Tư nhân đầu tư vào năng lượng: 'Cửa' đã mở chốt nhưng... vướng lối vào

00:00 12/10/2020

Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở "chốt cửa" cho khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai các dự án do vướng mắc cơ chế, thủ tục rườm rà.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ngành năng lượng Việt Nam được đánh giá đang mặc "một chiếc áo quá chật". Nghị quyết 55 ra đời sẽ khắc phục được những hạn chế này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, xây dựng thị trường cạnh tranh.

Nhà đầu tư vẫn vướng cơ chế 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, nhìn nhận, Nghị quyết 55 được xem là "đòn bẩy" để phát triển năng lượng Việt Nam, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển nguồn năng lượng. Đồng thời, xóa bỏ rào cản, độc quyền để tư nhân tham gia vào lĩnh vực truyền tải.

phat-trien-nang-luong-1227-1595404320.pn

Làm thế nào để phát triển ngành năng lượng Việt Nam 

Tuy nhiên, ông Tiến cũng đặt ra vấn đề "đòn bẩy" có rồi nhưng cần phải có "điểm bẩy". Điểm bẩy ở đây chính là hành lang pháp lý và việc các Bộ, ngành tham gia đồng hành cùng DN tư nhân.

"Có đòn bẩy đồng nghĩa với việc cánh cửa cho tư nhân đã mở toang nhưng tư nhân đi vào mà không biết đi bằng lối nào thì cũng rất sợ. Chính vì thế, DN mong Chính phủ, các Bộ, ngành có hành lang pháp lý, các điều kiện cần và đủ để cho tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng".

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty TTP Phú Yên, chia sẻ, nhà đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát điện gió. Ngay trong phát triển điện sạch cũng cho thấy sự không công bằng.

"Điện mặt trời được miễn tiền thuê đất nhưng điện gió phải bỏ tiền thuê mặt biển. Dẫn tới, tổng chi phí đầu tư dự án điện gió bị đội lên khá nhiều, chưa kể thiết bị sử dụng đều là công nghệ khá mới ở Việt Nam", ông Tuấn nói.

Đồng thời, hiện nay dự án điện gió bị "ép" đến năm 2021 phải đóng điện mới được hưởng giá ưu đãi. Trong khi thực tế, dự án đang gặp khó khăn về tiến độ do thủ tục, quy trình thực hiện còn nhiều vướng mắc. Chưa kể, dự án khó thu xếp vốn vì thời gian thẩm định vốn lâu, trình hồ sơ phải mất vài tháng đến một năm.

Về phía địa phương, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị rằng, tại Nghị quyết 55 đã nhắc đến khai thác lợi thế vùng, hình thành trung tâm năng lượng quốc gia. Do đó Chính phủ cần xác lập vị trí “khu vực vùng”, tích hợp tiềm năng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch vào sơ đồ điện VIII. Đặc biệt, cần quy hoạch đồng bộ hóa hạ tầng tuyền tải điện để tư nhân tham gia vào quá trình này thông qua cơ chế đấu thầu, đấu giá.

Có thể giải quyết trong quy hoạch điện VIII?  

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực, còn nằm rải rác tại một số Luật, như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản...

Do vậy, các Luật này cần phải sớm được tổng kết, rà soát và sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại từ lâu nay, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên.

Để thu hút các thành phần kinh tế khác có điều kiện tham gia vào phát triển lĩnh vực năng lượng ngày càng tích cực hơn, Bộ Công Thương cho biết, đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định tại một số Luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân tham gia.

"Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng", Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Lắng nghe nhiều ý kiến của chuyên gia quốc tế, doanh nghiệp, tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề: Làm thế nào để phát triển ngành năng lượng Việt Nam đạt chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh và bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam cần huy động được nhân tố thể chế và quy hoạch để phát triển năng lượng. Trên cơ sở Nghị quyết 55, Bộ Công Thương đang tập trung lập quy hoạch điện VIII trình Chính phủ phê duyệt ngay trong năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng, nếu quy hoạch điện VII đi vào dự án cụ thể thì quy hoạch điện VIII sẽ đưa ra định hướng lớn, có khung phát triển dễ điều chỉnh. Theo đó, quy hoạch điện VIII sẽ giữ nguyên tỷ trọng thủy điện, giảm tỷ trọng điện than, tập trung phát triển điện khí, năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, điện là nguồn năng lượng không thể tích trữ, khó xuất khẩu, vì vậy huy động đầu tư trong nước để đảm bảo đủ dùng chứ không làm thừa để bán. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải hết sức chú ý trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nguồn điện.

Đặc biệt, về năng lượng tái tạo, trong quy hoạch phải xác định không gian phát triển tại từng khu vực, địa phương. DN không được đầu tư theo "phong trào". Ví dụ, điện gió nên phát triển ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Điện mặt trời ở Trung Bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên.

Đồng thời, hiện nay quy hoạch hạ tầng năng lượng, hệ thống đường truyền tải điện, kho cảng, đường ống dẫn khí...  vẫn còn nhiều bất cập, mạnh ai nấy làm, trăm hoa đua nở... "Đây là những vấn đề rất cấp bách cần phải được quan tâm giải quyết ngay", Phó Thủ tướng lưu ý. 

Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong phát triển năng lượng cần quán triệt đầy đủ nguyên tắc định hướng được nêu ra trong Nghị quyết 55 là kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, cần đảm bảo chính sách an sinh xã hội, công bằng trong phát triển năng lượng. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Luật về Năng lượng tái tạo và sửa đổi một số điều trong Luật về bảo vệ môi trường, đất đai, thuế... Từ đó khuyến khích phát triển thị trường cạnh tranh về năng lượng.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Chúng ta cần phải hành động nhanh, quyết liệt hơn để triển khai Nghị quyết 55. Việt Nam cần xây dựng ngay các trung tâm nghiên cứu và phát triển trong ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Đây là vấn đề mấu chốt và rất quan trọng để Việt Nam dần tiệm cận và tiến tới phải làm chủ được công nghệ. Chỉ có làm chủ được công nghệ mới có được hiệu quả cao nhất bởi ta không thể mãi đi nhập công nghệ rồi phát triển nguồn điện mà không tính đến các yếu tố để vươn lên làm chủ, dẫn dắt, đi trước, nếu không rất lãng phí. 

Ông Nguyễn Sỹ Chương, Chủ tịch HĐQT Chân Mây LNG

Các Bộ, ngành cần sớm tạo điều kiện về mặt cơ chế, thể chế, tạo điều kiện thuận lợi thực tiễn cho nhà đầu tư triển khai dự án. Các dự án năng lượng lớn đều đòi hỏi số vốn rất lớn, vốn tư nhân trong nước không đủ nên phải kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm tới việc thời điểm nào dự án của chúng tôi mới có giấy phép, bao giờ triển khai xây dựng.

Lê Thúy