Triển vọng năm 2019 và một số khuyến nghị về phát triển kinh tế trong trung hạn

00:00 12/10/2020

Sẽ là những nội dung được đề cập tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề: “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”, một sự kiện thường niên do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào hai ngày 16-17/1/2019 tại Hà Nội.

Trải qua hai kỳ tổ chức vào tháng 6/2017 tháng 1/2018, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày càng mở rộng về mặt quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự và nâng tầm về chất lượng thảo luận.

trien vong nam 2019 va mot so khuyen nghi ve phat trien kinh te trong trung han

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 đã đưa ra được nhiều khuyến nghị chính sách, góp phần cho những quyết sách điều hành của Chính phủ

Năm 2019 và trong trung hạn, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; nhìn chung tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại, rủi ro tài chính gia tăng. Do đó, bên cạnh những thời cơ, các yếu tố thuận lợi nhưng nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức từ bên ngoài như cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến khó lường... và những hạn chế, yếu kém trong nội tại như tiềm lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế; môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi; năng suất lao động, tính tự chủ, năng lực tự cường của nền kinh tế còn thấp,... đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, bao trùm và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, tự động hóa, internet vạn vật mang đến nhiều cơ hội và thách thức, tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện; áp lực ngày càng tăng từ việc thực hiện các FTAs thể hệ mới.Tại diễn đàn năm 2019 sẽ có các phiên Đối thoại chính sách cấp cao với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, và đại diện cấp quốc gia của các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Quỹ Tiền tệ Quốc tế; dự kiến thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên Hội thảo chuyên đề và Đối thoại chính sách.

Tất cả những nội dung trên sẽ được bàn thảo, đề cập tại diễn đàn, nhằm tìm ra những hướng đi cụ thể cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Thông tin tới báo giới vào sáng 11/1, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Điểm nhấn của Diễn đàn là 3 hội thảo chuyên đề gồm: Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam; Chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu và Củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững; Định hướng phát trển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

“Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và mọi người dân Việt Nam được hưởng thụ công bằng từ thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước”- đại diện Ban tổ chức khẳng định.

Tại diễn đàn, một Triển lãm chuyên đề về “Công nghệ năng lượng trong thời đại mới: Việt Nam nhìn ra thế giới” cũng sẽ được tổ chức.

Đặc biệt, sự kiện “đinh” của Diễn đàn là phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao: Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019- Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Phiên tổng thể và đối thoại sẽ tập trung thảo luận các chủ đề như: Các FTAs thế hệ mới- Phát triển nền kinh tế số, Phát triển kinh tế tư nhân: Củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài…

Thùy Linh