Vì sao chứng khoán Mỹ phớt lờ chiến tranh thương mại?

00:00 12/10/2020

Giữa lúc chiến tranh thương mại phủ bóng đen u ám lên hầu như mọi thị trường chứng khoán trên toàn cầu thì chứng khoán Mỹ nổi lên như là một kênh trú bão an toàn, vẫn tăng điểm vì giới đầu tư tin rằng các đòn áp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc không ảnh hưởng lớn đến các tập đoàn đa quốc gia ở Mỹ đồng thời vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ, theo The Wall Street Journal.

Ngôi sao sáng trên thị trường tài chính toàn cầu

 Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ cho rằng các đòn áp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ là điểm sáng đáng chú ý trong tuần qua khi mà các thị trường tài chính từ Tokyo đến Frankfurt chao đảo trước căng thẳng thương mại ngày càng dâng cao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kể từ khi Mỹ và Trung Quốc đánh thuế 25% nhằm vào 34 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của nhau hôm 6-7, chỉ số S&P 500 và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của Mỹ vẫn lừng lững đi lên (tăng điểm năm phiên và chỉ giảm điểm một phiên).

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 tăng 4,8%, trong khi đó, các chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc), Kospi (Hàn Quốc), Nikkei 225 (Nhật Bản) lần lượt giảm 14%, 6,3% và 0,7%. Tại châu Âu, chỉ số DAX (Đức) giảm 2,9% trong 7 tháng qua, còn chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm 0,46%.

Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn trụ vững giữa lúc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với nhiều đối tác lớn cho thấy giới đầu tư đang phớt lờ những căng thẳng đang leo thang, xem những đợt giảm điểm liên quan đến thương mại và các cơ hội mua vào thay vì là các dấu hiệu cảnh báo. Đó là bởi vì lợi nhuận của các doanh nghiệp của Mỹ vẫn tốt và niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vẫn vững mạnh dù thị trường chứng khoán Mỹ đã bước sang năm tăng trưởng thứ chín.

Bức tranh sáng sủa của nền kinh tế Mỹ hiện nay đối lập với triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi mà các hoạt động kinh doanh chùng xuống và đồng đô là Mỹ mạnh dần lên, gây áp lực cho tiền tệ và nợ ở các thị trường mới nổi.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,7% vào hôm 12-7 khi Tổng thống Donald Trump tiết lộ kế hoạch đánh thuế 10% thêm cho 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm nhưng trong hai phiên giao dịch sau đó, chỉ số này đã phục hồi 1%, lấy lại tất cả điểm số bị mất.

“Nền kinh tế nội tại của Mỹ giờ đây như ngôi sao sáng của thế giới. Nếu bạn cho rằng suy thoái toàn cầu sắp xảy ra thì nền kinh tế Mỹ vẫn vượt trội. Không có gì ngạc nhiên về điều này cả”,  Richard Bernstein, giám đốc đầu tư của công ty tư vấn adviser Richard Bernstein Advisors, nói.

Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ không bị ảnh hưởng lớn

Đối với một số chuyên gia kinh tế, sự bình tĩnh trên thị trường chứng khoán Mỹ phản ánh sự đồng thuận đang gia tăng của giới đầu tư cho rằng các biện pháp áp thuế ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không làm kinh tế toàn cầu đi chệch hướng hoặc đe dọa nghiêm trọng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ. Một số nhà đầu tư nhận định dù một số nước có thể đang chịu tác động của chiến tranh thương mại, Mỹ vẫn ở vị thế tốt để chống lại cơn biến động kinh tế, giúp thị trường chứng khoán nước này để thành một kênh trú ẩn tài sản an toàn.

“Chỉ các biện pháp đánh thuế thì rất khó để dẫn đến một viễn cảnh kinh tế thực sự nguy cấp”, Ed Campbell, nhà quản lý danh mục đầu tư ở quỹ đầu tư QMA, nhận định.

Ông cho biết công ty ông lạc quan về tăng trưởng của Mỹ hơn là phần còn lại của thế giới, do vậy, đã chuyển danh mục đầu tư tập trung vào các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Ngân hàng Goldman Sachs ước tính kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm 1% GDP của nước này, do vậy, rất khó có khả năng các biện pháp áp thuế sẽ gây tác động lớn đến tăng trưởng lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia ở Mỹ.

Giới phân tích vẫn lạc quan về lợi nhuận trong tương lai của các doanh nghiệp Mỹ. Tuần trước, ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nâng dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp có cổ phiếu nằm trong bộ chỉ số S&P 500 trong giai đoạn 2018-2019 vì cho rằng dữ liệu kinh tế Mỹ đang tốt và lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ cũng tốt hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm nay.

“Nếu nước nào đó bị tổn thương vì cuộc chiến tranh thương mại mà chúng tôi có can dự, thì nhiều khả năng đó là Trung Quốc, chứ không phải Mỹ”, Mark Grant, giám đốc chiến lược toàn cầu ở ngân hàng đầu tư B. Riley FBR, nói.

Quan điểm đó được phản ánh trong diễn biến gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ. Các chuyên gia phân tích định lượng ở ngân hàng Morgan Stanley đã nghiên cứu một rổ các tiền tệ, hàng hóa và chỉ số chứng khoán nhạy cảm với thương mại để xác định các mối lo ngại về thương mại sẽ tác động mạnh đến thị trường nào nhất. Họ phát hiện thấy rằng chỉ 1/5 biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ kể từ tháng 3-2018 là do giới đầu tư lo ngại các rủi ro thương mại.

Brian Hayes, nhà phân tích định lượng của Morgan Stanley, nhận định rủi ro thương mại không mang tính hệ thống và không ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ nói chung.

Các dấu hiệu đáng lo ngại

Song những nhà phân tích bi quan lại cho rằng các dự báo lạc quan của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch đã không tính đến rủi ro tác động lan tỏa từ việc áp đặt nhiều rào cản thương mại hơn.

Một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ánh mối lo ngại đang tăng nhanh. Chẳng hạn, cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm ngành dịch vụ tiện ích trong bộ chỉ số S&P 500  đã tăng 8,1% trong bốn tuần qua, vượt xa mức tăng 0,9% của chỉ số S&P trong cùng thời gian. Những cổ phiếu này được xem là cổ phiếu phòng thủ trong thời kỳ kinh tế suy yếu vì chúng có mức cổ tức tương đối cao.

Trong khi đó, mức chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn và dài hạn đã rơi về mức thấp nhất trong 11 năm, một dấu hiệu phản ánh giới đầu tư bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế, theo nhận định của một số nhà phân tích.

Trước mỗi đợt suy thoái kinh tế ở Mỹ tính từ năm 1975, đều xảy ra hiện tượng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn vượt mức lợi suất trái phiếu dài hạn.

Trước những bất ổn về thương mại toàn cầu, một số nhà phân tích đã hình dung đến viễn cảnh đen tối nếu chiến tranh thương mại leo thang. Các nhà phân tích ở ngân hàng UBS cho rằng chỉ số S&P 500 có thể giảm 21% về mức 2.200 điểm so với mức 2.800 điểm hiện nay nếu Mỹ và Trung Quốc áp thuế tiếp tục đánh thuế nhằm vào hàng hóa của nhau lên đến mức 30%.

Keith Parker, giám đốc chiến lược cổ vốn cổ phần của chi nhánh ngân hàng UBS tại Mỹ, nói: “Tôi nghĩ có nhiều mất mát cho mỗi bên (Mỹ và Trung Quốc) nếu họ để mối quan hệ thương mại chuyển hướng xấu đến mức đó”.

Trong sáu phiên giao dịch kể từ khi Mỹ chính thức áp thuế nhằm vào 34 tỉ đô hàng hóa Trung Quốc hôm 6-7, chỉ số S&P 500 có 5 phiên tăng điểm và chỉ một phiên giảm điểm.

Chánh Tài