Từ số phận của chiếc bao cao su đến cuộc chiến trên giá những cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam

00:00 12/10/2020

Không ngẫu nhiên bạn bắt gặp món hàng A thay vì B trên kệ. Những kệ hàng đều có nguy cơ tiềm tàng trở thành mảnh đất độc quyền của những ông lớn. Một hàng rào đã được dựng lên với tên gọi "lệ phí giữ chỗ" (slotting-fee), ngăn cản những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Giới hạn" của bao cao su

Đã 1 giờ sáng, trên một góc phố Hà Nội, vì lý do nào đấy bạn chợt nhận ra mình cần mua bao cao su. 10 năm trước, có thể bạn sẽ bỏ cuộc vì không tìm thấy một tiệm thuốc tây nào còn mở cửa. Nhưng đó là chuyện trước khi làn sóng cửa hàng tiện lợi tấp nập vào Việt Nam.

Ngày nay, ở các khu phố Hà Nội (và các thành phố lớn khác cũng như thế), vào bất cứ khung giờ nào, ta dễ dàng tìm thấy một cửa hàng tiện lợi để rẽ vào mua món hàng ngay tại quầy thanh toán.

Bao cao su, từ dày loại cơ bản: mỏng đến siêu mỏng, từ không mùi đến đủ đầy hương vị đều không quá khó để tìm thấy. Nếu sự đa dạng về mẫu mã là những gì bạn tìm kiếm, số bao cao su trên kệ sẽ không làm bạn thất vọng.

Tuy nhiên, hầu hết những mẫu bao cao su tìm thấy thường là: Durex của tập đoàn Anh Reckitt Benckiser và một số hãng bao cao su khác của Nhật như Sagami. Nhãn hiệu bao cao su Việt Nam có vẻ không hiện diện ở những chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7eleven…

Từ số phận của chiếc bao cao su đến cuộc chiến trên giá những cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam - Ảnh 1.
 

"Theo quản lý của bọn mình, bọn mình chỉ bán các mặt hàng của Durex và Sagami, những mặt hàng khác chỉ ra hiệu thuốc may ra mới có" - một nhân viên cửa hàng tiện lợi chia sẻ.

Bất chấp những con số đầy phấn khởi về tiềm năng thị trường bao cao su, cơ hội dường như đang trôi qua kẽ tay các thương hiệu nội địa.

Số liệu của Tổng cục Dân số cho biết tổng nhu cầu bao cao su phục vụ giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 2,147 tỷ bao, trong đó 1,751 tỷ bao được thị trường cung cấp. Tỷ lệ mua cao su tăng lên 70 đến 80%, ước lượng khoảng 1.029,486 tỷ đồng.

"Chiếm lĩnh, nắm bắt, thống trị" là động từ ưa thích gắn với thị trường này. Chỉ tiếc rằng các thương hiệu Việt không phải chủ ngữ của những động từ trên.

Từ số phận của chiếc bao cao su đến cuộc chiến trên giá những cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam - Ảnh 2.
 

Đơn cử như CTCP Merufa, doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia cung cấp sản phẩm này. Tiền thân doanh nghiệp là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế Việt Nam), doanh nghiệp được xây dựng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc vào năm 1987. Sản phẩm chính của Meruga là bao cao su nhãn hiệu Happy.

Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia sản xuất bao cao su nhưng Merufa rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Những chiếc bao cao su mang thương hiệu Happy cũng rất khó được nhìn thấy trên các kệ hàng.

Xu hướng những hàng hoá của doanh nghiệp nhỏ lẻ, khó lòng hiện diện trên các kệ hàng không phải là mới. Nó đã đã và đang xảy ra trên thế giới.

Cửa hàng tiện lợi: miền đất hứa nhưng không dành cho tất cả

Thị trường cửa hàng tiện lợi bùng nổ đã mở ra cơ hội lớn cho các thương hiệu hàng tiêu dùng nội địa. Theo ước tính của Q&Me, hiện Việt Nam có hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi, tăng gấp 2 lần so với 2 năm trước. Từng xăng-ti-mét quầy hàng, quầy thu ngân, tủ lạnh tại những Circle K, Vinmart, 7-eleven… đã trở thành miền đất hứa đối với các doanh nghiệp mong muốn mang sản phẩm mình đến với thị trường.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy sân chơi này không nhất thiết luôn công bằng và cạnh tranh. Mảnh đất màu mỡ những kệ hàng đều tiềm tàng nguy cơ biến thành những vùng cát cứ độc quyền của những ông lớn, với hàng rào gia nhập dựng lên bằng những "lệ phí giữ chỗ" (slotting-fee) cao chót vót, nằm ngoài khả năng những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Lệ phí giữ chỗ" là những khoản phí mà nhà sản xuất phải trả cho nhà bán lẻ để được xuất hiện trên không gian kệ hàng ít ỏi. Ở Mỹ, con số để một sản phẩm mới được "qua cổng" vào các siêu thị quốc gia có thể lên đến hàng triệu đô la.

Những chủ doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng còn đùa nhau rằng với những cửa hàng này, khách hàng lớn nhất không phải là người mua hàng mà là nhà cung ứng. Một trường hợp điển hình là vụ phá sản của nhãn hiệu kem Clemmy's. Là một nhãn hiệu kem mới, chủ doanh nghiệp này phải chi đến 30.000 USD để xuất hiện tại 350 cửa hàng. 

Nhãn hiệu này cũng đâm đơn kiện Nestlé vào năm 2013 vì cho rằng tập đoàn này đã can thiệp và khai tử hợp đồng giữa Clemmy's và Kroger, chuỗi siêu thị lớn nhất nước, hứa hẹn cho nhãn hiệu kem xuất hiện trên khắp 2.400 cửa hàng của chuỗi.

Từ số phận của chiếc bao cao su đến cuộc chiến trên giá những cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam - Ảnh 3.
 

Như chủ sở hữu công ty Clemmy's đã phàn nàn, Nestlé và những nhà sản xuất lớn nắm trong tay quyền lực thao túng những quyết định của các siêu thị. Clemmy's thậm chí đã điều tra ra kế hoạch marketing và quảng bá sản phẩm mà mình chia sẻ với một chuỗi cửa hàng tạp hóa sau đó đã lọt vào tay một người quản lí thương hiệu của Nestlé.

Câu chuyện của hãng kem trên chỉ là một trong nhiều những ví dụ cho sự phức tạp của thị trường "bất động sản kệ hàng": quyền lực bán lẻ làm giảm cạnh tranh, gây khó khăn cho những doanh nghiệp nhỏ trong việc đấu lại những tay chơi lớn; tình trạng kéo dài dễ tạo biến thị trường bán lẻ thành sân chơi độc quyền của những công ty đa quốc gia. Không chỉ vậy, nhiều nhà phân tích còn nhìn nhận đây là một hình thức hối lộ trá hình.

Nhiều quốc gia đã thể hiện nỗ lực ngăn chặn xu hướng này. Phần Lan và Nga chính thức cấm các loại hình "phí giữ chỗ" vào năm 1993 và 2010. Ở Mỹ, "phí giữ chỗ" bị cấm đối với các mặt hàng đồ có cồn từ 1995. Tại Trung Quốc, chính phủ đã có chiến dịch cấm các nhà bán lẻ đỏi hỏi các nhà cung ứng mức phí quá cao.

Tại Việt Nam, một nỗ lực lớn đến từ Vingroup với chiến dịch "Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa".

Hàng hóa của các nhà sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam sẽ được chiết khấu và ưu tiên trưng bày trong hệ thống cửa hàng của mình. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, Vingroup cam kết phân phối các sản phẩm sạch, an toàn với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng 1 năm. 

Từ số phận của chiếc bao cao su đến cuộc chiến trên giá những cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam - Ảnh 4.
 

Vingroup cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với 250 nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa trong nước và ký thỏa thuận với 1.000 nhà sản xuất trong nước. Một nhân viên cửa hàng Vinmart trên quận Thanh Xuân nói rằng bên cạnh một số kệ hàng "bán giữ chỗ", vẫn có những dãy kệ hàng "dành riêng cho sản phẩm Việt Nam"

Dù vậy, tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị Việt Nam, những sản phẩm có vị trí bắt mắt 80% đến từ các thương hiệu đa quốc gia như Unilever, P&G, Nivea, Colgate, Nestlé, Heineken, Tiger,vv..

Nhân viên tại cửa hàng nói rằng những kệ hàng được sắp xếp "không hề ngẫu nhiên, chúng đều có quy định".

Do vậy, "thị trường bất động sản mini" này thực sự tồn tại ở Việt Nam, không khó để lí giải sự thống trị của những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp không chỉ có sản phẩm tốt mà còn sẵn sàng chi mạnh tay cho các khâu quảng bá.

Những câu chuyện này đang đặt ra câu hỏi: "Liệu rằng có hội nào cho những "chàng David" doanh nghiệp vừa và nhỏ so găng nổi với những gã khổng lồ Goliath trên sân nhà?".

Hoàng Hải