Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

00:00 12/10/2020

Sáng ngày 31/10/2018, tại Hà Nội, Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội đã tổ chức Diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” . Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng và các chuyên gia cao cấp trong ngành.

Diễn đàn thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng và các chuyên gia cao cấp 

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: "Cách mạng công nghiệp 4.0 dù mới khởi đầu nhưng đã có tác động nhất định và tác động sẽ ngày càng nhanh đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tại nước ta, trong đó lĩnh vực lao động, việc làm được cho là ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của khoa học và công nghệ nói chung, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot, công nghệ tự động hóa nói riêng,... Những thành tựu này đang giúp sức lao động hoặc có thể đảm nhận công việc thay cho con người trong lao động, sản xuất với hiệu quả và năng suất cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực này thì cũng đan xen cả những thách thức nhất định đối với lao động của nước ta. Đó là vấn đề thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập có nguy cơ gia tăng nhanh, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra, nếu nước ta không tận dụng được những cơ hội tốt mà Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra.Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào (ước khoảng 56 triệu người hiện nay), năng suất lao động và GDP bình quân đầu người đang có xu hướng tăng (Năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016; GDP bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng năm 2017, cao hơn gần 5 triệu đồng so với năm 2016). Đây là những tín hiệu đáng mừng nhưng chúng ta chưa thể hài lòng bởi chất lượng và năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn ở thứ hạng thấp so với khu vực".

Nhận định về thực tế này, TS. Nguyễn Văn Thuật - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội, cho biết : "Dù vị thế của lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ ở nước ta ngày càng được khẳng định về chất bởi nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội ngày càng phong phú và đa dạng, nhưng xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi cấp bách nước ta ngày càng phải giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn lại để gia tăng nhanh lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Đây là yêu cầu khách quan, cấp bách và cũng là cơ hội tốt để nước ta giảm nguồn cung lao động lớn về lượng, thấp về chất bằng cách đào tạo, bồi dưỡng có chọn lọc nguồn nhân lực này. Cụ thể là đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cho lao động giản đơn vừa để đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, vừa là cơ sở để mỗi lao động tự khẳng định mình để có thể gia nhập vào vị thế của loại hình lao động cao hơn mà sự phát triển đang cần, vừa để thúc đẩy bình đẳng xã hội, vừa để tận dụng được tối đa cơ hội mà CMCN 4.0 tạo ra. Nếu không, nước ta sẽ đối diện với nguy cơ về một bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng phình ra trong nền kinh tế với nhiều tiềm ẩn khó lường do thích nghi thụ động vào sân chơi của CMCN 4.0."

PGS.TS. Vũ Quang Thọ, Nguyên Viện trưởng - Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo: " CMCN 4.0 được cho là cuộc cách mạng thần kỳ về kỹ thuật. Nó hỗ trợ con người, giảm sức lao động, tạo ra hàng loạt chuyển biến tích cực về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu từ cuộc cách mạng đó, từ đó sẽ dễ đẩy người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xã hội khác."

"Để thay đổi và phát triển chính sách ngành cho CMCN 4.0, nếu Việt Nam chọn con đường chờ đợi các doanh nghiệp tự và đầu tư vào những ngành nghề mới, sẽ là sự không khôn ngoan và không tạo ra những đột phá. Mục tiêu của doanh nghiệp là hiệu quả và lợi nhuận. Vì vậy, đương nhiên doanh nghiệp sẽ đầu tư mạnh vào những ngành tạo ra lợi nhuận, chi phí thấp, ít rủi ro. Có chăng chỉ một bộ phận nhỏ trong các doanh nghiệp dám liều lĩnh và mạo hiểm đầu tư vào các ngành mới của Công nghệ 4.0, bởi chi phí đầu tư sẽ lớn, rủi ro cao và không hiệu quả đối với khả năng sinh lời lợi nhuận của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đi đầu này sẽ không tạo ra đột phá cho sự phát triển của cả đất nước Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ phải là kiến trúc sư cho các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0, tạo ra ngành trụ cột để thu hút FDI cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực vào các ngành mới này. Chỉ như vậy, Việt Nam mới không bị tụt lại phía sau trong CMCN 4.0." PGS.TS. Vũ Quang Thọ khuyến nghị.

PGS. TS. Bùi Văn Huyền - Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định:"Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đem lại cho chính sách an sinh xã hội của Việt Nam nhiều thách thức và cơ hội. Chúng ta không thể lảng tránh các thách thức đó mà cần đối mặt và vượt qua nó. Một trong những chiến lược thông minh để vượt qua các thách thức đó là tận dụng các cơ hội mà chính cuộc cách mạng này đem lại đối với chính sách an sinh xã hội. Cuộc CMCN lần thứ tư đang dần dần hình thành với những công nghệ tiên tiến bậc nhất của loài người như: Trí tuệ nhân tạo; Dữ liệu cỡ lớn; In 3D; Internet vạn vật; người máy. Các công nghệ đó đem lại cơ hội và thách thức cho chính sách an sinh xã hội nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thách thức được nhiều người nhắc đến đó là sự thay thế của người máy đối với người lao động dẫn tới sự thất nghiệp hàng loạt của người lao động và làm cho việc đáp ứng yêu cầu của chính sách an sinh xã hội của các quốc gia trở nên nặng nề hơn. Tuy nhiên, cuộc CMCN lần thứ tư sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn là thách thức. Trong đó, cơ hội rất lớn trong việc hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ngày một rõ ràng hơn."

Kết thúc phiên thảo luận, các đề xuất, kiến nghị nêu ra từ các chuyên gia đều thống nhất mục tiêu, một mặt sẽ là luận cứ quan trọng giúp cho các nhà hoạch định chính sách tham khảo trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của nước ta nói chung, cụ thể hóa chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng. Mặt khác là những gợi ý, những kế thừa cho các nhà nghiên cứu quan tâm để nghiên cứu các lĩnh vực này một cách sâu rộng hơn.

Nguyễn Công