Việt Nam sẽ sớm có vị thế trong lĩnh vực công nghiệp 4.0

00:00 12/10/2020

Trong khuôn khổ tọa đàm về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh tại Việt Nam được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS. Andreas Hauser đã dành cho Chất lượng Việt Nam online cuộc trao đổi về cách thức triển khai, tiềm năng và triển vọng về sản xuất thông minh tại Việt Nam.

Sẵn sàng thay đổi cải cách

Hiện nay Việt Nam đang rất quan tâm và muốn phát triển sản xuất thông minh. Theo ông, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có những tiềm năng như thế nào trong việc phát triển và triển khai sản xuất thông minh?

Vâng đầu tiên tôi nhận thấy Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vì các bạn đã có một số lĩnh vực sản xuất lớn. Do vậy, các bạn cần phát triển công nghiệp 4.0 để tiếp tục có vị thế thích hợp và thậm chí để tăng tính cạnh tranh. Nhưng điều quan trọng nhất là sự sẵn sàng thay đổi thể hiện qua việc rất nhiều người ở Việt Nam sẵn sàng học hỏi để nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, đất nước của các bạn cũng có thể tiến xa thông qua việc sử dụng các công nghệ mới để vượt qua các trung tâm sản xuất truyền thống. Nhưng điều cốt lõi vẫn là sự sẵn sàng thay đổi và cải cách.

Con người là yếu tố quan trọng, các bạn cần có những con người phù hợp do vậy việc đào tạo con người để giúp cải cách lĩnh vực sản xuất. Hơn nữa, các bạn cũng cần hiểu rằng công nghệ mới và các nhà máy trong tương lai sẽ trở nên tập trung hơn. Do vậy, các bạn có thể xây dựng các nhà máy gần nhất với thị trường. Đây là điều tôi nghĩ rất có lợi cho Việt Nam và các nước châu Á, vì đây là khu vực đang nổi lên. Như vậy, đất nước các bạn có tiềm năng rất lớn và điều cần làm là phải phát triển lĩnh vực này, bắt đầu càng sớm càng tốt vì hiện tại chúng ta có thể cảm nhận được sự gấp rút và cần thiết của việc phải thay đổi và cải cách.

Ông nghĩ như thế nào về một hệ sinh thái về sản xuất thông minh mà Việt Nam đang muốn phát triển?

Vâng hệ sinh thái chính là vấn đề cốt lõi. Công nghiệp 4.0 là chủ đề hết sức phức tạp với sự tham gia của nhiều bên liên quan như chính phủ, các viện nghiên cứu, các nhà sản xuất, doanh nghiệp. Do vậy, việc đặt các hệ sinh thái trên cùng nhau là hết sức cần thiết để chúng có thể hoạt động một cách trơn tru.

Điều mà chúng ta có thể thấy không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác đó là sự không thống nhất. Các cơ quan nhà nước khác nhau đang nhìn nhận vấn đề này theo nhiều cách khác nhau và rất khó để có sự thống nhất. Và khó khăn ở đây chính là làm sao để có sự thống nhất đó. Do vậy, việc có một tiêu chuẩn toàn cầu hoặc thực hành toàn cầu là hết sức cần thiết để giúp mọi người có chung một cách hiểu cho cùng một khuôn khổ. Và tôi nghĩ Singapore đã có bước đi tốt đầu tiên bằng cách xây dựng khuôn khổ đó với tên gọi là chỉ số sẵn sàng đối với công nghiệp thông minh giúp các cơ quan chính phủ và các nhà sản xuất có cách hiểu chung về vấn đề mà họ đang nói tới và có được sự thống nhất. Nếu không có hệ sinh thái thì sẽ rất khó, vì công nghiệp 4.0 là về sự tích hợp và sự tích hợp này chỉ có hiệu quả khi mọi người có thể tương tác được với nhau theo các cách giống nhau.

Công nghiệp 4.0 và sản xuất thông minh hiện tại chỉ được phổ biến thông qua các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo mà chưa được triển khai thực tế. Vậy ông có thể chia sẻ cách thức triển khai hai lĩnh vực này tại Việt Nam?

Vâng, qua quan sát chung tôi có thể thấy đã có rất nhiều thảo luận về thuật ngữ, ý tưởng và tầm nhìn nhưng trên thực tế thì có rất ít thứ được đưa vào triển khai. Và đó chính là lỗ hổng mà chúng tôi đã nhìn ra. Ý tưởng thì có nhưng các bạn chưa biết bắt đầu từ đâu.

Theo tôi nghĩ, các bạn không cần phải lấy Singapore làm hình mẫu nhưng các bạn có thể học tập họ. Họ đã xây dựng chỉ số sẵn sàng đối với công nghiệp thông minh để có thể thực sự bắt đầu sự cải cách chuyển đổi ở cấp độ doanh nghiệp. Trên hết, đó không phải nhằm cải tiến chính phủ hoặc giúp nâng cao các trường đại học mà là để hỗ trợ cho các nhà sản xuất. Chúng ta phải giúp cho các nhà sản xuất có một công cụ trong tay để họ có thể thực sự khởi động và duy trì việc chuyển đổi. Với chỉ số này và cách tiếp cận mà chúng ta đang nói tới, tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp sẽ có những bước đi đúng đắn giúp họ triển khai được các giải pháp đúng đắn để nâng cao hiệu quả. Nhưng điều quan trọng vẫn là doanh nghiệp, chúng ta cần phải giúp doanh nghiệp một cách trực tiếp và xây dựng hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp và tôi nghĩ là cách này sẽ thành công.

Nhận thức tư duy thay đổi

Theo ông, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để triển khai sản xuất thông minh tại Việt Nam?

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải xây dựng nhận thức. Cần phải tổ chức các xê-mi-na, hội thảo, mời các ngành công nghiệp, đại diện các bên liên quan, các viện nghiên cứu, các lĩnh vực khác đến và xây dựng nhận thức cho họ.

Nhận thức là ưu tiên số 1 vì nếu không có nhận thức, chúng ta sẽ không làm được gì cả. Sau nhận thức là kiến thức, chúng ta cần trang bị kiến thức cho các bên liên quan để họ có kiến thức đúng đắn để đưa ra các quyết định đúng đắn vì chính phủ chỉ có thể đưa ra các khuôn khổ mà không thể tự triển khai các hoạt động một mình.

Do vậy cần xây dựng các khuôn khổ nhất định, sau đó để hệ sinh thái phát triển theo thực tế và điều này bắt đầu bằng nhận thức và kiến thức. Đây cũng là xu thế chung toàn cầu. Có thể có các cấp độ khác nhau, tuy nhiên tựu chung lại vẫn là về nhận thức và kiến thức về chủ đề mới và cách mà chúng ta xử lý các vấn đề mới đó.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai sản xuất thông minh tại một số nước phát triển và mới nổi?

Vâng chúng tôi đã có một số kinh nghiệm tại một số quốc gia phát triển và một số công ty mới nổi. Điều này còn tùy thuộc vào loại hình công ty mà bạn đang xem xét. Các công ty lớn thường có cấp độ tự động cao. Và cho dù các công ty đó đang ở Đức, Trung Quốc hay Việt Nam, chúng tôi đều thấy có sự tối tân ở đây.

Khi xem xét các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta có thể thấy sự khác biệt rất rõ ở mức độ tự động hóa. Nước Đức có cấp độ cao về tự động hóa và ở Nhật cũng vậy, đơn thuần chỉ vì chi phí cho nhân công tại đó rất đắt đỏ. Do vậy, chúng ta có thể thấy sự khác biệt rất lớn ở mức độ tự động hóa. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là sự hiểu biết về công nghiệp 4.0 thực sự là gì và cách để tận dụng công nghiệp 4.0 như thế nào. Cho dù đó là công ty nhỏ tại Việt Nam, ở Đức hoặc ở Nhật, tôi nghĩ họ đều chưa hiểu được cái họ cần làm là gì. Sẽ có sự khác biệt ở các nước phát triển so với các nước mới nổi nhưng điều quan trọng là họ đều phải hiểu được cách thức đưa khái niệm về công nghiệp 4.0 và sản xuất thông minh vào trong thực tiễn của họ.

Vậy theo ông, triển vọng của Việt Nam về sản xuất thông minh sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Vâng tôi là một người lạc quan và như tôi đã chia sẻ ban đầu, các bạn có những con người khá cởi mở và sẵn sàng để thay đổi và học tập. Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai sản xuất thông minh. Các bạn đã có một vị thế quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và trong bối cảnh xung đột toàn cầu hiện nay, tôi nghĩ Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi. Và thực tế là tôi đang ở đây và gặp gỡ đại diện đến từ các cơ quan của chính phủ đã cho thấy cam kết mạnh mẽ để triển khai sản xuất thông minh. Tôi nghĩ Việt Nam là một quốc gia đang nổi và đầy triển vọng, do đó Việt Nam sẽ sớm có vị thế trong lĩnh vực công nghiệp 4.0.

Hà Thủy - Thanh Sơn - Doãn Trung