Thực trạng và các giải pháp xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong các DNTN

00:00 12/10/2020

Hiện nay, công tác xây dựng TCCS Đảng và phát triển đảng viên trong các DNTN có chuyển biến tích cực. Các TCCS Đảng trong DNTN đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò; làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, định hướng tư tưởng cho đảng viên và người lao động; đồng thời tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng trong khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng phải đổi mới phương thức hoạt động...Chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập thực hiện loạt bài:“Thực trạng và các giải pháp xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong các DNTN” nhằm thông tin đa chiều về công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong các DNTN.

Bài 1: Vì sao công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên chưa như mong đợi?

Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 đưa con số lên 1,5 triệu và năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp. Khối KTTN hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, việc phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là thực tiễn đặt ra với nhiều thách thức trong thời gian tới. 

Việc bồi dưỡng quần chúng ưu tú trong khối các doanh nghiệp tư nhân là rất cần thiết. Ảnh minh họa

Trong công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, của nền kinh tế nói chung, sự lãnh đạo của Đảng và các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ở nước ta luôn đóng vai trò quan trọng. Đảng ta cũng xác định tầm quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng (TCCS) trong các DNTN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có dưới 50% vốn Nhà nước; các doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã. Việc thành lập và phát triển các TCCS Đảng trong các doanh nghiệp NKVNN vừa tăng cường sức mạnh cho Đảng, vừa có điều kiện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyên sâu, vừa giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế. 

Theo số liệu từ Ban Bí thư, trong khối DNTN đã có 12.088 tổ chức Đảng, 182.995 đảng viên. Như vậy, với 85% lực lượng lao động đang làm việc cho khối KTTN (khoảng 47 triệu người), tỷ lệ người lao động là đảng viên chưa đầy 0,4%. Các thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng là những địa phương đi đầu trong thực hiện xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong DNTN. Năm 2018, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập mới 152 tổ chức Đảng, đạt 116% kế hoạch; kết nạp được 1.242 đảng viên mới. Tuy nhiên, số tổ chức Đảng và đảng viên nêu trên so với tổng số gần 700.000 DNTN và gần 23 triệu lao động trong khu vực KTTN cho thấy, công tác phát triển Đảng trong khu vực này còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/03/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị KTTN, nêu rõ: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển Đảng trong DNTN. Chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên. Vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên còn mờ nhạt; nội dung và phương thức hoạt động còn lúng túng; chất lượng sinh hoạt Đảng còn nhiều hạn chế. Việc kết nạp công nhân và chủ DNTN vào Đảng có chuyển biến nhưng kết quả chưa cao.

Từ thực tế công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên cho thấy, đây là vấn đề mới và khó, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng thực tế nhiều cấp ủy chưa có quyết tâm chính trị cao; hiện tượng sợ sai, sợ chệch hướng nên rơi vào tình trạng lúng túng trong triển khai còn diễn ra ở nhiều cấp ủy. Nhiều tổ chức Đảng chưa thể hiện rõ vai trò là cầu nối gắn bó thường xuyên người lao động với doanh nghiệp; chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chủ chu doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cũng vì thế, nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu về Đảng rất chung chung; đặc biệt là một số chủ doanh nghiệp còn gây “khó” trong quá trình hoạt động của tổ chức Đảng.

Một số TCCS Đảng nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của mình. Chưa đổi mới phương thức hoạt động, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng; do đó chưa phát huy được vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Đảng cũng như nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cách tiếp cận của một số tổ chức Đảng cấp trên cơ sở đối với việc phát triển đảng viên và TCCS Đảng trong doanh nghiệp còn chậm đổi mới, còn mang tính mệnh lệnh hành chính. Công tác tuyên truyền, vận động phát triển Đảng trong doanh nghiệp hiệu quả còn thấp; sự phối hợp giữa cấp uỷ và các tổ chức hội, đoàn thể trong việc phát triển đoàn viên, hội viên kết hợp với phát triển Đảng chưa chặt chẽ… Do đó, số lượng TCCS Đảng được thành lập mới trong doanh nghiệp chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp chưa thiết tha với việc thành lập TCCS Đảng, vì chưa nhận thấy lợi ích cũng như sự khác biệt của đơn vị có tổ chức Đảng so với đơn vị không có tổ chức Đảng.

 Ông Mạc Quốc Anh - Bí thư Đảng bộ, PCT kiêm TTK Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Trao đổi với phóng viên, ông Mạc Quốc Anh - Bí thư Đảng bộ, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội chiếm khoảng 98,5% trên tổng số 286.000 doanh nghiệp, trong đó các DNTN tương đối lớn. Thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển Đảng trong DNTN, thời gian vừa qua Đảng bộ khối Doanh nghiệp thành phố nói chung và Đảng bộ khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội nói riêng thực hiện rất nghiêm túc, tuy nhiên kết quả công tác phát triển đảng viên mới đạt được chưa tương xứng với mong đợi vì thực tế còn “vướng” nhiều vấn đề. Với gần 3.000 hội viên, nhưng trong 5 năm qua, Hiệp hội mới chỉ giới thiệu được 25 cán bộ và công nhân ưu tú tham gia học lớp cảm tình Đảng và kết nạp được 7 đảng viên. Số lượng đảng viên mới như vậy là quá ít.

 “Trước hết là vướng về thủ tục, điều kiện kết nạp Đảng đối với chủ doanh nghiệp tư nhân và công nhân lao động. Theo quy định, hồ sơ kết nạp Đảng của chủ doanh nghiệp phải do Ban Tổ chức Thành ủy thẩm định, Đảng bộ cơ sở không được ra quyết định kết nạp nên thời gian kết nạp kéo dài. Tiếp đến, chủ doanh nghiệp muốn được kết nạp Đảng  thì doanh nghiệp đó phải có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp không được nợ bảo hiểm, không nợ thuế, không nợ xấu ngân hàng. Đó là những tiêu chuẩn, điều kiện rất khó đáp ứng vì hiện đa phần DNTN là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình..., hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Tư tưởng ngại vào Đảng của chủ doanh nghiệp, công nhân lao động cũng là một trở ngại. Các chủ doanh nghiệp cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên, tuy nhiên khi được vận động thành lập tổ chức Đảng thì chủ doanh nghiệp lại không “mặn mà” vì cho rằng, việc quan trọng hàng đầu là vấn đề lợi nhuận của doanh nghiệp, đời sống, công ăn việc làm của người lao động. Công nhân lao động là những người lao động thuần túy, không có động cơ phấn đấu thì có tư tưởng vào Đảng chẳng được gì lại mất thời gian họp hành, phải đóng Đảng phí, trong khi phải ràng buộc vào sự gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên...”, ông mạc Quốc Anh chia sẻ về những khó khăn vướng mắc khiến công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên trong các DNTN chưa đạt kết quả mong muốn.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, việc thành lập TCCS Đảng còn chưa đạt yêu cầu nhưng ở các DNTN đã thành lập tổ chức Đảng thì vai trò của Bí thư và hoạt động của chi bộ Đảng như thế nào, có phát động được các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giải quyết những vấn đề sát sườn của doanh nghiệp không, hay nói cách khác, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì tổ chức Đảng đứng ở đâu... là những điều đáng bàn đối với mỗi chi bộ trong doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Minh- Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp KVNNN quận Thanh Xuân – TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị KVNNN trên địa bàn đạt được kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, từ ngày đầu thành lập, toàn Đảng bộ chỉ có 18 tổ chức Đảng với 174 đảng viên đến nay có 76 tổ chức đảng với 655 đảng viên. Tuy nhiên, toàn Đảng bộ hiện nay vẫn còn 1/3 đơn vị, doanh nghiệp (25/76) chủ doanh nghiệp, đơn vị chưa phải là đảng viên, công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên còn khó khăn... Trong cơ chế thị trường và áp lực cạnh tranh hiện nay, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp phải tập trung cao cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đây là nhiệm vụ trọng tâm để tồn tại và phát triển. Vì vậy, dù lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn, có ý thức tôn trọng các quy định của Đảng, nhưng lại ít có điều kiện quan tâm đến công tác Đảng, các đoàn thể nhân dân. Bên cạnh đó, một số chi bộ chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị, còn lúng túng trong việc xác định nội dung và phương thức hoạt động, nhất là trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế của đơn vị; chưa chú trọng và quan tâm xúc tiến việc chỉ đạo và phối hợp thành lập các tổ chức đoàn thể trong đơn vị. 

“Để công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên đi vào thực chất, đạt hiệu quả, phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, đơn vị, trước hết cần xây dựng Đảng bộ Khối vững mạnh, các chi bộ hiện có vững mạnh, mỗi chi bộ, mỗi đảng viên cần nêu cao tính tiền phong gương mẫu, đặc biệt là chung tay xây dựng phát triển kinh tế của đơn vị. Thay đổi hình thức tiếp cận, tuyên truyền để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhận thức được vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc cùng chủ doanh nghiệp điều hành, phát triển kinh tế, đảm bảo quyền lợi và lợi ích của doanh nghiệp, đảng viên, người lao động. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện của các ngành chức năng, của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị như Liên đoàn Lao động, Phụ nữ, Thanh niên …”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

PGS,TS. Lê Kim Việt: “Các chủ doanh nghiệp tư nhân có vị trí quan trọng trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Nếu kết nạp vào Đảng những chủ doanh nghiệp tư nhân có tư tưởng XHCN, có thái độ trọng dân, quan tâm chăm lo lợi ích của người lao động, có nhiều đóng góp cho quốc kế, dân sinh… thì các doanh nghiệp sẽ phát triển theo định hướng XHCN, tính định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường sẽ được giữ vững”.

Bài 2: Làm gì để công tác xây dựng TCCS Đảng, phát triển đảng viên đi vào thực chất

 Trí Khang - Minh Chính