Top doanh nghiệp ngược dòng tìm lợi nhuận

00:00 12/10/2020

Trong khi phần lớn đều báo lỗ, vẫn có một số công ty ghi nhận lợi nhuận kinh doanh quý I tăng trưởng trên 2 con số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngược dòng trước dịch bệnh

Báo cáo của FiinPro cho biết, đến ngày 6.5, đã có 921 doanh nghiệp niêm yết (chiếm 94% vốn hóa thị trường) công bố con số chính thức hoặc ước tính kết quả kinh doanh quý I. Trong đó, 746 doanh nghiệp có lãi, 193 doanh nghiệp thua lỗ. Nếu không tính các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán và quản lý quỹ, thì tổng doanh thu của doanh nghiệp niêm yết giảm 4,3%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 41,1%.

Hầu hết các doanh nghiệp trong những ngành như dệt may, da giày, thủy sản, du lịch, hàng không, phân phối, logistics, thực phẩm và đồ uống đều bị ảnh hưởng nặng trước dịch bệnh. Ví dụ, ngành du lịch, giải trí lỗ 2.500 tỉ đồng, tương đương mức tăng trưởng lợi nhuận âm tới 257,3%.

Dù vậy, trong bức tranh sa sút này, vẫn có những tên tuổi lội ngược dòng, ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 2 con số. Trước hết, phải kể đến các doanh nghiệp dược phẩm. Theo thống kê của Vietstock, 16 doanh nghiệp dược niêm yết đã tăng 11% về doanh thu và 17% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Xét con số tuyệt đối, Dược Hậu Giang (DHG) giữ ngôi đầu bảng khi đạt lãi ròng 177 tỉ đồng trong quý I, tăng 30% so với cùng kỳ. Dược Hà Tây (DHT) lãi sau thuế hơn 31 tỉ đồng, tăng 33%; Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD) lãi ròng hơn 41 tỉ đồng, tăng 19%.

Dược Hậu Giang đạt kinh doanh tốt nhờ nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm tăng cường sức đề kháng. Với Dược Hà Tây và Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định, lãi tăng gắn liền với doanh thu tăng. Trong đó, Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định ghi nhận doanh thu bán vật tư, thiết bị y tế gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Đối với nhóm doanh nghiệp ngành chế biến thịt, quý I/2020 lại là thời điểm ăn nên làm ra. Vissan công bố doanh thu hằng quý đạt 1.453 tỉ đồng, tăng hơn 20%; lợi nhuận sau thuế đạt 46,4 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất tăng 30%, đạt 49,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong nhóm ngành này là Dabaco khi lãi sau thuế quý I tăng 17 lần so với cùng kỳ, đạt 340 tỉ đồng trên doanh thu 3.248 tỉ đồng. Với kết quả đầy khả quan, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dabaco, cho biết, Công ty có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm 2020.

Tại Cao su miền Nam (CSM), nhờ doanh thu vẫn tăng trưởng và biên lãi gộp cải thiện mà Công ty thu về 15,9 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm 2020, tăng 6,4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Một số doanh nghiệp tăng trưởng đột biến nhờ vào lý do khác. Chẳng hạn, nhờ chuyển nhượng bất động sản tại dự án Vinhomes Marina, Vinhomes (VHM) đã tăng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2020 lên gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 7.645 tỉ đồng.

Nhìn xa chưa vội mừng

Với không ít doanh nghiệp, mức lãi tăng trưởng cao này chưa vội mừng. Báo cáo mới đây của FPT chỉ ra, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, từ quý II trở đi, nguyên liệu dược phẩm nhập từ  Trung Quốc, Ấn Độ (2 nguồn cung nguyên liệu chính) dự báo sẽ bị giảm đáng kể. Trước mắt, trong 2 tháng đầu năm, tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu đã giảm gần 31% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, Công ty Cổ phần SPM, Domesco, Dược Hậu Giang... sẽ bị ảnh hưởng, buộc phải tìm nguồn khác thay thế, với giá cao hơn và rủi ro hơn.

Mặt khác, sản phẩm khẩu trang, nước rửa tay thường không phải là mặt hàng chính của các hãng dược. Và doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với hàng trăm công ty sản xuất vật tư, vệ sinh cá nhân khác.

Các công ty dược Việt Nam cũng phải đối đầu với các hãng nước ngoài trong phân khúc sản phẩm vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch. Thị trường Việt Nam đã chứng kiến không ít công ty chuyên sản xuất thực phẩm chức năng/sản phẩm bảo vệ sức khỏe phải rời cuộc chơi, chỉ còn xấp xỉ 300 doanh nghiệp từ mức 4.200 đơn vị trước đó.

Đôi khi kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh chỉ là do cùng kỳ năm ngoái quá khó khăn. Câu chuyện ở Cao su Đà Nẵng (DRC) là một ví dụ. Nếu so với lợi nhuận trước thuế bình quân 33 tỉ đồng/năm của năm 2019 thì kinh doanh quý I năm nay của Cao su Đà Nẵng giảm đến hơn 50%. Tương tự, lợi nhuận bình quân mỗi tháng trong quý vừa qua của Cao su Sao Vàng (SRC) chỉ bằng một nửa so với quý liền trước.

Với những doanh nghiệp ghi nhận nguồn thu đột biến nhờ khoản chuyển nhượng/thanh lý tài sản, hoạt động tài chính như trường hợp ở Cao su Thống Nhất (TNC), đà tăng chỉ ở một thời điểm chứ doanh nghiệp khó duy trì lâu bền. Dù vậy, không  thể phủ nhận, mức tăng trưởng mạnh mẽ trong kinh doanh của các doanh nghiệp đã tạo đà cho giá cổ phiếu tăng.

Trong thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý I, giá cổ phiếu TNC của Cao su Thống Nhất đã tăng hơn 30% chỉ trong 1 tháng. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, cho rằng, sau khi hết dịch, các công ty sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ phải thay đổi cơ cấu sản phẩm vì sẽ không còn mức tăng trưởng cao như vậy nữa.

Để đánh giá chính xác hơn về tình hình kinh doanh của công ty, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên nhìn thêm nguồn gốc, chất lượng lợi nhuận, hiệu suất sinh lời trên tài sản, nguồn vốn hơn là nhìn vào tỉ lệ tăng trưởng.

Ngọc Thủy