướng” để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng.

Nhằm từng bước vực dậy ngành gỗ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc hoàn thiện các chính sách là cấp thiết. Trước mắt, Bộ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm bớt điều kiện khi vay đối với các các DN, đặc biệt là quy định phải có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, hay vay và trả nợ đúng hạn. Bởi thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều DN khó có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh hiệu quả và cũng khó có thể trả nợ đúng hạn, do các nhà nhập khẩu chậm thanh toán.

Đối với Bộ NN&PTNT, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp cùng các hiệp hội phát triển và mở rộng thị trường. Nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển gỗ nguyên liệu gỗ quốc gia nhằm chủ động nguồn nguyên vật liệu trong nước, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Cùng với đó, đổi mới phương thức giao dịch, bán hàng và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho gỗ Việt.

Trọng Tùng