TKV “lên dây cót” triển khai phòng chống thiên tai

00:00 12/10/2020

Vừa qua, Tập đoàn TKV đã tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2018 và “lên dây cót” triển khai nhiệm vụ năm 2019 với nhiều giải pháp cụ thể.

 Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTTTKCN) năm 2018 và “lên dây cót” triển khai nhiệm vụ năm 2019

Năm 2018 không có thiệt hại về người

Do làm tốt công tác PCTT-TKCN nên năm 2018 TKV không có thiệt hại về người do thiên tai, mưa bão gây ra. Về vật chất, giá trị thiệt hại do thiên tai, mưa bão không đáng kể. Tổng chi phí cho việc thực hiện phòng chống thiên tai, mưa bão năm 2018 trên 170 tỷ đồng/kế hoạch gần 202 tỷ đồng.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN các đơn vị đã tổ chức xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống mưa bão, phòng chống thiên tai trên địa bàn, trong đó có phương án giả định xử lý sự cố tại những khu vực có nguy cơ cao. Tất cả các đơn vị khai thác than hầm lò đã xây dựng phương án thủ tiêu sự cố trình Tập đoàn thông qua. Hằng quý các đơn vị lập phương án ứng cứu sự cố thỏa thuận với Trung tâm Cấp cứu mỏ, trong đó có các giả định sự cố như: Cháy mỏ, nổ khí, bục nước, đổ lò, ngạt khí, xuất khí vv... và thỏa thuận cùng các đơn vị nhằm đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa Trung tâm cấp cứu mỏ và các đơn vị khi sự cố xảy ra. Hầu hết các đơn vị đã lập và ký thỏa thuận/ kế hoạch hiệp đồng, huy động lực lượng PCTT với chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã trong các tình huống giả định khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là các tình huống bão, lũ, ngập lụt tại các vùng trũng...

Tiếp tục phương châm 3 trước – 4 tại chỗ

Triển khai công tác PCTT – TKCN năm 2019, TKV đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại và sư cố do thiên tai gây ra với các tiêu chí cụ thể như: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tài sản, vật kiến trúc của các đơn vị, và dân cư xung quanh; bảo đảm an toàn, không gây ngập lụt các mỏ; chống sạt lở các bãi thải, bãi chứa quặng đuôi, đập, hồ chứa... Theo đó, TKV đã “lên dây cót” các đơn vị ngay từ đầu năm, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “3 trước - 4 tại chỗ” (chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước - lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ).

Cụ thể, đối với các đơn vị khai thác hầm lò, xây dựng mỏ hầm lò, rà soát, kiểm tra bề mặt địa hình phía trên các khu vực khai thác hầm lò, đào lò của đơn vị, đặc biệt là các khu vực suối cạn, vùng trũng. Tiến hành san lấp, chuyển hướng dòng chảy ra khỏi các khu vực bị nứt, sụt lún, tụ nước nhằm ngăn ngừa nguy cơ bục nước hoặc gia tăng lượng nước chảy vào lò. Kiểm tra hầm trạm bơm, tính toán bổ sung bơm thoát nước đảm bảo thoát nước trong điều kiện có mưa lớn, nâng cao năng lực bơm nước và hầm chứa nước của các mỏ; rà soát nâng cốt cao các cửa lò đề phòng nguy cơ bị ngập do mưa lớn.

 Đối với các đơn vị khai thác lộ thiên, chú trọng điều chỉnh các vấn đề liên quan đến kỹ thuật khai thác, thoát nước để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, siêu bão, mưa lớn. Đổ thải phân lớp theo đúng giới hạn, hướng, trình tự và kỹ thuật đổ thải không để tạo thành các vùng trũng chứa nước trên bề mặt, san lấp các vết nứt bề mặt bãi thải. Xúc giảm tải các khu vực có nguy cơ trượt lở. Đối với các đơn vị kho vận, quản lý cảng, vận tải thủy, tổ chức gia cố, chống đỡ thiết bị bốc rót đảm bảo an toàn khi có mưa bão, lốc xoáy; bố trí đủ phương tiện neo đậu, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền. Phối hợp với cảng vụ các khu vực để thống nhất địa điểm trú ẩn cho tàu thuyền khi có bão.

Đối với các nhà máy tuyển, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, cơ khí, xi măng và các đơn vị khác, triển khai kiểm tra, khơi thông, củng cố hệ thống thoát nước của các nhà máy. Sửa chữa, gia cố, giằng néo các nhà xưởng, kho tàng và các công trình xây dựng.

H.H