Tọa đàm 'Gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các DN tư nhân'

00:00 12/10/2020

Từ 15h ngày 26/7, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân”. Các khách mời của cuộc tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Thời gian qua, kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp (DN) tư nhân đã phát triển mạnh trên nhiều phương diện và đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và vùng miền. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân, trong đó có DN tư nhân, hộ gia đình cá thể thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc tiếp cận vốn tín dụng của DN tư nhân vẫn gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện vay vốn về tài sản thế chấp, về báo cáo tài chính... Vậy những nút thắt nào đang cản trở DN tư nhân, nhất là các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn ngân hàng? Tại sao Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất cho vay mà nhiều khi DN và ngân hàng vẫn khó gặp nhau? Cần những giải pháp kịp thời nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân? Để trả lời cho những câu hỏi trên, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề“Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân”. Xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời: 1. Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước 2. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam 3. Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế MC: Câu hỏi đầu tiên dành cho ông Trần Vãn Tần: Ngày 04/01/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 62 yêu cầu Ngân hang Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương trong đó có yêu cầu triển khai ngay việc nắm tình hình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Vậy đã qua 6 tháng triển khai, công việc này đã có tác dụng thiết thực đến viêc giải ngân vốn cho doanh nghiệp không thưa ông? Ông Trần Văn Tần: Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên mà Ngân hàng nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vốn, NHNN cũng chỉ đạo giảm lãi suất trần cho vay đối với lĩnh vực này. Đầu năm 2017 NHNN đã có văn bản gửi cho ngân hàng thương mại (NHTM) các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng đề nghị có các giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể: Một là, chủ động khảo sát nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để trực tiếp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đó khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hai là, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp cận khách hàng thông qua các chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, xem xét giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, một số tổ chức tín dụng đã chủ động đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như : Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã triển khai chương trình cho vay ngắn hạn đô la lãi suất cạnh tranh 2017 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô là 23 triệu đô, lãi suất chỉ từ 3 - 4%. Ngân hàng Bản Việt cũng đã triển khai chương trình “Kết nối ngân hàng Bản Việt - SMEs” với nguồn vốn là 600 tỉ đồng, với tỉ lệ cho các doanh nghiệp vay lên tới 80%, hồ sơ thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng ... Đến nay, dư nợ tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt gần 1,3 triệu tỉ, chiếm gần 22% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tăng 6,5% so với cuối năm 2016, với gần 200.000 khách hàng đang còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng 10.500 khách hàng so với cuối năm 2016. MC:Có thể nói là mặc dù NHNN đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp tư nhân nhân (theo điều tra mới đây của VCCI thì tỉ lệ không nhỏ) chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng, vậy theo ông các doanh nghiệp này là do họ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng hay họ không có nhu cầu vay vốn tín dụng ngân hàng? Ông Nguyễn Minh Phong:Vốn là một trong những điều kiện đầu vào rất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp, việc tới trên dưới một nửa doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng thì rõ ràng đang có một cái đứt quãng về nguồn lực và điều này sẽ có rất nhiều cái hệ luỵ. Xét trên thực tiễn, tôi cho rằng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có một bộ phận lớn chưa tiếp cận được nguồn vốn có thể có 3 lý do: Thứ nhất: Về mặt khách quan, bản thân doanh nghiệp đó có thể có vốn tự có hơn nữa lại là doanh nghiệp hoạt động nhỏ chưa có chiến lược hoạt động dài hạn và đã tự thoả mãn với nguồn vốn của chính mình. Nhiều hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ thường thực hiện phương án này cho an toàn. Thứ hai: Rất có thể lãi vay (tuy đã hạ rồi) vẫn còn cao so với lãi mà họ có thể có, vì thế họ ngại không muốn tiếp cận vì lãi quá cao. Thứ ba: Là nhóm không đủ điều kiện bao gồm điều kiện thế chấp, không đủ điều kiện viết dự án tốt, rồi không tạo được lòng tin cho ngân hàng… Đây cũng là một trong những lý do khiến cho các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. MC: Có một thực tế là doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay, vậy việc nhiều doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của khu vực này và tác động thế nào tới nền kinh tế thưa ông Tô Hoài Nam? Ông Tô Hoài Nam: Trước tiên phải khẳng định ngay khi vốn tác động đến kết quả của sự tăng trưởng doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có một cơ hội kinh doanh mà không tiếp cận được vốn nghĩa là cơ hội tăng trưởng bị hạn chế. Việc không tiếp cận được vốn có nhiều nguyên nhân khách quan mặc dù ngân hàng và doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, ở Việt Nam có khoảng 70%, đây không phải là một tỉ lệ nhỏ, chúng ta có thể khắc phục được nhưng trong nhiều năm vẫn chưa vượt được. Khoảng 98% doanh nghiệp tư nhân trong doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn, có nhu cầu kinh doanh, doanh nghiệp chỉ có 2 kênh để huy động: một là vốn tích luỹ từ quá trình kinh doanh, hai là vay của người thân. Nhưng hai kênh này không thể đáp ứng đủ nhu cầu kinh doanh. Một kênh nữa là vay ở ngoài nhưng kênh này quá rủi do, lãi xuất quá cao. Chính vì thế mà các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam không tăng trưởng được, một phần là do không tiếp cận được với các nguồn vốn chính thống của ngân hàng, đây là hạn chế. MC:Việc doanh nghiệp tư nhân không thể tiếp cận vốn tín dụng sẽ gây ra những hệ lụy gì về trước mắt và lâu dài với nền kinh tế thưa ông? Ông Nguyễn Minh Phong: Chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn, chúng ta nhớ là có những con số rất đáng quan tâm, vốn ngân hàng chi phối tới khoảng 80% và gần như 80% vốn của doanh nghiệp cũng do Ngân hàng cung ứng, và trong đó thì 80% thu nhập của Ngân hàng lại do nguồn tín dụng hoạt động truyền thống mang lại, nên tín dụng không tới được doanh nghiệp là ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống doanh nghiệp cũng như hệ thống ngân hàng. Đối với doanh nghiệp khi thiếu vốn thì sẽ không thể lớn lên được, không thể có vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật, để tăng sức cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp mãi bị nhỏ, lép vế và bị thu hẹp thị phần ở ngay trên sân nhà của mình. Ở góc độ vĩ mô, 97% trong hệ thống doanh nghiệp mãi mãi như vậy thì toàn bộ nền kinh tế rất khó có sự tái cơ cấu và nền kinh tế sẽ giảm sức cạnh tranh, khó có một sự tăng tốc tốt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu này. Đối với các Ngân hang, khi không cho vay được cũng sẽ bị giảm thị phần, giảm doanh thu. Đối với xã hội, việc doanh nghiệp không lớn lên được, nền kinh tế không phát triển tốt hơn thì sẽ ảnh hưởng tới việc làm, tới nguồn thu ngân sách và tới vị thế của kinh tế Quốc gia. MC: Như chúng ta vừa phân tích về nhưng hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tê nếu doanh nghiệp tư nhân không tiếp cận được vốn tín dụng và thực tế thì trong thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã có nhiều biện pháp gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp tư nhân nhưng tại sao đến nay doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp khó trong vay vốn tín dụng? Câu hỏi này trước hết xin được dành cho ông Trần Văn Tần? Ông Trần Văn Tần: Tôi khẳng định là NHNN rất coi trọng và đã chỉ đạo rất quyết liệt các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng khách hàng quan trọng của các tổ chức tín dụng với dư nợ hiện nay gần 4 triệu tỉ đồng, và hàng triệu khách hàng đang còn dư nợ. Cụ thể, từ năm 2014 tỉ lệ cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chỉ chiếm 53%; năm 2015 tăng 62% và tính đến tháng 4/2017 là 66%; tín dụng ngân hàng có một vai trò hết sức quan trọng và đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, để duy trì tỉ trọng GDP của khu vực này ở mức là từ 39 đến 40%. Tuy nhiên, một số DNTN chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng thì nguyên nhân chủ yếu là do một số doanh nghiệp năng lực quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính còn chưa được kiểm toán và không công khai minh bạch để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng thẩm định để quyết định cho vay. Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền ở các địa phương tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, các hội nghị triển khai chương trình này đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, các sở, ngành để cùng xem xét giải quyết. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự cố gắng nâng cao khả năng tài chính, các thông tin phải minh bạch… MC: Thưa ông, Tô Hoài Nam, ở góc độ Hiệp hội, ông có thể chia sẻ thêm những vướng mắc lớn đang cản trở doanh nghiệp tiếp cận được nuồn vốn tín dụng và ông có kiến nghị nào để có thể tháo gỡ những khó khăn này? Ông Tô Hoài Nam: Đứng ở góc độ tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, chúng tôi cũng nghiên cứu nhiều và tìm nguyên nhân căn cơ của nó, chúng tôi thấy phía doanh nghiệp có một số hạn chế sau: không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách rành mạch (quá khứ, hiện tại và cơ hội tương lai), phương án kinh doanh để vay vốn sức thuyết phục không cao, không thuyết phục được một cách rõ ràng. Về phía ngân hàng gần như là e sợ bị hình sự hoá. Vấn đề này đã có kiến nghị rồi, nếu cán bộ ngân hàng làm đúng quy trình, làm chuẩn, làm tốt rồi còn phía rủi ro do thị trường thì mình phải xem xét vấn đề này. Chủ yếu là do ngân hàng không phải là họ không nghĩ đến đột phá mà do họ sợ mình làm không khéo thì liên quan đến pháp luật hình sự. Còn tháo gỡ, ngân hàng đưa ra rất nhiều biện pháp nhưng cái căn cơ đầu tiên để bước vào biện pháp đó theo tôi cảm nhận là phải thay đổi triệt để tư duy, coi khu vực 70% không tiếp cận được vốn, không đáp ứng được điều kiện vay đừng nhìn họ là chỗ rủi ro mà nên lọc ra trong đó độ 10% nhìn thấy tiềm năng để tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, bởi vì hai bên quan hệ với nhau thì phải đảm bảo nguyên tắc là công bằng. Anh cho doanh nghiệp vay, anh được phần lãi thì anh cũng phải chấp nhận một phần rủi ro. Thứ hai, nên thiết kế lại điều kiện cho doanh nghiệp vay cho phù hợp, ngân hàng phải tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp những điểm mà doanh nghiệp còn hạn chế. MC: Thưa ông Nguyễn Minh Phong, phải chăng các ngân hàng thương mại vẫn còn sự ưu ái nhất định khi cho vay đối với các doanh nghiệp lớn nhất là doanh nghiệp nhà nước, điều này dẫn đến câu chuyện gỡ khó về vốn cho khối doanh nghiệp này đã được bàn nhiều, nhưng kết quả chưa được bao nhiêu? Theo ông thì có cần một cách tiếp cận mới để cởi bỏ nút thắt về tiếp cận vốn của DNTN? Ông Nguyễn Minh Phong: Theo con số thông báo của anh Trần Văn Tần, rõ ràng tổng dư nợ xã hội tăng rất mạnh, tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp tăng rất tốt, nhưng tổng dư nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại không tương xứng, điều đó chứng tỏ, sân chơi dành cho các doanh nghiệp này đang bị bó hẹp. Vậy thì biện pháp đột phá để giải quyết nghịch lý này cần phải có. Ngoài những giải pháp liên quan từng ngân hàng, từng doanh nghiệp thì các ngân hàng phải thay đổi năng lực, tránh chuyện lười biếng. Ngân hàng thường đang có phong trào thích làm các dự án lớn, công sức ít hơn, độ an toàn cao hơn, hoa hồng nhiều hơn, phần thưởng tốt hơn. Ngay cơ chế này đã khuyến khích các cán bộ ngân hàng thích làm các dự án lớn. Đối với hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo tôi cần mấy điểm đột phá để đảm bảo nguồn vốn rộng hơn như sau: Thứ nhất, cần phải thực hiện tốt việc cho vay theo chuỗi, điều này, luật hỗ trợ DNNVV đã khẳng định rất rõ, ngay cả cho vay tín chấp hay các hoạt động cho vay khác cũng cần ưu tiên lấy đây làm trọng tâm.Thứ hai, các doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn liên kết với nhau. 600.000 doanh nghiệp hầu hết là nhỏ, không có sự liên kết, không đáp ứng được điều kiện cho vay, không có tầm để đầu tư dài hạn, như vậy, anh tự làm yếu mình trước các điều kiện cho vay ngặt nghèo. Khi tham gia vào chuỗi, anh sẽ có điều kiện để phát triển tốt hơn, lớn hơn, đáp ứng được điều kiện cho vay từ phía ngân hàng.Thứ ba, anh phải tự huy động vốn, thông qua vốn tự có, vay người nhà và đặc biệt, trên thị trường chứng khoán. Theo tôi, trong thời gian tới nên khuyến khích mảng thị phần này, doanh nghiệp tự tìm nguồn vốn với giá rẻ hơn, giảm bớt được sức ép về vốn. Ngoài ra, tôi cho rằng các quỹ bao gồm quỹ phát triển DNNVV (sắp thành lập), quỹ bảo lãnh phải thay đổi các điều kiện, thay đổi cách làm của mình để tạo hợp lực giúp DNNVV tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn. Cuối cùng, từng ngân hàng phải có sự điều chỉnh.Tất cả những điều đó làm tốt, cộng với Nhà nước kiến tạo, cùng với sự hỗ trợ của các địa phương theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì sẽ tạo ra hợp lực tốt để các doanh nghiệp có được sự cải thiện trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. MC: Vừa qua NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, đây là một tín hiệu vui đối với nền kinh tế nói chung trong đó có DNTN, tuy nhiên ý kiến của ông thế nào trước nhiều ý kiến cho rằng vấn đề cốt lõi giúp DNTN tiếp cận vốn tín dụng là giảm chi phí không chính thức, gỡ bỏ các rào cản về thủ tục vay vốn chứ không chỉ là giảm lãi suất thưa ông? Ông Tô Hoài Nam: Trước tiên, tôi đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy. Lãi suất đối với doanh nghiệp rất cần, vì chi phí cho tài chính được giảm xuống thì chi phí cho sự cạnh tranh tốt hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần giảm về thủ tục hành chính, về những cái khác nhưng cần nhất là mở lối ra để vay tín chấp và cho họ được tiếp cận nhiều hơn vốn trung và dài hạn. Đây là khu vực sáng tạo, năng động, nhưng muốn đưa sáng tạo ra thị trường thì phải có đầu tư và không thể đầu tư công nghệ lỗi thời, điều đó buộc họ phải có vốn. Việc hạ lãi suất đã là tốt rồi, nhưng phải nâng tỉ lệ cho vay vốn trung hạn, dài hạn nhiều lên. Vì nếu không cho vay trung hạn và dài hạn thì vừa vay xong đã đi lo trả nợ, chưa kịp mua gì, chưa kịp làm gì đã phải lo trả nợ, nên cái họ cần nhất là cần được tiếp cận nhiều hơn với vốn trung và dài hạn, được tiếp cận nhiều hơn với quan hệ tín dụng theo cách tài sản đảm bảo được hình thành từ vốn vay và cuối cùng là lãi suất. Điểm này tôi phải nói rất rõ, trong những năm gần đây, qua nghiên cứu của chúng tôi ngân hàng thương mại không gây khó cho doanh nghiệp để đòi hỏi, bắt bẻ để xin tiền mà là họ còn nhiều e ngại, không dám đột phá. MC: Rõ ràng là nếu chúng ta vẫn quy định như hiện nay thì sẽ dễ xảy ra tình trạng các ngân hàng thương mại thích cho vay các khoản lớn hơn là đi cho vay các khoản nhỏ đối với DNTN, vậy tới đây, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế gì để khuyến khích, hỗ trợ thậm chí là ấn định một tỷ lệ nào đó để các ngân hàng thương mại cho vay đối với nhóm doanh nghiệp này? Ông Trần Văn Tần: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của anh Nam. Ngân hàng chúng tôi huy động là để cho vay, vì vậy khách hàng đối với các ngân hàng thương mại là thượng đế, đúng theo nghĩa đen. Vì vậy, chúng tôi huy động muốn cho vay và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Từ ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên để hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh. Bất động sản, BOT, BT … không phải là lĩnh vực ưu tiên, đây cũng là động thái của Ngân hàng Nhà nước hướng dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các tổ chức tính dụng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nhờ có những biện pháp rất kịp thời như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, theo thống kê của chúng tôi, tỉ lệ vốn trong tín dụng đi vào lĩnh vực sản xuất là chính, đạt đến 80%, còn 20% là các lĩnh vực khác trong đó có cả lĩnh vực tiêu dùng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 13,67%, tín dụng với ngành công nghiệp tăng 10,34%, đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo đã tăng 13,12%. Có một điểm tôi rất đồng tình với ý kiến của anh Phong là nợ xấu với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chủ yếu là các hộ dân, doanh nghiệp nhỏ vay thì tỉ lệ nợ xấu lại rất thấp, chỉ khoảng 1,6%. Do vậy, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã chuyển chiến lược của mình từ cho vay các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sang lĩnh vực bán lẻ và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt, cho vay theo chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tôi cho rằng đây là hướng rất tốt để hỗ trợ cho lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực kinh tế tư nhân. MC: Để bảo đảm an toàn vốn thì việc hạ thấp các quy định về tài sàn thế chấp hay tín chấp có giới hạn nhất định vì vậy theo ông có cần cần những quy định đặc thù về điều kiện thủ tục tiếp cận vốn để phù hợp với DNTN nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ thưa ông? Ông Nguyễn Minh Phong: Chúng ta cần phải khẳng định, bất kỳ doanh nghiệp nào vay thế chấp hay tín chấp đều có giới hạn của nó. Đây là yêu cầu đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như của từng ngân hàng, sự sống còn của họ với tư cách là đơn vị kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh cần phải tăng cường kiểm tra hệ thống như hiện nay.Thứ hai, đây cũng là điều kiện để cạnh tranh thị trường lành mạnh, bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp, không thể có tình trạng bao cấp, cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh có sự cân bằng giữa các môi trường kinh doanh. Vấn đề ở đây là anh phải đổi mới cách làm hoặc anh phải lớn lên. Nhưng lại có một nghịch lý là anh phải có đặc thù thì mới lớn lên được, chứ anh cũng coi tôi như các ông lớn khác thì làm sao mà tôi lớn lên được. Nên tôi cho rằng vẫn cần những cơ chế đặc thù với đối tượng đặc biệt như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi, doanh nghiệp công nghệ cao hoặc những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên. Và cũng chính vì thế, chúng ta mới có các quy định liên quan tới 5 lĩnh vực ưu tiên này, cộng với các quỹ như quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh… Với những cơ chế và với những đối tượng mà chúng ta vừa nêu, việc sốc lại hoạt động của các quỹ kiểu này là rất cần thiết. Trong thời gian vừa qua, nếu tính hiệu quả thì dường như quỹ phát triển doanh nghiêp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng đang còn nhiều vấn đề cần sốc lại. Đặc thù chúng ta đã công nhận rồi, mà đặc thù thể hiện thông qua 2 quỹ này mà không thực hiện tốt thì đặc thù đó cũng chỉ dừng ở trên giấy. MC: Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là cứu cánh cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Theo ông, quỹ này cần được vận hành thế nào cho thực sự hiệu quả? Ông Nguyễn Minh Phong: Theo Quyết định 58/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động theo sự điều hành của địa phương với nguyên tắc là một doanh nghiệp muốn được quỹ bảo lãnh phải đáp ứng được 4 điều kiện là: có phương án tốt, khả thi; có tài sản thế chấp 15% tổng vốn muốn vay; có 15% vốn để tham gia vòa các dự án được bảo lãnh và cuối cùng là doanh nghiệp phải không được nợ đọng thuế, bảo hiểm … có lẽ đây là điều kiện khó khăn nhất. Rõ ràng là nếu điều kiện quá ngặt nghèo cộng với trách nhiệm của cán bộ thẩm định không cao và ngay cả phía doanh nghiệp xây dựng dự án cũng không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của quỹ như ở Hà Nội cũng như một số địa phương mà tôi biết thì quỹ bảo lãnh được rất ít. Thực tế này đòi hỏi cần phải có sự điều chỉnh để quỹ hoạt động tốt hơn, như trong bối cảnh hiện nay, tình trạng nợ đọng khá phổ biến, nhiều doanh nghiệp Nhà nước được giãn nợ, khoanh nợ thì cũng nên mở rộng cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể được xem xét khoanh nợ. Tức là nới điều kiện này ra, rồi các điều kiện về vốn cũng nới hơn một chút, tất cả dựa trên việc xem xét phương án sản xuất, kinh doanh là quan trọng nhất. Điều này sẽ tạo cơ hội cho nhiều dự án hơn được bảo lãnh từ quỹ. Cái thứ hai nữa là cán bộ, nhân viên các quỹ cũng phải nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình lên để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình thẩm định, xây dựng dự án, thông qua việc bảo lãnh. Ngoài ra cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra mạnh hơn để chống trục lợi, lạm dụng để tạo sức ép buộc các quỹ này phải chủ động tìm đến doanh nghiệp. MC: Thưa ông, để khơi thông được dòng chảy tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì có nhiều ý kiến cho rằng cần khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng việc này thì lại đòi hỏi cao về tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp. Xin được biết ý kiến của ông về vấn đề này? Ông Tô Hoài Nam: Đây là một hướng đúng vì ngân hàng không thiếu vốn mà chỉ thiếu niềm tin bắt nguồn từ thiếu tín nhiệm của doanh nghiệp. Tôi rất đồng tình với nhận định là bản thân ngân hàng cũng đã nhận thức và đang có xu hướng đẩy mạnh cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân vay và coi đó là tiềm năng rất lớn để tăng trưởng lâu dài cho chính ngân hàng. Tất nhiên để khơi thông được vốn cho doanh nghiệp thì cần có biện pháp sát với thực tế hơn. Trước tiên ngân hàng với tư cách là doanh nghiệp đặc biệt, tính chuyên nghiệp cao hơn lại có tiềm lực tài chính mạnh thì trong mối quan hệ với doanh nghiệp ngân hàng phải chủ động hơn, thậm chí phải hy sinh, táo bạo một chút để có lợi lâu dài. Cái thứ hai là điểm nào doanh nghiệp cần hỗ trợ thì ngân hàng nên hỗ trợ vào chỗ đó, ví dụ như hỗ trợ quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án đầu tư về thiết bị, nhà xưởng cho tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo chuỗi sản phẩm, tăng tính minh bạch về báo cáo tài chính. Cuối cùng là ngân hàng phải thiết lập được chuẩn tín nhiệm của doanh nghiệp, từ đó thông tin của hai bên về nhau rõ hơn, độ tin cậy sẽ cao hơn. MC: Xin được trở lại với vấn đề giảm lãi suất, thưa ông Nguyễn Minh Phong, ý kiến của ông thế nào trước lo ngại là nếu chúng ta không quản lý tốt thì dòng vốn rẻ hơn này sẽ chảy vào các lĩnh vực không được ưu tiên như bất động sản chẳng hạn? Ông Nguyễn Minh Phong: Rất tốt là Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã rất nhất quán và ngày càng có quyết tâm cao hơn trong việc định hướng dòng vốn, nhất là vốn rẻ vào lĩnh vực ưu tiên đáp ứng đúng mong đợi của doanh nghiệp. Nhưng cũng cần thật thận trọng bởi cá nhân tôi mới nhận được cảnh báo là có đại gia buôn ô tô bây giờ lại nhảy vào nông nghiệp để lập dự án vay vốn giá rẻ sau đó chuyển sang bất động sản hoặc lại buôn ô tô. Đây là cảnh báo của người trong cuộc và không nên coi nhẹ. Về mặt logic, rõ ràng chênh lệch lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên là đủ lớn để tạo ra động lực cho việc này. Cần hết sức cẩn trọng trong trao đổi thông tin, công tác thẩm định, kiểm tra vốn sau giải ngân để tránh mọi kẽ hở làm thất thoát vốn, bảo đảm cho dòng vốn chảy vào đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng và đúng thời điểm doanh nghiệp cần. MC: Xin được hỏi ý kiến ông Trần Văn Tần về những lo ngại của ông Nguyễn Minh Phong và ông Tô hoài Nam? Ông Trần Văn Tần: Hiện nay, các ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay trên cơ sở quản lý dòng tiền, bởi thực tế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì giá trị tài sản thế chấp rất ít. Về đánh giá mức độ tín nhiệm tôi có thể khẳng định là hiện nay các ngân hàng thương mại đã và đang làm rất là tốt dựa trên các giao dịch của doanh nghiệp trong quá khứ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, BOT, BT … để phòng ngừa, ngăn chặn dòng vốn từ lĩnh vực ưu tiên chảy sang các lĩnh vực khác. MC: Từ góc độ Hiệp hội ông có kiến nghị đề xuất gì để các dòng vốn đến đúng các đối tượng sản xuất, kinh doanh trong đó có các doanh nghiệp tư nhân? Ông Tô Hoài Nam: Theo tôi Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu các chính sách để làm sao các ngân hàng thương mại có thể chủ động nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận vốn từ các dự án quốc tế, đặc biệt là các dự án hỗ trợ, bởi các ngân hàng thương mại của Việt Nam kể cả các ngân hàng nhỏ nhất thì đều có tính chuyên nghiệp rất cao. Việc họ được tiếp cận, được tham gia cùng là khả thi hơn các tổ chức khác, hơn nữa họ là loại hình doanh nghiệp tài chính phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ. Việc này sẽ giúp có thêm các nguồn vốn khác thường có lãi xuất thấp, thời gian cho vay dài hơn đẻ đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp. Thứ hai nữa là phải quan tâm hơn đến cho vay tín chấp thông qua hoạt động của các quỹ trong đó có quỹ bảo lãnh tín dụng để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp hơn được tiếp cận với vốn ngân hàng. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần lượng vốn lớn chỉ mấy trăm triệu đồng nhưng thời gian vay phải dài theo chu kỳ kinh doanh. Về mặt khung chính sách cũng cần điều chính theo hướng khuyến khích các ngân hàng thương mại mạnh dạn, táo bạo hơn khi cho doanh nghiệp vay, đặc việc là các món vay nhỏ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi có rủi ro nếu không phát hiện ra có tư lợi cá nhân trong đó thì không nên xem xét hình sự hóa để giải thoát tâm lý e ngại của ngân hàng thương mại. MC: Vâng, có thể nói, qua cuộc trao đổi hôm nay cho thấy vẫn còn rất nhiều nút thắt, rào cản trong tiếp cận vốn tín dụng của các DNTN. Hy vọng với các giải pháp đã được đề xuất, kiến nghị cùng sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng NN và các ngân hàng thương mại thì những vướng mắc trên sẽ sớm được tháo gỡ. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để các DNTN phát triển lớn mạnh hơn, tăng sức cạnh tranh đối với các thành phần kinh tế khác và có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của đất nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình, cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Cổng TTĐT Chính phủ